Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tiếp đón trọng thị Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Trong không khí cởi mở, chân thành, tin cậy và thẳng thắn, hai Thủ tướng đã trao đổi toàn diện về các vấn đề, khi nhất trí những phát triển tích cực trong quan hệ Đối tác toàn diện thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác thương mại, đầu tư, đưa Hà Lan trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia EU đầu tư vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cùng thúc đẩy để hai nước trở thành các trung tâm trung chuyển hàng hóa ở hai khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh như cảng biển, công nghệ đóng tàu, kết nối về logistics, hạ tầng chiến lược.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Hà Lan ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng biển, cảng hàng không và trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình trung tâm Brainport; và đề xuất hai bên sớm ký hiệp định hợp tác lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiến hành hội đàm với Thủ tướng Mark Rutte - Ảnh: DƯƠNG GIANG
Thủ tướng Mark Rutte khẳng định Hiệp định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước; nhấn mạnh các doanh nghiệp Hà Lan ngày càng quan tâm đến Việt Nam, nơi có ổn định chính trị và môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi; đánh giá cao nỗ lực phát triển nghề cá bền vững của Việt Nam, ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh, làm sâu sắc hợp tác hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững. Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ và các khoản vay ưu đãi giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững, hệ thống logistics, chuyển đổi xanh, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý nước, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp hướng tới sinh thái, hiện đại, thông minh. Chính phủ Hà Lan hỗ trợ về tài chính, công nghệ đào tạo nguồn nhân lực trong khuôn khổ "Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng" (JETP) trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, nhằm giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả và thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu; hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn.
Lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo đại học - Ảnh: DƯƠNG GIANG
Thủ tướng Mark Rutte khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác trong phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ khai thác cát ngoài khơi, chống sạt lở đất, sửa đổi Luật tài nguyên nước. Thủ tướng Hà Lan cũng hoan nghênh đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc hai bên thành lập cơ chế hợp tác ba bên về nông nghiệp, an ninh lương thực, nhằm ứng phó với đứt gãy chuỗi cung ứng và đóng góp giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác về an ninh - quốc phòng, văn hóa - du lịch, giao thông vận tải, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, ASEM, Liên hợp quốc....
Thủ tướng đề nghị thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương như giữa Hà Nội - Amsterdam, TP.HCM - Rotterdam; đề nghị Hà Lan tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tại các trường đại học của Hà Lan. Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo đại học.
Trong khuôn viên Phủ Thủ tướng, dưới tiết trời Hà Lan lạnh âm 2 độ C, quốc thiều Việt Nam và quốc thiều Hà Lan được cử lên trong không khí trang nghiêm dưới sự chứng khiến của hai nhà lãnh đạo - Ảnh: VGP
Đúng 11h ngày 12-12 (giờ địa phương), lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Vương quốc Hà Lan đã được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 đến nay, Việt Nam và Hà Lan đã có những bước tiến quan trọng trong hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Chuyến thăm chính thức Vương Quốc Hà Lan lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng khi hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hai nhà lãnh đạo lần lượt giới thiệu thành phần đoàn đại biểu cấp cao của hai nước, sau đó tiến hành hội đàm ngay tại Phủ Thủ tướng
Quan hệ thương mại Việt Nam - Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hằng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu.
Từ năm 2002, xuất khẩu sang Hà Lan bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh, trung bình khoảng 15%/năm. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 7,84 tỉ USD năm 2018 lên 8,37 tỉ USD năm 2021.
Tính đến tháng 1-2022, đối với những dự án FDI còn hiệu lực, Hà Lan xếp thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 380 dự án trị giá hơn 13,5 tỉ USD và là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam - Ảnh: VGP
Theo lịch trình, chiều 12-12 Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan, gặp Hoàng hậu Hà Lan Máxima và hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Jan Anthonie Bruijn và Chủ tịch Hạ viện Vera Bergkamp; tiếp lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam và Phòng Thương mại Hà Lan - Việt Nam, cùng một số lãnh đạo tập đoàn hàng đầu của Hà Lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận