![]() |
Thống chế Lê Đình Lý, tướng Nguyễn Tri Phương đã cùng với nhân dân Quảng Nam chiến đấu kiên cường suốt hai năm trời mới buộc được chúng rút quân sau khi để lại những bãi tha ma, thánh giá nghiêng ngả với hàng trăm xác thủy quân Âu châu trên bán đảo Sơn Trà. Hai nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của ta trong trận chiến đấu không cân sức ấy mà người Quảng Nam gọi là các nghĩa trũng hiện vẫn còn lưu dấu tại Đà Nẵng, cách không xa thành Điện Hải cổ xưa.
Và cũng theo con đường này lúc 9 giờ sáng ngày 08-3-1965 đại đội đầu tiên của Lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đã đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc, quận Liên Chiểu ngày nay. Từ đó Đà Nẵng trở thành một căn cứ lớn nhất của quân đội Mỹ, và chúng đã biến vùng nông thôn trù phú của hai tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi trở thành hoang mạc.
Nhưng người chiến thắng cuối cùng lại vẫn là nhân dân ta. “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, những câu sang sảng trong Bình Ngô Đại cáo từ thời Lê lại một lần nữa vang lên, minh chứng cho chủ nghĩa anh hùng và lòng yêu tự do thiết tha trong truyền thống yêu nước của dân tộc ta trường tồn mãi mãi.
Nhưng đường vào Đà Nẵng không phải chỉ có bóng quân xâm lược. Cũng giống như các con đường biển khác kéo dài suốt từ Bắc chí Nam, đây còn là con đường của bao nhiêu tàu buôn các nước từ hàng nghìn năm lui tới giao lưu, đem hàng hóa nước ngoài tới Chămpa, Đại Việt, chở hàng hóa Việt Nam đến các dân tộc khác.
Và cùng với hàng hóa là văn hóa được giao thoa, là tình hữu nghị được thiết lập, tạo ra sự liên kết, hỗ trợ bền vững giữa các quốc gia, và chúng ta đang tiếp tục sự nghiệp đó hiện nay. Như vậy, giá trị của biển không phải chỉ có tài nguyên mà còn là những con đường hàng hải thuận lợi, là giao thông vận tải biển, là phương tiện để đất nước ta trở thành một trong những con rồng ở Thái Bình Dương nếu chúng ta biết khai thác, sử dụng biển một cách hợp lý.
Tối hôm ấy cơn bão số năm đã đuổi kịp chúng tôi. Sóng dâng trắng xóa bờ bãi. Cây cối, nhà cửa oằn mình trong từng cơn gió giật. Thiên nhiên thật là kỳ bí, khi thì như thiên thần, khi thì hơn cả quỷ dữ.
Chúng tôi tạm trú tại khách sạn Hàn Giang trông ra con sông đưa nước từ Trường Sơn đổ vào Biển Đông. Ở đây tôi gặp một người quản lý nước da ngăm đen, nhanh nhẹn, đã một thời là người anh hùng trên biển. Các xoáy nước vần vũ ngoài cửa sổ, các đám mây đen hối hả kéo đi dày đặc trên bầu trời. Tất cả những cảnh tượng này gợi nhớ những kỷ niệm của bốn mươi năm trước.
Với giọng trầm trầm của người đi biển, bác giám đốc khách sạn trước kia là một trong những người chỉ huy tàu 99 huyền thoại kể cho chúng tôi nghe một trong những kỳ tích của con đường Hồ Chí Minh trên biển ngày xưa.
Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, những ngày bão lớn được xem là một cơ hội chứ đâu có phải chỉ là hiểm nguy. Trong lúc tàu chiến của giặc lo đi tránh bão thì những con tàu không số của ta lại ra khơi, chở súng đạn, thuốc men, và cán bộ vào chiến trường. Rất nhiều con tàu đã lập những chiến công lớn, nhiều anh hùng được tuyên dương công trạng, nhưng cũng không ít những con tàu cùng những chiến sĩ kiên cường của nó đã nằm lại ở Biển Đông.
Con tàu mang ký hiệu 99 đã nhiều lần xuất phát từ Hải Phòng đi các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nam bộ thành công, là một trong những con tàu anh hùng đó. Chuyến đi vào Phú Yên đầu tiên ghi sâu, không bao giờ phai trong những kỷ niệm của bác. Đó là một chiều giá buốt cuối năm 1965, ở Đồ Sơn, nơi đặt sở chỉ huy của Hải quân Việt Nam. Quanh chiếc bàn rộng trên trải một tấm bản đồ với chi chít những mũi tên xanh, đỏ, những con tàu tí xíu gấp bằng giấy, những lá cờ Mỹ và những chấm đỏ xen kẽ nhau, mô tả tình hình chiến sự biển Đông, bác gặp Tư lệnh quân chủng, đô đốc Nguyễn Bá Phát để nhận nhiệm vụ.
Bác Phát là người quê ở ngoại ô Đà Nẵng, mảnh đất mà bây giờ chúng tôi đang đứng. Tàu 99 lần này sẽ chở vũ khí vào Vũng Rô, nằm kề sát đường sắt và Quốc lộ 1, nơi địch đóng dày đặc nên chúng rất chủ quan, cho rằng quân cách mạng có gan cóc tía cũng không dám đặt chân đến đó.
Các chiến sĩ trên tàu 99 gồm những người rất dày dạn sóng gió, đặc biệt có nhiều chiến sĩ giải phóng quân quê gốc Bình Định, Phú Yên vừa mới vượt Trường Sơn đi bộ ra Bắc nhận hàng. Tư lệnh bắt tay từng người, chào tạm biệt, chúc con tàu lập công xuất sắc.
Tàu rời Bãi Cháy giữa mùa gió chướng, biết đâu cũng đã đi đúng con đường mà tàu Bình Minh đã đi qua. Trong đêm tàu rẽ sóng chạy vòng ra vùng biển quốc tế rồi hướng về phía Nam. Ngày tiếp nối đêm, chung quanh chỉ toàn là trời nước mênh mông. Gió tăng dần lên cấp bảy, cấp tám, sóng dâng cao, con tàu trở nên mong manh như chiếc lá. Trong đoàn có vài người không được khỏe, nôn mửa hết mật xanh đến mật vàng nhưng không ai rời vị trí của mình.
Khi vượt qua vĩ tuyến 17, tàu 99 bắt gặp các tàu đánh cá của ngư dân miền Trung. Mạn đầu tàu nào cũng vẽ hai con mắt thật to như để dẫn đường. Tàu 99 đổi biển số, hòa vào với họ, chạy trong vùng biển luôn luôn bị các hải thuyền của ngụy quân kiểm soát. Những người lính ngụy này phần lớn là lính quân dịch nên chỉ cần một ít quà như thuốc lá, đồ nhậu là họ cho qua. Hơn nữa họ cũng chẳng nghĩ có thể có tàu của quân cách mạng hoạt động ở vùng này.
Đến ngày thứ ba thì tàu vào địa phận Đà Nẵng và nhận được điện báo tin có một phái đoàn quân sự Mỹ đang đi thị sát cụm ra-đa cù lao Ré với nhiều tàu chiến đi tuần tra, bảo vệ vòng trong, vòng ngoài. Khoảng năm giờ sáng, bình minh vừa hé rạng đã thấy một máy bay từ phía đất liền bay lại, lượn vòng trên tàu 99 rất lâu rồi bay đi. Tiếp ngay đó đồng chí trực trên đài quan sát phát hiện hai chấm đen đang hướng tới con tàu của chúng ta.
Đó là hai tàu chiến địch. Rõ ràng là Mỹ đã nhận ra con tàu 99, một con tàu đáng nghi vấn. Tàu 99 nhanh chóng thay số hiệu, dùng lưới đánh cá phơi ngụy trang đồng thời chuẩn bị vũ khí sẵn sàng chiến đấu. Hai tàu địch lố nhố đầy sỹ quan, cười nói oang oang, chạy song song kẹp tàu 99 vào giữa, dùng ống nhòm quan sát tàu ta để kiểm tra. Giờ phút đấu trí cực kỳ căng thẳng. Tàu 99 vẫn chạy ung dung.
Các chiến sĩ ta ai vào việc nấy, vui vẻ mỉm cười, thỉnh thoảng lại đưa tay vẫy chào tàu địch để xua tan sự nghi ngờ của chúng. Vì quá chủ quan và bất ngờ nên sau hai giờ hù dọa theo kiểu rất anh chị, có lẽ chúng cho rằng tàu 99 là tàu đánh cá thực sự, tiếng nói của thủy thủ lại rặt giọng địa phương nên chúng kéo còi tăng tốc, quay về hướng khác.
Tàu 99 lại tiếp tục hành trình và chiều hôm sau thì đổi hướng, quay mũi vào bờ. Những đỉnh núi xanh của Trường Sơn thân thương đã lờ mờ hiện ra ở phía Tây. Vài chiếc máy bay tuần tra của địch bay qua bay lại như đang đi dạo, ngắm cảnh nắng chiều trên vịnh. Trời tối dần. Ta dùng đèn pin tìm liên lạc trên bờ theo ám hiệu đã hẹn trước nhưng tuyệt nhiên không lời đáp. Chắc là có vấn đề gì đó đã xảy ra vì tàu vào quá hạn hẹn bốn ngày.
Đành phải cho tàu chạy trở ra hải phận quốc tế cho an toàn và liên lạc trở lại. Lúc đi ra không gặp trở ngại gì nhưng ngày hôm sau khi đi vào lại gặp một khu trục hạm nhỏ của quân Mỹ trên đường ra Hạm đội 7. Vì tàu 99 hơi lớn so với các tàu đánh cá gần bờ khác nên không lọt qua được con mắt cú vọ của chúng. Trong trường hợp này thì phải chiến đấu thôi.
Khu trục hạm chạy theo một đoạn, vòng lên phía đầu rồi áp sát vào gần mạn tàu 99. Hai tên sỹ quan ra lệnh thả cầu để sang kiểm tra trực tiếp. Đúng lúc ấy một loạt đạn B40 nổ xé trời, lao thẳng vào đúng phần giữa buồng lái và máy nổ của khu trục hạm. Chỉ trong mười phút khu trục hạm chìm nghỉm, địch không kịp phản ứng một tí gì thì đã bị tiêu diệt gọn.
Tàu ta đi ra hay tiếp tục đi vào? Quay ra thì an toàn hơn nhưng có thể bị hạm đội Bảy đón bắt dễ dàng, hơn nữa lại lỡ hẹn với bộ phận quân giải phóng trên đất liền. Tiếp tục đi vào thì nhiều rủi ro nhưng lại là điều mà quân địch không ngờ tới vì chúng không nghĩ được đối phương lại liều lĩnh đến như vậy. Hơn nữa địch cũng không hiểu mục đích của tàu ta là gì. S
au khi cân nhắc kỹ, tàu 99 chọn phương án hai, chuyển hướng chạy về phía Cam Ranh, căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ để tạo thêm tính bất ngờ hơn nữa rồi sau đó quay lại Vũng Rô khi trời bắt đầu tối. Trong lúc đó toàn bộ lực lượng hùng hậu của địch lại được huy động tỏa ra khơi, truy lùng tàu 99. Hôm sau Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin một tàu lạ xâm phạm hải phận miền Trung đã bị khu trục hạm Mỹ bắn chìm trong khi giao chiến.
Ra đến hải phận Phú Yên tàu 99 bình tĩnh, khôn khéo chạy từ từ vào giữa vịnh rồi tắt máy, thả trôi để không gây tiếng động. Một chiếc thuyền nhỏ được thả xuống, chèo vào bờ, tìm bến. Thời gian bò đi chậm chạp theo từng tiếng tích tắc của cây kim giây của chiếc đồng hồ trong buồng lái. Rồi niềm vui ập đến đột ngột. Đã có tín hiệu ánh sáng từ phía bờ. Tiếp sau là một chiếc thuyền nan cập mạn tàu. Các chiến sĩ ôm nhau nghẹn ngào, xúc động.
Mệnh lệnh cấp trên - bốc dỡ 80 tấn vũ khí trong ba giờ để tàu rời Vũng Rô ngay trong đêm - là điều không thể thực hiện được. Lại phải xin chỉ thị cấp trên. Cuối cùng được lệnh cho phép tàu ở lại, ngụy trang giấu kín, bốc hàng xong tối mai trở ra. Lại thêm một ngày đấu trí với địch, giữ tàu an toàn, thần kinh căng thẳng như chuẩn bị đứt tung bất cứ lúc nào.
Hôm sau khi mặt trời chìm sau đèo Cả, những ánh sáng cuối cùng đã tắt trên nền trời xa, tàu được dỡ bỏ ngụy trang, cập bến. Xa xa những ánh đèn pha của các đồn bót địch vẫn đều đặn quét đi quét lại giữa màn đêm. Hàng trăm dân công và chiến sỹ giải phóng quân hồ hởi, hối hả lên tàu đưa hàng lên bờ. Niềm vui không tả xiết qua giọng thì thầm đặc âm sắc Phú Yên.
Thế là cả một bộ máy kìm kẹp của chính quyền ngụy, của quân đoàn lính Nam Hàn, cả hạm đội Mỹ với máy bay, đại bác, tàu chiến canh gác nghiêm mật vẫn không hay biết gì về hoạt động của tàu 99. Hai giờ sáng tàu bốc hàng xong. Các thủy thủ chia tay đồng bào, đồng chí trong niềm quyến luyến, nghẹn ngào. Tàu 99 lại rẽ sóng ra khơi, trở về miền Bắc để rồi lại tiếp tục nhận các nhiệm vụ nặng nề, vinh quang khác mà không phải lúc nào cũng thắng lợi như lần này.
Bác nhấp một ngụm nước, nhìn chúng tôi một lượt rồi nói tiếp: “Các câu chuyện về Biển Đông đâu có phải chỉ có sóng gió bão bùng, tài nguyên giàu có, cảnh trí thơ mộng mà còn bao nhiêu là sự tích anh hùng, là hy sinh, gian khổ của bao thế hệ người Việt để bảo vệ nó, với tư cách là người chủ chân chính, hợp pháp của vùng biển này. Hiện nay chúng ta chưa sung sướng như nhân dân nhiều nước khác nhưng chúng ta đang hạnh phúc vì đã có một Tổ quốc thống nhất, độc lập, không còn là một dân tộc nô lệ đến mức tên nước cũng bị xóa sổ trên bản đồ thế giới như trước 1945.
"...Cơn bão lớn đã đi qua, chân trời tương lai của nước mình đã rộng mở nhưng vẫn còn bao nhiêu thách thức do chính sự ấu trĩ, sự bảo thủ, giáo điều, nóng vội, tả khuynh, hữu khuynh của chính mình gây ra. Tham vọng của kẻ thù bên ngoài vẫn chưa chấm dứt. Thế hệ của các cháu sẽ vượt qua các thách thức đó một cách kiêu hãnh như lớp người đi trước”.
Bác giám đốc ngừng lời. Một không khí vừa trang nghiêm vừa xúc động tràn ngập cả căn phòng và tôi càng thấy yêu biển, yêu tổ quốc biết bao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận