![]() |
Nhóm Cadillac hát bè cho một tiết mục trong Đêm thần thoại- Ảnh: T.T.D. |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Mô hình thường thấy nhất ở một nhóm bè nhạc trẻ tại VN là ba thành viên. Ở một số chương trình lớn, một vài tiết mục đòi hỏi 5-7 thành viên. Vì thế, các nhóm bè đang hoạt động hiện nay cũng thường có ba nhân tố trụ cột và một số "cộng tác viên" (thường là sinh viên khoa thanh nhạc ở các trường nghệ thuật) chỉ xuất hiện khi có lời mời.
Điểm lại các chương trình lớn trong năm qua như đêm nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Duyên dáng VN, live show của các ca sĩ Quang Dũng, Thanh Thảo... chợt thấy nhóm bè Cadillac đang độc chiếm các sân khấu lớn. Khoảng mười năm trở lại đây tại "cái nôi nhạc trẻ” TP.HCM, cũng chỉ có vài nhóm bè được nhớ tới: Thế Hệ Mới, Huỳnh Lợi, Cadillac, ATB, Hoa Giấy...
Ba chị em của Thế Hệ Mới nay đã mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi nơi nên dù được đánh giá là nhóm bè xuất sắc nhất cũng không thể duy trì nhóm. Thuộc biên chế của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP nên Huỳnh Lợi và nhóm bè của anh thường xuất hiện trong các đêm diễn truyền thống, lễ hội và cũng gần như không thể sống đủ bằng nghề hát bè. Bè ATB chỉ phục vụ cho sân khấu của ca sĩ Ánh Tuyết. Hoa Giấy tương đối còn non trẻ.
Chỉ có Cadillac sống được bằng nghề hát bè. Hai thành viên nữ trụ cột là Tú Uyên và Thu Hằng khá ổn nhờ có show hằng đêm tại phòng trà Không Tên. Còn trưởng nhóm Hữu Bình có "chân" keyboard trong ban nhạc Rio của CLB giải trí Nam Mỹ. Sự "thịnh vượng" của Cadillac ngoài chuyên môn tốt, sự vững vàng sân khấu còn nhờ ngoại hình sáng sủa, xinh xắn của các thành viên. Nhóm cũng chịu khó đầu tư trang phục, lại cùng êkip với "ông bầu" Lê Quang nên luôn có cơ hội xuất hiện trong những show lớn.
Tuy nhiên, điều giúp Cadillac vững bền nhất chính là luôn biết "nén" cái tôi của mình để tôn giọng hát của những ca sĩ chưa chắc hát tốt hơn mình. Với những ca khúc mới tinh, nhóm thường dựng bè rất nhanh. Vì vậy, Cadillac cũng vô cùng đắt show ở các phòng thu.
Thế nhưng, không chỉ khán giả mà cả ca sĩ cũng ngán ngẩm khi tìm quanh chỉ có một nhóm bè "được việc". Cadillac đắt show và bận rộn đến mức không thể nhận show một, hai bài như ngày trước. Phải bốn, năm ca khúc trong một chương trình trở lên nhóm mới nhận bè. Và thù lao cũng tăng từ 200.000 đồng lên khoảng 1 triệu đồng/bài. Không thể coi đó là thù lao quá cao so với lao động của nhóm bè, nhưng đó cũng không phải khoản tiền nhỏ trong việc dàn dựng một số chương trình ca nhạc. Vậy nên ở những chương trình nhỏ, phần bè thường bị bỏ qua hoặc làm rất sơ sài để cắt giảm chi phí xuống mức tối thiểu.
Những nhóm bè không thuộc hàng "sao" như Cadillac khó bề sống nổi nên chất lượng và số lượng cũng teo tóp theo thời gian. Hơn nữa, chỉ những tân binh mới chịu lập nghiệp bằng việc hát phụ họa. Các nhóm bè xưa nay vốn là những nhóm bạn sinh viên thanh nhạc của Nhạc viện, Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật... tụ họp lại để rèn giọng, kỹ năng ca hát và trình diễn.
Họ thường "bỏ nghề" khi ra trường hoặc chỉ coi việc hát bè là "nghề tay trái" bên cạnh việc giảng dạy thanh nhạc, nhạc cụ hoặc những công việc ở những chuyên ngành khác. Với những giọng ca có cá tính vượt trội hoặc ngoại hình bắt mắt, họ sẵn sàng tách ra để lên "vai chính" như AC&M, Mai Khôi...
Những "bậc thầy" chuyên... phụ họa Hát bè được chia ra làm nhiều loại, thường thấy nhất là hát cặp (hát song song với ca sĩ), hát đuổi và hát riêng một đoạn trong ca khúc. Vì thế, người trong giới thường kháo nhau chỉ những "bậc thầy" mới có thể hát bè. Ngoài trình độ nhạc lý vững vàng, người hát bè phải biết lắng nghe và cảm giọng hát của ca sĩ mà mình đang trợ giúp, phải biết điều chỉnh sao cho giọng bè không lẫn vào giọng hát chính nhưng vẫn rõ ràng, nổi bật mà không bị lệch bè hay chỏi bè. Một ca sĩ hát đơn (solo) có thể chệch choạc trong việc "quản lý” giọng hát của mình nhưng nhóm bè thì không. Chẳng những phải giữ được sự vững vàng ở giọng bè, nhóm bè còn phải đảm bảo nâng được giọng hát của ca sĩ solo. Những người hát bè cũng phải đủ trình độ tự dựng bè sao cho thật hòa hợp với ca khúc của ca sĩ chính. Và để làm được những việc đó, các thành viên trong nhóm cũng phải rất đoàn kết và mất không ít thời gian cho luyện tập để có thể cùng hòa giọng thật ăn ý với nhau. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận