16/02/2009 19:59 GMT+7

Hội... trộm Tết Nguyên tiêu

XUÂN TRƯỜNG
XUÂN TRƯỜNG

TTCT - 10 giờ đêm rằm tháng giêng, ba người đàn ông trung niên với tiêu, thanh la, trống dẫn đầu đoàn thanh niên đến hơn trăm người lên đường đi... ăn trộm. Họ cứ đi như thế suốt cả đêm, đến tất cả mọi nhà, dùng mọi mánh khóe để trộm cho được vài cây hành, miếng thịt hoặc chai rượu của gia chủ.

e93ayGqd.jpgPhóng to
Đoàn người bắt đầu đi... ăn trộm

Ông chủ tịch xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ, Lai Châu) Phùng Chin Phàng cứ ngẩn người ra rồi tủm tỉm cười khi chúng tôi đề nghị ông cho biết về ngày hội ăn trộm của quê ông.

- Cái tục dân tộc mình là thế, mình theo thôi, gốc nó thế nào mình không biết đâu.

Hỏi mãi ông cũng chỉ nói đại loại là thế, rồi hứa sẽ cho chúng tôi đi “ăn trộm” cùng, bởi lẽ trong xã này “là đàn ông ai cũng đi”.

Ăn trộm lấy may

GGd7ncfF.jpgPhóng to
Chị vợ anh cán bộ bưu tá xã “phòng vệ” cho vườn hành của gia đình

Thầy cúng Tần Phù Lèng ở bản Séo Hồ Thầu cũng không cho chúng tôi biết được nhiều hơn xuất xứ của tục ăn trộm này. Ông Lèng chỉ nói rõ hơn một tí: ăn trộm đây là ăn trộm lấy may. Người ăn trộm chỉ được rình lấy hành, thịt và rượu. Nếu bị gia chủ bắt được sẽ bị phạt, hình phạt tùy theo gia chủ nhưng thường phải uống một thứ nước gì đó. Ngày xưa thì phải uống nước cám lợn, ngày nay tục ấy đã giảm đi, thường người bị bắt chỉ bị uống... rượu, một bát đầy. Nếu ăn trộm thành công, sau khi đã “nhảy qua rào” người chiến thắng có quyền mang chiến lợi phẩm quay lại gặp gia chủ để đòi... thưởng.

Ngày xưa, phần thưởng là chút tiền mừng tuổi, tất nhiên thêm bát rượu mừng, chiến lợi phẩm được hả hê mang về trong sự thất vọng của nhà chủ, sự thất vọng theo cái nhẽ người lấy đã được cái may của chủ nhà. Còn nếu như bắt được trộm, cái may của “kẻ trộm” sẽ chuyển sang chủ nhà. Cũng giống như ông chủ tịch xã, ông thầy cúng luôn tủm tỉm cười trong câu chuyện và chốt hạ bằng câu mời: “Đêm nay mời nhà báo đi ăn trộm cùng dân bản”.

Thầy giáo Đào Mạnh Tưởng (32 tuổi, người Phú Thọ) của Trường TH xã Mồ Sì San thì hào hứng lắm, anh lên đây ba cái tết thì có đến hai tết anh tham gia hội ăn trộm cùng dân bản. Hỏi anh năm nay có đi không, anh trả lời: “Tất nhiên là đi, vui hơn hội mà”.

10 giờ đêm rằm tháng giêng, xã Mồ Sì San vào hội. Đến hơn 100 thanh niên của bốn bản đã tập trung ngay trên trục đường chính của xã, tạo thành đội quân ăn trộm hùng hậu. Già bản Lý Phù Nùng phụ trách cây tiêu, hai người bạn đồng hành là ông Phùng Sờn Siu, ông Lý Vần Niềm phụ trách thanh la và trống hợp thành đội “quân nhạc” dẫn đầu đoàn người reo hò dậy đất.

Mục tiêu đầu tiên đoàn người ăn trộm nhắm đến là nhà anh Lý Vần Khìn, cán bộ bưu tá xã. Thấy đoàn đến chị vợ anh cầm ngang cây gậy như Trương Phi cầm mâu chắn ngang cửa vườn rau, nơi ấy có luống hành tươi tốt. Anh chồng ở trong nhà lo canh dây thịt và dãy chai rượu, hai cô con gái chạy lăng xăng tiếp ứng cho bố mẹ. Cung cách phòng thủ ấy khó nhằn nhưng không hiểu bằng cách nào ba “tên trộm” cũng vẫn lọt được vào vườn. Có lẽ họ đã trinh sát rồi rút hờ rào từ chiều. Chị vợ phát hiện hô hoán chồng, anh Khìn phóng từ trong nhà ra, tay cầm theo chai rượu. Hai vợ chồng bắt ba tên trộm vườn rau, chai rượu phạt chia ba. Vợ chồng nhà Khìn hí hửng lắm, bởi cái may nhân lên đến ba lần. Bất ngờ, lúc vợ chồng anh Khìn đang vui thì một thanh niên đã đột nhập thành công nhổ được một cây hành, vượt rào huơ huơ chiến lợi phẩm. Anh Khìn đành khui chai rượu mới thưởng cho tên trộm tài ba.

tmjroLA6.jpgPhóng to
Một tên trộm “láu cá” đang lấy thịt của gia đình ông Nèng
Ngôi nhà thứ hai chúng tôi nhắm đến là nhà ông Tẩn Phu Nèng, cán bộ văn hóa xã. Ông Nèng cũng có mặt trong đoàn người ăn trộm nhưng đã tách đoàn vượt rào về nhà giúp vợ lo việc phòng thủ. Nhà ông Nèng không có vườn hành nên cả đoàn xông thẳng vào nhà để trộm thịt và rượu. Ông chủ nhà tuy già mà nhanh, nhoay nhoáy tóm gọn hai tên trộm đang cắt thịt, phạt hai tên trộm này một chai rượu. Nhưng có nhanh đến mấy ông cũng đành lấy can rót thêm chai rượu mới, thưởng cho kẻ đã nhanh tay nhót được chai rượu của ông đang để trong giỏ.

Cứ thế, đoàn người đi trong tiếng tiêu, trống, thanh la, xông thẳng vào những ngôi nhà... mở rộng cửa đón kẻ trộm. Mỗi lúc mùi hành trong đoàn càng sực nức hơn. Càng về sáng hiệu quả ăn trộm càng cao, nhưng cũng đã có nhiều bước chân loạng choạng vì rượu phạt, rượu thưởng. Ở độ cao gần 1.800m của xã này, gần về sáng khí núi tỏa ra lạnh buốt đầu, chịu không thấu, chúng tôi đành chào mà xin rút, không có tí chiến lợi phẩm nào. Về đến nhà rồi, chui vào trong chăn nằm vẫn nghe tiếng “nhạc trộm” hùng tráng.

Sáng hôm sau gặp lại ông Nèng, ông lão cười phô hàm răng đã rụng lỗ chỗ, hôm qua ông thắng to, thắng cả ở nhà, thắng cả trên đường... ăn trộm. Nhà ông năm nay thế là may mọi nhẽ. Hỏi ông cán bộ văn hóa xã vui tính xem mấy giờ tan hội trộm thì ông bảo: Không nhớ, nhưng đại thể không bỏ sót vườn hành nhà nào. Ngay luống hành trong vườn rau của bộ đội biên phòng cũng bị tấn công mất gần nửa. Không ai giận. Nói như ông Nèng: “Làm cỗ không có người đến ăn cho còn rủi hơn nữa”. Nhà ông Nèng, như ông khoe ngoài trận “đại chiến” vào lúc tối, bị trộm tấn công lẻ tẻ dăm bận nữa, cả thưởng cả phạt bay luôn hai can rượu. Ông cười, hẹn chúng tôi sang năm quay lại đúng dịp này để đi... ăn trộm tiếp.

MnviajwQ.jpgPhóng to YYEUiBOd.jpg

Ông Nèng và... tên trộm

Hai tên trộm nhổ hành của một gia đình
XUÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên