![]() |
Một lễ hội truyền thống trong những hoạt động văn hóa của lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương năm nay - Ảnh: Q.Hội |
Những ngày này, mọi ngả đường hướng về đền Hùng đều đông đặc các phương tiện và người hành hương. Tại khu trung tâm lễ hội, trại văn hóa của các địa phương trong tỉnh Phú Thọ dựng san sát với đủ màu sắc và âm thanh nhộn nhịp. Ông Nguyễn Duy Thành, dẫn đầu một đoàn cựu chiến binh của huyện Hải Hậu (Nam Định) hành hương đền Hùng, cho hay: “Năm nào chúng tôi cũng trẩy hội đền Hùng để dâng hương và tưởng nhớ Bác Hồ đã nói câu bất hủ ở đây: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ông Thành cứ tấm tắc trước phong cảnh đền Hùng. Ông cho biết mỗi năm ông trở lại đền Hùng đều thấy nhiều cái mới và việc tổ chức lễ hội ngày càng quy củ hơn, các hàng quán được bày biện một khu riêng không lẫn lộn với khu di tích. Khu vực trung tâm lễ hội - nơi diễn ra các hoạt động hành lễ, văn hóa dân gian - được xây dựng như một quảng trường lớn. Các cây cổ thụ trên đỉnh Nghĩa Lĩnh vẫn còn nguyên vẹn như lưu giữ dấu tích ngàn năm.
Ông Nguyễn Tiến Khôi, giám đốc khu di tích lịch sử đền Hùng, cho hay năm nay lễ hội đền Hùng còn có thêm một điểm mới, một mốc son đáng ghi nhớ của khu di tích lịch sử này. Trước ngày giỗ Tổ, UBND tỉnh Phú Thọ đã kịp thời khánh thành đền thờ quốc Tổ Lạc Long Quân nằm trên núi Sim, xã Chu Hóa. Như vậy, năm nay cùng với đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ, cư dân nước Việt hành hương về chiêm bái vua Hùng được trọn vẹn tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
![]() |
Thi gói bánh chưng, bánh giầy trong lễ hội đền Hùng - Ảnh: Q.Hội |
6 hộ gói 4.000 bánh chưng
Du khách hành hương về lễ hội đền Hùng năm nay còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc hơn mọi năm. Ông Khôi cho hay chương trình lễ hội về nguồn năm nay được trải dài với không gian và thời gian rất rộng dài. Trước đó gần một tháng, tỉnh Phú Thọ đã phục dựng lễ hội chọi trâu Phù Ninh bị mai một hơn 60 năm.
Tương truyền tục chọi trâu ở Phù Ninh đã có từ thời các vua Hùng dựng nước. Đặc biệt, lễ hội rước chúa Gái đã được nhân dân thị trấn Hùng Sơn tái dựng, làm rõ nét phong tục hôn nhân thời các vua Hùng dựng nước, đó là chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Phần lễ được tiến hành trọng thể tại đình làng tái diễn tục thách cưới, thi tài chọn rể và rước dâu.
Ông Nguyễn Văn Ninh (70 tuổi, nông dân xã Hùng Lô - một xã nằm dưới chân đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nổi tiếng về làm bánh chưng, bánh giầy từ xa xưa) cho hay năm nay gia đình ông cùng với năm hộ trong xã được ban tổ chức lễ hội đền Hùng và Tập đoàn Mai Linh gửi gắm “trách nhiệm” gói bánh chưng dâng cúng các vua Hùng.
Chỉ có sáu hộ làm bánh nên để gói 4.000 chiếc bánh thì không đơn giản chút nào. Gia đình ông Ninh cùng các hộ khác phải huy động toàn bộ con cháu, họ hàng mang về làm giúp.
Việc gói bánh chưng dâng tiến các vua Hùng bỗng trở thành ngày hội của xã Hùng Lô. Cho tới 16g ngày 7-3 âm lịch, toàn bộ 4.000 chiếc bánh chưng đã được nấu chín và đưa về khu di tích đền Hùng. Tại đây 4.000 chiếc bánh đã được hợp lại thành một chiếc bánh có kích thước mỗi chiều 1,8m, tượng trưng 18 đời vua Hùng.
Ông Nguyễn Tiến Khôi cho hay khác với năm trước, việc giỗ Tổ Hùng Vương chỉ có riêng tỉnh Phú Thọ đảm nhận, năm nay có năm tỉnh thành gồm Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc và Phú Thọ cùng tham gia các hoạt động giỗ Tổ từ khâu tổ chức đến kinh phí.
Với tấm lòng thành kính, tri ân công đức các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cầu mong xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn. Chủ tịch nước khẳng định: "Toàn dân tộc Việt Nam nguyện một lòng cùng nhau đoàn kết, phát huy sức mạnh của cả dân tộc để xây dựng Tổ quốc Việt Nam vững mạnh, hùng cường; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước hội nhập và phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Sau khi dâng hương tưởng niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trồng cây lưu niệm tại đền thờ Mẫu Âu Cơ và đền thờ Lạc Long Quân. Tối cùng ngày, cùng với đông đảo nhân dân và du khách hành hương về đất tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ các chương trình giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội đền Hùng năm 2009. |
Nhiều điểm giỗ Tổ
Hôm nay 4-4, khu du lịch văn hóa (DLVH) Suối Tiên, TP.HCM tổ chức lễ rước kiệu “Quốc Tổ Hùng Vương vi hành miền đất tứ linh” tái hiện các huyền sử thời kỳ dựng nước, mở đầu trang sử hào hùng của triều đại Hùng Vương. Lễ rước có sự tham gia của 30 đoàn dân tộc đại diện 54 dân tộc anh em đến từ mọi miền Tổ quốc. Khu DLVH Suối Tiên sẽ dâng 4.000 chiếc bánh chưng, bánh giầy cùng các nghi lễ dâng hương, dâng lễ vật… tại đền thờ vua Hùng (nằm trong khu DLVH Suối Tiên). Khu DLVH Suối Tiên giảm 50% giá vé vào cổng cho du khách đến tham dự lễ giỗ quốc Tổ Hùng Vương năm 2009.
Cùng ngày, lễ giỗ quốc Tổ Hùng Vương tại TP.HCM được diễn ra ở đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo cầm viên, công viên Đầm Sen, công viên văn hóa Tao Đàn.
Trước đó đêm 3-4, tại đài tưởng niệm danh nhân chí sĩ Quảng Nam, thành phố Hội An tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương tưởng nhớ công ơn các vua Hùng đã có công dựng nước, góp phần giáo dục truyền thống và phát huy tinh thần đoàn kết tại cộng đồng. Hôm nay, đúng ngày giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10-3, từ 8g-17g các tầng lớp nhân dân Hội An lần lượt đến dâng hương tưởng niệm quốc Tổ tại đây.
Khánh thành khu tưởng niệm các vua Hùng ở TP.HCM Sáng nay 4-4 (10-3 âm lịch), tại công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (Q.9, TP.HCM) diễn ra lễ khánh thành khu tưởng niệm các vua Hùng và lễ giỗ quốc Tổ Hùng Vương. Kiến trúc khu tưởng niệm và đền tưởng niệm các vua Hùng toát lên hồn dân tộc, hướng tâm linh con người về với nguồn cội, về đất Tổ. Ông Mai Chí Thuận - trưởng ban quản lý công viên lịch sử - văn hóa dân tộc - giải thích và cho biết thêm: “Đền tưởng niệm các vua Hùng là công trình trung tâm của khu tưởng niệm các vua Hùng. Đây là nơi thiêng liêng để nhân dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam đến tưởng niệm, vọng bái tổ tiên, hướng về cội nguồn. Đây cũng là nơi tôn nghiêm tổ chức lễ giỗ quốc Tổ hằng năm và tổ chức các lễ hội, sinh hoạt nhằm khơi dậy tình cảm về nguồn, lòng tự hào dân tộc của người dân”. Đền tưởng niệm nằm trên ngọn đồi cao 21m, được xem là vùng đất cao nhất TP.HCM. Hướng chính của đền bao quát cả TP. Bên phải đền là sông Đồng Nai uốn khúc, bên trái là núi Bửu Long. T.Cường |
..........................
![]() |
Kiều bào thăm viếng đền Đô - Ảnh: H.Mai |
Ngày đầu tiên trong chuyến về nguồn thăm các vùng quê thân thương của Tổ quốc, cả đoàn đã đặt chân đến vùng đất Kinh Bắc, thăm đền Đô và bén duyên với những làn quan họ.
Vừa chăm chú lắng nghe Nhà giáo nhân dân - Anh hùng lao động Đỗ Đức Thìn giới thiệu về lịch sử đời Lý với những chứng tích còn lưu giữ tại đền Đô (Từ Sơn, Bắc Ninh), bà Nguyễn Thị Việt (kiều bào Thái Lan) trầm trồ. Ông Thìn vừa dừng lời, bà hối hả: “Có nơi nào bán sách nói về lịch sử nơi này không vậy? Chỉ giùm tôi mua mấy cuốn cho tụi nhỏ bên kia đọc”.
Ôm khư khư mấy cuốn sách mua vội tại quầy lưu niệm, bà bùi ngùi: “Tuy xa quê hương hơn 30 năm song lứa tuổi tôi và các anh, các bác vẫn giữ được ngôn ngữ, sợi dây thiêng liêng với quê mẹ. Chỉ tội tụi nhỏ sinh ra bên đó chưa có điều kiện về thăm quê hương, tiếng Việt cũng ít được dùng. Nghe ba mẹ nói riết về cội nguồn dân tộc thì thèm, nên trước khi mẹ đi có năn nỉ mẹ coi có sách gì mua về cho tụi con đọc”. Vương chút nuối tiếc, bà cho biết tuy đã đọc tốt tiếng Việt nhưng do lịch học ở trường dày đặc nên các con bà chưa nói thành thạo tiếng Việt.
Chung tâm trạng với bà Việt, ông Lương Đức Hợp (kiều bào Mỹ) tranh thủ đi thăm một vòng các gian thờ của đền và ghi lại hình ảnh. Ông bày tỏ: “Thế hệ mình, tâm hồn, tình cảm vẫn thuộc hoàn toàn về VN dù đang sống xa xứ. Còn thế hệ con cháu mình đang sống trong môi trường giáo dục và xã hội tại nước bản địa. Chúng cần được giáo dục, chỉ bảo về nguồn cội, về quê hương. Tôi đi đâu cũng mua sách về cho con cháu đọc. Tuy chưa về VN mà tụi nó khá rành lịch sử vua Hùng, các đời vua triều Lý, Trần và lịch sử hiện đại của dân tộc”.
Hơn một giờ thăm và nghe lịch sử các vua triều Lý ở đền Đô thật ngắn ngủi đối với những người con xa quê. Ban tổ chức thông báo lên đường mấy lần mà các thành viên đoàn vẫn bịn rịn chụp ảnh, mua quà quê và nấn ná với thầy Thìn về lịch sử đền Đô.
Khói hương nồng nàn trong không gian liêng thiêng nơi đền Đô theo chân các kiều bào đến với một nét văn hóa đậm đà Kinh Bắc: quan họ Bắc Ninh.
Khách đến chơi nhà, là í a, khách đến chơi nhà…, làn điệu quan họ cất lên giữa vùng đất Kinh Bắc khiến không gian hội trường Tỉnh ủy Bắc Ninh với hàng trăm con người như lặng đi. Gương mặt trẻ trung của thạc sĩ Phạm Đăng Quang (29 tuổi, kiều bào Bulgaria) thoáng rưng rưng. Qua cảm xúc ban đầu, Quang kể: “Xa quê từ nhỏ nhưng tôi vẫn thuộc và hay hát hai bài Làng lúa, làng hoa và Còn duyên - dân ca quan họ. Nhiều khi tụi bạn bên đó cười sao tôi vẫn hát mấy bài đó. Không biết giải thích sao nhưng giờ ngồi đây, giữa không gian của vùng quê các làn điệu dân ca quan họ, tôi đã có câu trả lời: đó là vì hồn Việt trong tâm hồn”.
Gói ghém cẩn thận miếng trầu cánh phượng vừa được các liền chị mời, bà Hà Thị Liễu (kiều bào Bỉ) xúc động: “Quý giá biết bao những giây phút này ở tại đây, trong lòng dân tộc”.
Lưu luyến chia tay quan họ, kiều bào hướng về một nơi họ chờ mong hơn cả trong chuyến hành trình này. Nơi ấy, ngày mai, quốc giỗ sẽ diễn ra và đón chờ những người con xa quê về dưới mái nhà chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận