28/03/2012 08:00 GMT+7

Hôm nay, tiếp tục xét xử vụ Vinashin

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Hôm nay 28-3, tiếp tục diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

1tRmWsFb.jpgPhóng to
Ông Phạm Thanh Bình - nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin - Ảnh tư liệu

Phiên tòa xoay quanh các nội dung liên quan đến hai dự án: đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) và đầu tư thuê mua tài chính tàu Bình Định Star.

Cáo trạng xác định tổng số thiệt hại của dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng là hơn 316 tỉ đồng, trong đó bị cáo Phạm Thanh Bình (với tư cách là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin) đã cho phép chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư sai quy định của Nhà nước, cho phép sử dụng vốn vay để thực hiện dự án sai mục đích… là người giữ vài trò chính và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền thiệt hại nêu trên của dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

Cáo trạng cũng nêu dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại hơn 30 tỉ đồng.

39 chuyến tàu thử nghiệm gây thiệt hại tiền tỉ

Trước đó, ngày 27-3, hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo theo từng dự án lần lượt như sau: dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện diezel Cái Lân (Quảng Ninh); dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen; việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang ở Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (CNTT) Nam Triệu.

Về dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen, bị cáo Phạm Thanh Bình nói trước tòa là mua tàu về để thử nghiệm với ba mục đích: thứ nhất, xem xét tàu sẽ vận hành như thế nào trong điều kiện Việt Nam; thứ hai, thử nghiệm phương thức vận tải mới trên biển; thứ ba, tạo dựng đường cao tốc Bắc - Nam trên biển.

Bị cáo Bình cho rằng muốn đóng mới một con tàu cần ít nhất năm năm, do vậy mua tàu về cũng là để xem xét công nghệ cần thiết phục vụ cho mục đích tự đóng tàu. Hơn nữa làm đường trên bộ có thể cần vài chục tỉ USD, còn làm đường trên biển thì chỉ cần khoảng 2 tỉ USD.

Tàu Hoa Sen hoạt động từ ngày 13-12-2007, tổng số chạy được 39 chuyến (hai chiều Bắc - Nam) thì phải dừng hoạt động vì kinh doanh không có hiệu quả. Ngày 17-2-2008, tàu Hoa Sen bị thủng vỏ ở đáy phải sửa chữa chi phí hết 346.989 USD. Cáo trạng nêu dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen gây thiệt hại hơn 469 tỉ đồng.

Cũng theo bị cáo Phạm Thanh Bình thì loại tàu cũ được mua về như tàu Hoa Sen trên thế giới không có nhiều, nên phải mua nhanh nếu không sẽ lỡ thời cơ.

Theo cáo trạng, do việc khảo sát cơ sở hạ tầng cầu cảng trong nước khi lập dự án không đầy đủ, hệ thống cầu cảng ở Việt Nam chỉ phù hợp với tàu biển có cửa lên xuống ở mạn tàu trong khi tàu Hoa Sen có cửa lên xuống ở đuôi tàu.

Vì vậy, Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin (lúc bấy giờ do bị cáo Trần Văn Liêm làm giám đốc và cũng là người được bị cáo Phạm Thanh Bình giao thực hiện việc mua tàu) phải điều chỉnh dự án, đầu tư xây dựng cầu cảng và đường dẫn để khách lên xuống tàu.

Từ dự án khách sạn 4 sao đến bán thanh lý

Về việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, cáo trạng nêu vào năm 2001 Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam mua tàu MV Rayna của Campuchia với giá 1,22 triệu USD để phá dỡ bán sắt vụn, nhưng thấy chất lượng còn tốt nên đã đề nghị và được Chính phủ đồng ý cho phép hoán cải, nâng cấp thành tàu siêu trường siêu trọng (đổi tên thành tàu Bạch Đằng Giang) để kinh doanh vận tải chở tàu hút bùn sang Iraq.

Đến năm 2006, bị cáo Trần Quang Vũ (lúc bấy giờ là tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu) đề nghị Tập đoàn Vinashin cho phép chuẩn bị đầu tư dự án hoán cải tàu Bạch Đằng Giang thành khách sạn nổi 4 sao.

Do dự án hoán cải tàu Bạch Đằng Giang thành khách sạn nổi 4 sao chi phí quá cao nên Công ty Nam Triệu không thực hiện nữa. Bị cáo Trần Quang Vũ đã ký tờ trình gửi Tập đoàn Vinashin xin phép bán tàu Bạch Đằng Giang để có thêm vốn phục vụ cho hoạt động của công ty.

Công ty Nam Triệu thực hiện bán đấu giá tàu Bạch Đằng Giang với giá khởi điểm hơn 149 tỉ đồng, nhưng không bán được vì giá trả cao nhất là 75 tỉ đồng. Sau khi bán đấu giá không thành công, bị cáo Trần Quang Vũ đã chỉ đạo phá dỡ tàu và bán thanh lý vỏ tàu trước để thu hồi vốn.

Mặc dù Tập đoàn Vinashin chưa có ý kiến về việc bán vỏ tàu, nhưng bị cáo Trần Quang Vũ đã chỉ đạo ban định giá tài sản của Công ty Nam Triệu tiến hành định giá vỏ tàu Bạch Đằng Giang trị giá hơn 66 tỉ đồng. Sau đó, vỏ tàu Bạch Đằng Giang được bán cho Công ty Hoàng Thành với giá hơn 66 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, trong việc phá dỡ tàu để bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, bị cáo Trần Quang Vũ đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế là: quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản không đúng thẩm quyền, biết tàu Bạch Đằng Giang là tài sản thế chấp cho VFC (Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy, nay là Công ty tài chính CNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy) nhưng đã phá vỡ tàu bán vỏ mà không thực hiện bán đấu giá, không thông báo cho VFC biết theo quy định, gây thiệt hại số tiền hơn 27 tỉ đồng.

Trước tòa, bị cáo Trần Quang Vũ nói có “một số điểm chưa đồng ý” đối với nội dung cáo trạng.

Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên