Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Hội đồng ủy hội sông Mekong tập trung vào các giải pháp phát triển bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là trên dòng chính sông Mekong. Đồng thời cần có kế hoạch hành động của lưu vực nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và cuộc sống của hàng triệu cư dân phía hạ du, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược bao gồm cả đối tác đối thoại của ủy hội và xây dựng ủy hội theo hướng tự chủ, hiệu quả và đóng góp mạnh mẽ vào phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia thành viên và hợp tác khu vực.
“Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi một lần nữa khẳng định lòng quyết tâm, cam kết và sự hợp tác đầy đủ của Việt Nam với các quốc gia thành viên khác trong việc thực hiện Hiệp định Mekong 1995 và những cam kết trong Tuyên bố Hủa Hỉn (tháng 4-2010 tại Thái Lan - PV) để cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững lưu vực sông Mekong” - ông Hải khẳng định.
Trong khuôn khổ phiên họp, Ủy hội sông Mekong đã nghe báo cáo của ban thư ký ủy hội về hoạt động tham vấn, đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Sayaburi trên dòng chính sông Mekong thuộc địa phận Lào.
Đại diện các nước thành viên ủy hội cho rằng chưa biết nhiều thông tin về dự án này và lưu ý phía bạn Lào phải đảm bảo việc phát triển thủy điện không gây thiệt hại về môi trường, nhất là nguồn nước của phía hạ du.
Đại diện Bộ Năng lượng Lào khẳng định việc phát triển thủy điện trên dòng chính của nước này tuân thủ đúng các quy định, thông lệ quốc tế cũng như những hiệp định đã ký, đồng thời sẵn sàng chia sẻ thông tin, dữ liệu cần thiết với các nước trong lưu vực.
Chủ trì phiên họp với tư cách là chủ tịch Hội đồng ủy hội sông Mekong, chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên đề nghị các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường của toàn lưu vực.
Sau một ngày làm việc, phiên họp lần thứ 17 của Hội đồng ủy hội sông Mekong đã bế mạc với nhiều văn kiện quan trọng được thông qua, trong đó có Thủ tục chất lượng nước.
Ông Phạm Khôi Nguyên cho biết việc bốn nước thành viên ký kết Thủ tục chất lượng nước thể hiện sự nhất trí cần thiết phải duy trì chất lượng nước sông Mekong tốt trong các hoạt động phát triển bền vững và tiến tới bảo vệ môi trường thủy sinh, đảm bảo nguồn nước trong lành cho các thế hệ sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận