11/07/2005 11:00 GMT+7

Huyền ảo Suối Thái Nguyên

Theo Báo Thái Nguyên
Theo Báo Thái Nguyên

Nếu bạn muốn đến một nơi thật yên tĩnh để suy ngẫm, muốn được hít căng lá phổi một bầu không khí thật trong trẻo, muốn đằm mình trong dòng nước mát lạnh mà ngắm bầu trời xanh lấp ló sau tán cây… thì hãy đến Suối Tiên - Thái Nguyên, một địa danh còn ít người biết đến nhưng chính vì thế mà hoang sơ, mơ mộng, đầy khám phá.

B4PVdzEE.jpgPhóng to
Nếu bạn muốn đến một nơi thật yên tĩnh để suy ngẫm, muốn được hít căng lá phổi một bầu không khí thật trong trẻo, muốn đằm mình trong dòng nước mát lạnh mà ngắm bầu trời xanh lấp ló sau tán cây… thì hãy đến Suối Tiên - Thái Nguyên, một địa danh còn ít người biết đến nhưng chính vì thế mà hoang sơ, mơ mộng, đầy khám phá.

Cách Thành phố Thái Nguyên chừng 40 km đường nhựa phẳng lỳ, đến ngã ba Quang Sơn của huyện Đồng Hỷ thì rẽ trái, đi thêm chừng 10 km nữa, bạn sẽ gặp cầu treo Văn Lăng bắc qua sông Cầu. Mặt cầu lát bằng gỗ quý, những dây cáp thép vững chãi níu đôi bờ. Con đường nhỏ uốn lượn quanh những nương chè và núi đá. Những nếp nhà nhỏ bé bình yên ẩn mình trong màu xanh bao la.

Suối Tiên nằm ở địa phận xóm Tân Lập, xã Văn Lăng. Ai là người đầu tiên phát hiện mà đặt tên là suối Tiên nhỉ? Có lẽ là một người bản địa với con dao quắm giắt ngang lưng, một hôm len lỏi kiếm măng kiếm quả mà sững sờ trước thác nước trắng ngần xối xả từ tầng không? Cũng có thể là một đôi trai gái bản một lần theo bước chân của tình yêu mà dìu nhau đến nơi phong cảnh hữu tình này mà đắm đuối không thể không đến thêm một lần nữa.

Suối Tiên cũng giống muôn ngàn con suối khác ở dòng nước trong vắt trườn trên lớp cát trắng phau, những con ốc nhỏ bám chặt vào mỏm đá xanh rêu. Nhưng Suối Tiên không giống những con suối thông thường ở chỗ có nhiều ghềnh đá dềnh lên mặt nước như lưng những chú voi khổng lồ.

Nơi nào có ghềnh đá là nơi đó những cây Lộc Mạ khum lại như che chắn. Dù ngoài trời có nóng gay gắt đến mấy nhưng chỉ ngồi mấy phút trên ghềnh đá này đã thấy hơi lạnh mơn man, mệt mỏi biến mất và đôi chân lại muốn đi tiếp.

Cứ lội theo dòng, chân bấm lên một vết cuốc ai đó đã bập vào đá cho đỡ trơn mà đi, chừng 2 ki lô mét là đến thác. Một dòng nước trắng xoá đổ từ độ cao vài chục mét tẽ thành dăm mảnh như dải lụa óng ánh chảy xuống một cái bể thiên tạo đầy cá bơi lội tung tăng.

Bạn có dám đằm vào ngọn thác kia không? Có gì đáng sợ đâu nhỉ. Chỉ vài cái trườn mình, bạn đã có thể tận hưởng cảm giác sung sướng vô cùng khi nằm giữa dòng nước bạc mà không thể kìm một tiếng reo sung sướng gửi lên mỏm núi cao ngất trước mặt như lời cảm tạ thiên nhiên hào phóng.

Nhưng nếu chịu khó men thác mà lên một đoạn nữa, lại thấy 1 thác, 1 thác nữa và trên cùng là một hồ nước nhỏ không biết có từ bao giờ hội tụ nước chắt ra từ khe núi, tung xuống mà làm nên thác bạc.

Chắc là bạn đã thấm mệt rồi, hãy giở bánh mì ra ăn và ném cho đàn cá đang há miệng chờ đón, hoặc nếu chưa mệt, bạn có thể lội suối trở về leo lên nếp nhà sàn còn thơm mùi gỗ của cha con ông Lăng Văn Thọ và Lăng Văn Định. Chẳng quen biết gì nhưng với lòng hiếu khách của người Nùng, bạn có thể vào buồng trong ngủ một giấc hoặc khề khà nâng chén rượu nhắm với măng nứa luộc.

Theo Báo Thái Nguyên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên