26/06/2020 11:24 GMT+7

Hơn 7.000 vụ chưa được xử lý, vi phạm đê điều có xu hướng tăng

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Trong 10 năm qua, xảy ra hơn 10.000 vụ vi phạm đê điều, dù đã rất nỗ lực xử lý nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng 7.400 vụ chưa được xử lý. Hiện tại, số vụ vi phạm không giảm đi mà còn có xu hướng tăng lên và nghiêm trọng hơn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp nói như vậy khi phát biểu mở đầu hội nghị trực tuyến chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020 diễn ra sáng 26-6.

Theo ông Hiệp, trong những năm gần đây, bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn càng càng khốc liệt hơn. Đặc biệt là 21 tỉnh, thành phố có đê cấp 3 trở lên khá lâu rồi cũng chưa chứng kiến lũ lớn như trước đây.

"Hiện trên cả nước có hơn 9.000km đê từ cấp 3 trở lên, trong đó có 230 trọng điểm đê điều xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão.

Ngoài ra, chúng tôi rất lo lắng các vi phạm đê điều ngày càng tăng. Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ.

Trong 10 năm qua, xảy ra hơn 10.000 vụ vi phạm đê điều, dù đã rất nỗ lực xử lý nhưng hiện nay vẫn còn tồn đọng 7.400 vụ chưa được xử lý. Hiện nay, số vụ vi phạm không giảm đi mà còn có xu hướng tăng lên và nghiêm trọng hơn.

Thứ hai, lâu rồi không có trận lũ lớn, nên một số địa phương chủ quan, dù vẫn tu bổ đê điều nhưng để thử sức chịu đựng của đê điều trước lũ lớn thì chưa có. Do đó đây là một nguy cơ khó lường khi xảy ra lũ lớn" - ông Hiệp nói

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), qua theo dõi những năm gần đây việc tổ chức và thực hiện công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động đang bị lơ là, xem nhẹ và thực hiện không đầy đủ.

Phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê chưa sát thực tế, tình huống có thể xẩy ra; lực lượng tham gia hộ đê lúng túng.

Nhiều nơi chính quyền địa phương và người dân còn nhận thức không đầy đủ, cho rằng khi xây dựng các hồ chứa thủy điện lớn trên các hệ thống sông để phục vụ điều tiết lũ và phát điện thì dưới vùng hạ du không còn lũ, dẫn đến tình trạng chủ quan và xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều.

Các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong đầu tư, duy tu bảo dưỡng đê điều cũng như chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2020 đến nay thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, đã xảy ra 186 trận dông, lốc, mưa lớn trên 40 tỉnh, thành phố, hai trận lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…

Tính đến ngày 23-6, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, trên 61.726 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 108.458 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.380 tỷ đồng.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên