![]() |
Entertainment Expo là dịp để các ngôi sao Hong Kong cùng chung tay xốc dậy nền điện ảnh theo hướng mới - Ảnh: HKIFF |
“Hollywood phương Đông”
Từ cuối tháng ba đến cuối tháng tư, những tín đồ nghệ thuật thứ bảy có dịp đến Hong Kong ắt phải chìm vào các sự kiện tràn ngập của ngành công nghiệp phim ảnh diễn ra tại đây.
Đợt hoạt động rầm rộ chung mang tên Entertainment Expo Hong Kong 2006 (Triển lãm giải trí Hong Kong) với hàng loạt sự kiện nối đuôi: chợ phim (Filmart), lễ trao giải thưởng điện ảnh Kim Tượng (tức “Oscar của Hong Kong”), giải phim ngắn độc lập Hong Kong, Diễn đàn tài chính phim châu Á (HAF), Liên hoan phim quốc tế Hong Kong (HKIFF), sau bế mạc tiếp tục mang một số bộ phim sang Macau chiếu tiếp đến 23-4...
Các tài tử nổi tiếng nhất đã cùng xắn tay áo giúp đợt hoạt động Entertainment Expo diễn ra với hi vọng khẳng định lại vị thế của Hong Kong trên bản đồ điện ảnh khu vực. Nếu Lương Triều Vỹ lãnh sứ mệnh là hình ảnh quảng bá chung cho Entertainment Expo thì Lưu Đức Hoa nhận làm đại sứ danh dự cho HKIFF.
Đường phố Hong Kong những ngày tháng tư tràn ngập bích chương hình các ngôi sao Trương Mạn Ngọc, Châu Nhuận Phát, Thành Long, Twins... nhằm thu hút công chúng đổ xô đến xem hơn 300 bộ phim trên toàn thế giới gom về chiếu ở HKIFF. Chợ phim Hong Kong năm nay cũng có hơn 400 gian hàng từ 28 quốc gia tham dự.
Với Entertainment Expo tưng bừng như vậy thì người yêu điện ảnh vẫn có thể trầm trồ Hong Kong danh bất hư truyền - quả vẫn là “Hollywood của phương Đông”. Tuy nhiên, dường như đó chỉ là mảng nổi của tảng băng chìm.
Không thể theo lối mòn
![]() |
Thưởng thức phim qua màn hình ngoài trời bằng khí lớn nhất châu Á là nét mới tại Entertainment Expo Hong Kong 2006 - Ảnh: HKIFF |
Làn sóng Hàn Quốc chẳng những đã tràn ngập các nước quanh vùng mà còn làm chìm đắm chính đảo Hong Kong. Đầu năm 2006, Bi (Rain) - diễn viên kiêm ca sĩ trong phim Ngôi nhà hạnh phúc - đến Hong Kong được giới trẻ ái mộ không kém bất cứ ngôi sao địa phương nào.
Ở địa hạt diễn viên, nếu như vài thập niên qua Hong Kong vẫn luôn tự hào là cái nôi sản sinh tài tử xinê “nhiều như lá mùa thu” thì giờ đây, có lẽ họ không còn nhiều lý do để tự hào. Thời gian qua Hong Kong đã phải cậy nhờ sự góp sức từ các sao Trung Hoa đại lục, sao Hàn, sao Đài Loan...
Tình trạng này dẫn đến giải nam diễn viên mới xuất sắc nhất giải Kim Tượng năm nay không thuộc về diễn viên Hong Kong mà bị gương mặt Đài Loan Jay Chou (phim Initial D) ẵm gọn! Hay Nếu như yêu - bộ phim đạt doanh thu cao và vinh danh tại giải “Oscar Hong Kong” Kim Tượng 2006, đã có sự góp sức từ Ji Jin Hee xứ Hàn đến Kim Thành Vũ xứ Nhật.
Rồi Thành Long đi đóng chung với “nữ vương xứ Hàn” Kim Hee Sun (phim Thần thoại), Trương Bá Chi đóng cặp với “nam vương” Jang Dong Gun (phim Vô cực)... Éo le ở chỗ Thần thoại doanh thu khá thảm hại, còn Vô cực bị xếp vào “top 4” phim... dở nhất trong năm.
Làng điện ảnh Hong Kong buồn như đưa đám vì đạo diễn của hai bộ phim thất bại trên thuộc hàng cây đa cây đề (Đường Quý Lễ và Trần Khải Ca). Chưa hết, một phim khác của đạo diễn kỳ cựu Từ Khắc - Thất kiếm - cũng khiến khán giả không cảm nổi vì rối rắm và bị cắt xén đến khó hiểu.
Nếu như Lý Liên Kiệt đã thành danh ở Hollywood từ lâu thì ngôi sao Lưu Đức Hoa mãi tận bây giờ mới có một cơ hội đóng vai trong phim Mỹ The flock - lại là vai xếp sau Richard Gere. Châu Tấn, nữ diễn viên trẻ số 1 hiện nay (lập hattrick giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại giải Kim Tử Kinh, Kim Tượng và giải của Hiệp hội Phê bình phim Hong Kong với phim Nếu như yêu), vẫn chưa có cơ may nào để đóng phim Hollywood như các diễn viên đại lục cỡ Củng Lợi hay Chương Tử Di.
Những chiều dạo trên “đại lộ ngôi sao” lưu danh các tài tử Hong Kong trên nền gạch bên bờ Tsim Sha Tsui, chợt nhớ lời phát biểu khao khát của Lưu Đức Hoa tại HKIFF: “Mong rằng điện ảnh Hong Kong tiếp tục phát triển và Hong Kong trở thành nơi chốn tuyệt vời (của những người mê phim)”.
Khác với điện ảnh VN vẫn lùng nhùng chuyện phim ăn khách thì không nhiều nghệ thuật, phim nghệ thuật lại không ăn khách; điện ảnh Hong Kong đã sớm dung hòa được hai yếu tố này. Cái mà “Hollywood phương Đông” đang cần là những đột phá về đề tài, cách thể hiện, dũng cảm chấp nhận không ăn theo những lối mòn cũ.
Thành công nóng hổi của bộ phim Xã hội đen (đoạt giải Kim Tượng 2006 dành cho phim hay nhất, đạo diễn, kịch bản, nam diễn viên chính xuất sắc nhất) là một minh chứng. Xã hội đen phản ánh thế giới ngầm bằng những tình tiết chân thật, độc đáo chứ không lạm dụng các màn võ thuật “xưa rồi Diễm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận