02/07/2018 10:38 GMT+7

Hút sữa mẹ, lưu ý bụng con

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Hút sữa mẹ và cách bảo quản sữa mẹ không đúng làm trẻ bị suy dinh dưỡng, thậm chí không ít trẻ đã phải nhập viện khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM điều trị do bị tiêu chảy.

Hút sữa mẹ, lưu ý bụng con - Ảnh 1.

Con được bú mẹ trực tiếp là tốt nhất - Ảnh: GIA TIẾN

Hiện nay phong trào hút sữa mẹ, sau đó trữ vào tủ lạnh cho trẻ uống dần khá phổ biến. Nhiều người cho rằng hút sữa mẹ sẽ kích thích sữa ra nhiều hơn và cũng thuận tiện cho bà mẹ đi ra ngoài vì người khác vẫn cho trẻ uống được sữa mẹ.

Trẻ ốm, trẻ béo phì

Chị L.T.T.U. (28 tuổi, ngụ ở Q. Tân Bình, TP.HCM) kể chị sinh hai con liền nhau. Bé đầu chỉ cách bé thứ hai gần một năm. Khi sinh bé thứ hai chị vẫn có rất nhiều sữa nên bé thứ hai bú xong chị lại vắt hết sữa còn lại cho bé đầu uống. Bé đầu ăn uống tốt, cộng với bú sữa mẹ nên ngày càng tăng ký. Khi thấy cháu tròn quá, chị đưa cháu đến bệnh viện tư vấn về dinh dưỡng thì các bác sĩ nói chính việc cháu uống nhiều sữa kèm ăn uống tốt nên cháu đã bị béo phì.

Chị N.T.T. (32 tuổi, ngụ ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM) kể từ khi con chị được 6 tháng tuổi, cho con bú cữ sáng xong, chị cũng vắt hết sữa để người nhà cho bé bú cữ sau. Có lần, trong tủ lạnh chứa nhiều rau trứng, thịt cá, chị để sữa mới vắt ra trong ngăn mát chung với những thực phẩm này. Sau khi con chị uống sữa xong, có biểu hiện tiêu chảy. Chị đưa con đến bác sĩ nhi chuyên khoa tiêu hóa, chị mới biết có thể do bảo quản sữa mẹ không đúng cách đã làm con chị bị tiêu chảy.

"Sao con tôi bú sữa mẹ hoài mà cháu mãi không lớn?" là thắc mắc của nhiều bà mẹ khi đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - bác sĩ Hoàng Lê Phúc, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết.

Bác sĩ hỏi ra mới biết những bà mẹ này thường hút, trữ sữa đầu cho con uống. Trong khi sữa đầu bị thiếu năng lượng, thiếu chất béo do vậy trẻ không lớn được. Ngược lại với những trường hợp này, có những bà mẹ chỉ cho con bú sữa sau, sữa sau có nhiều chất béo nên đã làm trẻ bị béo phì. Thậm chí, có những trẻ bị bệnh tiêu chảy do sữa mẹ được bảo quản không đúng cách.

Trữ sữa đúng cách

Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, hiện nay nhiều bà mẹ nhiệt tình hút, trữ sữa cho con với mong muốn con được bú sữa mẹ nhưng lại chưa biết cách trữ, bảo quản sữa sao cho an toàn đúng cách.

Sữa mẹ sau khi vắt ra nên được trữ trong bình thủy tinh được đậy kín, chứ không nên trữ sữa mẹ trong bình nhựa vì sữa sẽ bị dính tế bào có lợi của sữa mẹ vào bình nhựa. Khi lấy sữa ra cho trẻ uống sữa sẽ không đủ năng lượng cho trẻ.

Sữa vắt ra có thể để ở nhiệt độ phòng (25 độ C) trong bốn giờ, còn nếu để trong ngăn mát (4 độ C) sẽ để được 8 giờ. Khi trữ sữa trong tủ lạnh cần để sữa vào góc sâu nhất để bảo đảm được nhiệt độ cần thiết, không để sữa chung với các loại thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn khác. Sữa mẹ để trong ngăn đá có trong ngăn mát thì để được trong 11 ngày. Còn sữa mẹ được trữ trong ngăn đá chuyên biệt (-20 độ C) thì để được trong 9 tháng.

Khi trữ sữa mẹ trong tủ lạnh, các bà mẹ nên ghi rõ ngày tháng bắt đầu trữ sữa. Cần ghi bằng bút không bị xóa, còn những lọ sữa đã bị mất dấu ngày tháng thì tuyệt đối không được cho trẻ uống.

Sữa mới vắt ra không được trộn với những lọ sữa để trong ngăn đông vì nếu trộn chung như vậy sẽ làm hư sữa. Không trữ sữa chung với những loại thực phẩm khác vì sữa có thể nhiễm bơ, đường, thịt, cá... sẽ làm trẻ uống vào bị tiêu chảy.

Cách hay nhất là đi trễ một giờ, về sớm trước một giờ so với giờ hành chính để hút sữa, trữ sữa cho cữ sau, tránh trữ sữa lâu ngày. Còn những người đi làm xa quá phải trữ đông thì nên để sữa trong ngăn mát, trước khi cho trẻ uống sữa nên ngâm sữa trong nước ấm 40 độ C để hâm lại.

Chú ý dinh dưỡng

Với sữa được trữ trong ngăn đá lâu ngày khi rã đông cần đưa vào ngăn mát để cho sữa tan từ từ sau đó mới lấy ra ngoài. Khi lấy sữa ra ngoài cần ngâm sữa vào trong nước ấm và nhớ không được để sữa dính nước. Không cho sữa vào lò vi sóng để rã đông vì lò vi sóng sẽ làm mất nhiều chất bổ trong sữa.

Có một số bà mẹ còn đi xin sữa từ những người khác nhau sau đó trộn sữa lại, trữ trong tủ để cho trẻ bú. Theo các bác sĩ, loại sữa đã được trộn này không thể biết có đủ dinh dưỡng hay không. Ngay cả một bà mẹ nặn, hút sữa từ nhiều lần khác nhau sau đó trộn chung lại cho trẻ bú cũng chưa chắc đã đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.

Sữa mẹ là thần dược? Sữa mẹ là thần dược?

TTO - Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất trong những năm tháng đầu đời của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, gần đây nhiều người lại thần thánh hóa công dụng vốn có từ sữa mẹ, cho rằng sữa mẹ là một thần dược chữa bách bệnh.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên