11/12/2004 15:00 GMT+7

Huế: có nên xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh?

MINH TỰ - THÁI LỘC
MINH TỰ - THÁI LỘC

TTCN - Một dự án xây dựng khu khách sạn - nhà hàng - giải trí trên đồi Vọng Cảnh (Huế) do Công ty du lịch Hương Giang liên doanh cùng Vietnam Hotel Projeckt B.V. (Hà Lan) đầu tư theo chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để triển khai xây dựng.

xK4XvWl6.jpgPhóng to
Vọng Cảnh- nơi đẹp nhất để ngắm nhìn sông Hương
TTCN - Một dự án xây dựng khu khách sạn - nhà hàng - giải trí trên đồi Vọng Cảnh (Huế) do Công ty du lịch Hương Giang liên doanh cùng Vietnam Hotel Projeckt B.V. (Hà Lan) đầu tư theo chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để triển khai xây dựng.

Thông tin đó đang làm xao động dư luận ở Huế. Nhiều bạn đọc là người Huế đang ở cố đô lẫn người Huế ở TP.HCM, Hà Nội, nước ngoài... đã gọi điện, gửi email cho báo TTCN bày tỏ sự lo lắng: Có nên làm du lịch theo cách xóa sổ một “tặng vật của đất trời”? Có nên hi sinh môi trường?

Trên đường vào thăm lăng Tự Đức, có một con đường nhựa bên phải dẫn lên một ngọn đồi nổi bật giữa bốn phía đất trời với tầm nhìn hết sức thoáng đãng. Đó là đồi Vọng Cảnh, một thắng cảnh của đất kinh kỳ Huế đô đã đi vào sử sách, thi ca nhạc họa.

Nơi đẹp nhất để ngắm sông Hương

Ngọn đồi nổi tiếng ấy tọa lạc ở một vị trí hết sức tuyệt vời: nằm bên bờ sông Hương và ngay khúc uốn ngoạn mục nhất của dòng sông. Đứng ở đây, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn lên tận thượng nguồn dòng sông với hình ảnh của những ngọn núi Kim Phụng, Kim Kê tạc vào trời xanh. Nhìn về phía tây bắc là dãy núi màu lam trên nền tím của mặt trời hoàng hôn. Sông núi hữu tình như một bức tranh thủy mặc.

Vì vậy, người Huế, mà nhất là văn nghệ sĩ (đặc biệt là giới nhiếp ảnh nghệ thuật) gọi đó là nơi đẹp nhất để ngắm nhìn sông Hương, đặc biệt là sông Hương lúc hoàng hôn. Có không biết bao nhiêu là bức ảnh đẹp về Hương Giang được treo trong phòng khách của hàng vạn gia đình đã được chụp từ ngọn đồi Vọng Cảnh này.

Vọng Cảnh còn là nơi du khách phóng tầm mắt bao quát cả một vùng bao la đất trời, đồi núi, lăng tẩm, đền chùa, nơi được xem là vùng đất tâm linh của xứ Huế. Trước mặt là Hương Giang như một dải lụa với những chiếc thuyền du lịch lững lờ trôi, bên kia sông là núi Ngọc Trản và di tích điện Hòn Chén, bên cạnh là lăng Tự Đức và Đồng Khánh, xa hơn một tí là lăng Thiệu Trị. Dưới chân đồi là làng Cư Chánh hiền hòa, bên kia sông là làng Hải Cát xinh xắn. Nhìn về phía nam là vùng đồi thông Thiên An nổi lên ngọn tháp Đan Viện. Màu xanh của những rừng cây trải dài hút tầm mắt, ẩn khuất dưới đó là những ngôi chùa tĩnh lặng, những ngôi nhà vườn xanh tươi....

Chỗ nhạy cảm của Huế!

rO6qzkEU.jpgPhóng to
Buổi sớm mùa xuân trênđồi Vọng Cảnh: Những đôi tình nhân cũng rất thích hò hẹn nhau ở đây
Đồi Vọng Cảnh, theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, là một yếu tố không thể tách rời tổng thể lăng Tự Đức. “Ở dưới bờ sông hiện vẫn còn một trụ biểu (chỗ Nhà máy nước Vạn Niên bây giờ), đó là báo hiệu cho biết bắt đầu vào khu vực của lăng vua. Tương tự các lăng Gia Long, Minh Mạng cũng như thế. Thuyền bè đi qua đây phải giữ yên tĩnh, kính cẩn khiêm mình” - ông Phan nói.

Ông Phan còn cho biết trong các sách sử nhà Nguyễn đều nhắc đến hai chữ “sơn lăng”, khái niệm này để lăng vua bao gồm cả vùng rừng núi chung quanh, nghiêm cấm việc đốn cây trong vùng cảnh quan này. Các quan thường nhắc nhở lính hộ lăng phải giữ gìn toàn thể địa phận quanh lăng.

Ông Nguyễn Xuân Hoa, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế, cũng đồng quan điểm như thế: “Lăng Tự Đức không phải chỉ có phần bên trong la thành mà còn cả hệ thống trụ biểu và bờ sông nữa, nếu xét về mặt di tích”. Một số nhà nghiên cứu dịch lý học ở Huế còn lưu ý Vọng Cảnh là tiền án của các lăng tẩm ở đây, tương tự sông Hương là yếu tố minh đường, trong hệ thống phong thủy tất yếu phải được đảm bảo.

Vọng Cảnh còn là một điểm cao rất quan trọng về mặt quân sự, kiểm soát toàn bộ hoạt động trên sông Hương và cả vùng đồi núi tây nam Huế, nên quân đội Mỹ - ngụy đã xây dựng ở đây nhiều lô cốt, hiện vẫn còn giữ nguyên theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng. Không biết khi cho xây dựng khách sạn trên điểm cao này, nhà chức trách địa phương có lưu ý đến vấn đề nhạy cảm này không?

“Khu cây xanh rừng phòng hộ, bảo vệ cảnh quan nằm trên đồi núi xã Thủy An, Thủy Bằng, Thủy Biều và dọc phía bên kia sông Hương, gồm: đồi Thiên An, núi Thiên Thọ, đồi Vọng Cảnh, núi Kim Phụng. Tại đây thực hiện các dự án trồng cây, giải tỏa mồ mả để khai thác phong cảnh đẹp, bảo vệ tiền án của các lăng”.

(Trích nguyên văn từ quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt "Qui hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường cảnh quan ở tây nam TP Huế”, ngày 11-10-1999)

Và một vấn đề không kém phần hệ trọng nữa, đó là khu khách sạn - nhà hàng này nằm ngay sát phía trên của Nhà máy nước Vạn Niên, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho cả thành phố Huế. Liệu nước thải từ khách sạn có thể xử lý sạch trước khi thải ra ngay miệng cống thu của nhà máy nước, như lời cam kết của chủ dự án được không?Vọng Cảnh là một tặng vật quí giá mà trời đất đã cho Huế. Là một nguồn tài nguyên quí giá, đương nhiên cần phải khai thác để làm giàu cho Huế, nhưng vấn đề là khai thác như thế nào có lợi nhất?

Ông Nguyễn Việt Tiến - giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, chủ tịch Hội đồng qui hoạch - kiến trúc: Trái với qui hoạch mà tỉnh đã phê duyệt!

Dự án khu du lịch đồi Vọng Cảnh là chủ trương của tỉnh giao cho Công ty du lịch Hương Giang cùng với đối tác nước ngoài khảo sát từ cuối năm ngoái 2003. Khi bàn thì đã có một số ý kiến nêu ra các vấn đề liên quan đến cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước của nhà máy nước bên cạnh. Sau đó, tỉnh có thông báo giao cho Sở Xây dựng chủ trì, tham gia ý kiến. Chúng tôi mới thấy rằng việc đưa khách sạn vào đó là không phù hợp với cảnh quan và trái với qui hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường cảnh quan ở tây nam Huế mà tỉnh đã phê duyệt.

Chủ trương của tỉnh kêu gọi đầu tư và chủ trương qui hoạch chi tiết cho ngọn đồi này là tôi đồng ý. Nhưng riêng địa điểm đồi Vọng Cảnh, đặt khách sạn vào đó là không phù hợp cảnh quan, không phù hợp với qui hoạch thì tôi không tán thành. Qui hoạch đã chỉ rõ đó là vùng lâm viên, các tiểu cảnh nhỏ, chứ đưa công trình khách sạn vào là phá vỡ đồi Vọng Cảnh.

Ông Nguyễn Xuân Hoa - giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế: Phải giữ gìn một thắng cảnh độc đáo của Huế

Đây là một thắng cảnh rất đẹp, nếu cần đầu tư phục vụ du lịch thì nên chỉnh trang lại chứ không nên đặt thêm bất cứ một công trình gì có qui mô to lớn, làm phá vỡ cảnh quan. Có thể có công trình nhỏ nhắn, xinh xắn như là bồn hoa, cây cảnh... để tôn thêm cái đẹp. Nhưng rõ ràng ở đó không thể xây dựng khách sạn bốn, năm tầng được!

Một lý do khác mà chúng ta cần lưu ý là trong hội nghị về di sản của thế giới tổ chức tại Trung Quốc năm 2003, có UBND tỉnh và Trung tâm Bảo tồn di tích Huế tham dự.

UNESCO khen ngợi Huế trong việc tổ chức lại hệ thống các khu dân cư tiếp cận với cácdi tích như việc giải tỏa hai bên bờ sông Hương. Nhưng UNESCO cũng cảnh báo rằng cần hết sức lưu ý trong việc xây dựng các công trình mới để làm sao không phá vỡ cảnh quan của di tích.

pbTweWLV.jpgPhóng to
Khu du lịch Vọng Cảnh sẽ được xây dựng trên diện tích 7ha, bao gồm cả đồi Vọng Cảnh lẫn vùng đất chung quanh đó. Hạng mục chính là hai khối nhà khách sạn với 100 phòng nghỉ tiêu chuẩn 4 sao, được xây dựng trên sườn đồi phía sát bờ sông Hương. Từ dưới bờ sông sẽ đóng cọc lên 12m rồi xây nhà năm tầng lên trên đó. Hai khối nhà cao năm tầng này có hình dáng giống như hai đoàn tàu lửa chạy dọc theo bờ sông. Phía dưới sát bờ sông là một bến thuyền. Ngoài ra còn có một số hạng mục khác như: nhà hàng, quán bar, khu trị liệu, ngâm tắm, vườn hoa, khu bán hàng lưu niệm, bãi xe, một phòng hội nghị 150 chỗ, 30 căn hộ cao cấp...Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 5 triệu USD, phía Công ty du lịch Hương Giang góp 30%, đối tác Vietnam Hotel Projeckt B.V. Hà Lan góp 70%.
UBND tỉnh cũng đã giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô xây dựng hồ sơ sông Hương và cảnh quan hai bên bờ, bổ sung vào danh mục Di sản nhân loại ở Huế, để trình UNESCO xét công nhận di sản Huế lần thứ hai (theo khuyến nghị của UNESCO). Và tất nhiên, khi nói đến cảnh quan của sông Hương thì không thể không nói đến điểm nhìn rất độc đáo, đó là đồi Vọng Cảnh.

Chủ trương của tỉnh cho qui hoạch chi tiết đồi Vọng Cảnh là xác đáng, nhưng qui hoạch chi tiết là để nhằm mục đích tôn tạo, phát huy vẻ đẹp của thắng cảnh này. Còn qui hoạch chi tiết để nhằm đưa vào đó một cái khách sạn, nhất là khách sạn bốn, năm tầng thì không nên.

KTS Nguyễn Thế Truyền - chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thừa Thiên - Huế, phó chủ tịch Hội đồng qui hoạch - kiến trúc: Không nên đụng chạm vào điểm nhìn tiêu biểu của Huế

Tôi thấy hơi lạ, vì nhà đầu tư muốn vào đầu tư phải đăng ký địa điểm trước đã, nếu được chấp thuận mới bắt tay làm thiết kế. Đằng này chủ đầu tư đến đó đề nghị làm qui hoạch, rồi đề nghị thiết kế luôn, sau đó mới trình Hội đồng qui hoạch xem xét. Trước hết, cần phải xác định khu vực này qui hoạch làm cái gì, có làm hay không làm và làm như thế nào.

Mặc khác, qui hoạch phải do thành phố làm chứ không thể là doanh nghiệp (Công ty Hương Giang) làm. Về mặt kiến trúc, khách sạn này như đoàn tàu hỏa, chống cột từ bờ lên 12m rồi xây nhà năm tầng lên trên đó, cộng cả mái tính tổng cộng cũng gần 40m, mà đỉnh của Vọng Cảnh chỉ 43m thôi, có nghĩa gần như là che hết tầm nhìn từ dưới sông lên đồi. Ngược lại, khối kiến trúc này cũng sẽ chắn hết tầm nhìn từ đỉnh đồi xuống sông.

Quan điểm của tôi là không nên đụng chạm vào đồi Vọng Cảnh. Đã gọi là vọng cảnh tức là bốn hướng phải không bị che khuất. Vì vậy, nên xây dựng kiểu kiến trúc giống như cái nhà bát giác trên đỉnh đồi, để du khách đứng ngắm cảnh đẹp của Huế. Điểm xuyết thế thôi, còn lại là trồng cây xanh, vườn hoa, cây cảnh. Mà cây xanh đó cũng phải là cây xanh thấp để không che tầm nhìn.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế: Hãy cẩn trọng khi đụng vào đất thiêng

Do đồi Vọng Cảnh có vị trí quan trọng, liên quan các yếu tố văn hóa, lịch sử, di sản; bản thân là một danh thắng thuộc khu vực qui hoạch bảo tồn và tôn tạo cảnh quan tây nam thành phố Huế, đã được UBND tỉnh phê duyệt; nằm trong tổng thể danh thắng gồm: sông Hương, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị.

Mặt khác, phương án kiến trúc khách sạn dự kiến đầu tư có qui mô khá lớn và kéo dài theo bờ sông Hương không phù hợp với quyết định phê duyệt qui hoạch, có khả năng phá vỡ cảnh quan thiên nhiên đồi Vọng Cảnh. Vì vậy, tất cả thành viên dự họp (hội nghị góp ý qui hoạch chi tiết khu du lịch đồi Vọng Cảnh, do Sở Xây dựng tổ chức ngày 3-11-2004 - PV) thống nhất đề nghị UBND tỉnh quyết định chuyển vị trí xây dựng khách sạn sang địa điểm khác phù hợp hơn.

(Trích công văn 696/SXD - KTQHcủa Sở Xây dựng gửi UBND tỉnhThừa Thiên - Huế ngày 9-11-2004)

Vùng đất phía tây nam này là đất thiêng của Huế, người xưa chọn làm lăng tẩm, chùa chiền, người nay cũng chọn làm đất “âm phần”. Cảnh quan đất trời ở đây, nói như người xưa, là nơi hội tụ khí thiêng sông núi. Đứng trên đồi Vọng Cảnh nhìn ra bốn phía là hiểu được điều đó. Vì vậy, làm cái gì ở đất này cũng phải hết sức cẩn trọng. Ngay người Pháp đến Huế với mục đích thực dân, nhưng khi xây dựng nhà máy nước cạnh đồi Vọng Cảnh, trong không gian của lăng Tự Đức, cũng rất dè chừng, xây dựng nhỏ nhắn, hài hòa với chung quanh.

Nhưng điều đáng nói là vùng đất này đã có qui hoạch bảo tồn, tôn tạo; theo đó, đồi Vọng Cảnh chỉ dành trồng cây để tạo thành lâm viên. Vậy thì cứ theo qui hoạch mà làm thôi. Thêm một nhà đầu tư đến Huế, đó là điều đáng mừng.

Tất nhiên, nhà đầu tư chọn đầu tư ở đâu để mau chóng sinh lợi nhất. Vấn đề là chúng ta sẽ giải quyết nguyện vọng đó của nhà đầu tư như thế nào cho hợp lý, hợp tình. Quan điểm của tôi là không đồng tình với việc xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh và tôi cũng đã trình bày rõ lý do trong cuộc họp của Hội đồng qui hoạch - kiến trúc (ông Tựu là thành viên hội đồng - PV).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Nếu bất chấp phong thủy, đi ngược lòng dân...

Đồi Vọng Cảnh là một báu vật thiên nhiên tặng cho Huế. Nó đã in sâu vào trong ký ức của bao lớp người đến đây: Mơ mộng giai nhân buông mắt nhìn, Lầu đài cung điện bóng xa in. Từ sáu năm qua, tôi và nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã nhiều lần được nghe họa sĩ Lê Bá Đảng trình bày về dự án xây dựng “một cõi đi về” trong vùng đồi Vọng Cảnh. Ông Nguyễn Văn Mễ, chủ tịch UBND tỉnh lúc ấy, rất hoan nghênh và đồng ý. Lúc ấy, tôi có nói với ông Đảng: “Đây là vùng đồi nhạy cảm nhất cố đô Huế. Thời Pháp thuộc gọi là Belvédèrre.

Công trình của anh mà đụng vào cảnh quan ở đây dễ bị phản đối lắm đó”. Ông Đảng gật đầu và cho hay công trình của mình chỉ là một sợi thép uốn thành một tượng Phật ngồi. Cái tượng đó có thể nhòa đi trong không gian (sắc sắc không không), không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan chung quanh. Người ta vẫn có thể “vọng cảnh” xuyên qua tâm Phật. Còn cái “cõi đi về” sẽ được đào vào trong lòng đồi, từ dưới chân đồi, giống như hang động của ông làm ở Les Beaux de Provence bên Pháp tấp nập du khách mà nhiều anh em Huế đã đến xem.

Dù được giải thích như thế nhưng tôi vẫn chưa yên tâm. Tôi thưa với ông Đảng: “Nghe thì hay lắm, nhưng trước khi làm anh nên trưng cầu ý kiến của dân Huế. Xưa nay người Pháp đến người Mỹ chưa ai dám đụng vào vùng đất đó. Hồi đầu thế kỷ 20, làm Nhà máy nước Vạn Niên, kiến trúc sư Pháp Bossard đã phải thiết kế một kiến trúc giống như cái lăng, đứng nép mình dưới bờ sông, để nó hài hòa với cảnh quan vùng đồi quanh lăng Tự Đức”.

XaLii0qR.jpgPhóng to
Du khách nước ngoài đang "vọng cảnh", hình ảnh này hầu như diễn ra từng ngày trên ngọn đồi đẹp nổi tiếng này
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ - ủy viên ban chấp hành Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN: Nơi để chiêm ngưỡng tất cả vẻ đẹp của Huế

Từ Vọng Cảnh, chúng ta có thể nhìn toàn cảnh núi đồi phía tây nam Huế, nhìn thấy sông Hương từ thượng nguồn chảy về uốn khúc với những con thuyền lững lờ trôi... Đôi khi từ đồi Vọng Cảnh tôi còn cảm thấy như được chiêm ngưỡng tất cả vẻ đẹp của Huế, cảm nhận được cả chiều sâu văn hóa Huế.

Cái nơi người ta đến để ngắm cảnh, đúng theo tên gọi của nó, để cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm và thanh thoát, kể cả với người Huế lẫn du khách phương xa, sao lại biến nó thành khách sạn được? Việc nghỉ ngơi của du khách đã có nhiều chỗ khác rồi, còn phải để chỗ cho khách được tham quan, ngắm cảnh xứ Huế nữa chứ. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi nghe người ta có ý định biến nơi đây thành khách sạn.

Đối với giới nhiếp ảnh, Vọng Cảnh luôn là nơi để không những các nhiếp ảnh gia của Huế mà còn của cả nước và quốc tế hội tụ về để sáng tác. Từ đây đã có rất nhiều bức ảnh đẹp được ra đời vào các buổi bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp. Trong số đó có nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng quốc gia và quốc tế.

Ông Trần Xuân Sĩ - thôn Thượng 3, xã Thủy Xuân, TP Huế (nhà ở gần đồi Vọng Cảnh): Cần phát triển du lịch nhưng phải đúng chỗ

Vùng đất này giàu tiềm năng du lịch, rất cần có những công trình, trước là để phát triển du lịch Huế, sau là để cho dân chúng trong vùng này được nhờ theo. Nhưng phải làm du lịch như thế nào mà không phá vỡ cảnh quan, môi trường, nguồn nước. Tôi thấy vùng đất phía Vọng Cảnh này còn nhiều chỗ có thể xây khách sạn, chứ đâu chỉ có đồi Vọng Cảnh. Có nhiều cảnh đẹp mà không có công trình du lịch để khai thác nó thì cũng không được. Nhưng phải làm đúng chỗ. Nếu không tiếng xấu để đời, du khách ai người ta tới.

MINH TỰ - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên