Nó dồn dập tới mức lãnh đạo cơ quan chức năng đành phải hủy bỏ các cuộc đi hầu Thánh cầu xin tài lộc vào dịp đầu xuân như thông lệ, hầu dành thời gian mở hội thảo chuyên đề về “lún”. Tính trên cả nước thì đây là hội thảo được tổ chức sớm nhất trong năm mới với sự khẩn trương bất thường, qui tụ toàn các chuyên gia thượng thặng, nhằm truy tìm nguyên nhân gây nên sự lún sụp hàng loạt trên đường phố gần đây.
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Phóng to |
Tiêu đề “Hội thảo lún toàn quốc” được kẻ chữ rõ to trên các băng-rôn, áp-phích giăng, dán khắp thành phố, thể hiện tầm quan trọng vô cùng to lớn của sự kiện. Tầm quan trọng đó có bị sứt mẻ đôi chút bởi nghi thức khai mạc tiến hành chậm mất 2 giờ đồng hồ so với dự kiến, do xe ôtô của một số quan khách bị sụp hố bất ngờ khi đang lăn bánh trên đường đến dự hội thảo.
Rất may không có vị đại biểu nào “chầu Trời” trong các vụ sụp hố giữa đường này, nên hội thảo vẫn diễn ra bình thường sau 1 phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân xấu số đã “vị hố vong thân” trong thời gian qua.
Có đến 103 bản tham luận được các đại biểu tranh nhau đọc trong suốt 7 ngày diễn ra hội thảo. Nhiều tham luận đã đào sâu phân tích rất kỹ hiện tượng lún sụp từng xảy ra trên thế giới, từ thời cổ đại cho đến thời hiện đại, và đưa ra nhiều giả thuyết rất khả tín về nguyên nhân; ví như do thần Zeus hoặc những người ngoài hành tinh gây ra. Một số tham luận lại cả quyết nguyên nhân gây nên hiện tượng sụp lún là do tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu khiến các mạch nước ngầm dịch chuyển dòng chảy, tạo sự xói mòn trong lòng đất.
Tuy nhiên, tham luận gây ấn tượng nhất trong hội thảo thuộc về giáo sư - tiến sĩ Trần Tửng. Giáo sư Tửng đã nêu sự ngờ vực về tính phổ biến rất đáng lưu ý: Vì sao sự lún sụp đường sá hiện nay chỉ xảy ra ở nhóm các nước đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, Nam Phi... mà không xảy ra ở nhóm các nước phát triển như Anh, Mỹ, Đức...? Điển hình là sự xuất hiện đột ngột gần đây của 2 “hố đen” trên đường phố Song Tháp, TP.Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Các hố đen này sâu cả chục mét với miệng mở rộng ngoác có thể nuốt chửng tới 2 chiếc xe buýt, khiến một phần bệnh viện tỉnh nằm cạnh đường bị sụp đổ hoàn toàn.
Tuy không nghiêm trọng như nước bạn, nhưng ở thành phố chúng ta gần đây đã xuất hiện dồn dập quá nhiều “hố đen” trên đường phố, trong đó có những hố nuốt chửng một xe taxi 7 chỗ ngồi, hoặc khiến nhiều xe vận tải loại khủng phải ngã chổng vó.
Giáo sư Tửng nhấn mạnh: “Một số luận điểm thiếu thiện chí cho rằng sở dĩ hiện tượng lún sụp xảy ra phổ biến ở các nước phát triển, là do tệ tham nhũng và sự yếu kém trong quản lý của chủ đầu tư, qua quá trình thi công xây dựng đường sá hoặc lắp đặt các công trình ngầm. Luận điểm ấy hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Theo tôi thì vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều: Không loại bỏ khả năng đây là âm mưu phá hoại mang tính toàn cầu của các nước phát triển nhằm vào các nước đang phát triển, để ngăn chặn sự đi lên, đuổi kịp và vượt qua họ”.
Nhận định của giáo sư Tửng làm rung rinh cả hội trường bởi những tràng pháo tay vang dội từ tất cả các đại biểu tham dự. Đáng tiếc là dù đã chỉ ra được nguyên nhân, nhưng bản tham luận của giáo sư Tửng lại không đề xuất được phương án giải quyết nào cụ thể, ngoài việc kêu gọi tinh thần cảnh giác của toàn xã hội trước các âm mưu thù địch.
Cho đến tận ngày cuối cùng của hội thảo, trong lúc các chuyên gia lâm vào tình thế bế tắc, vì không tìm ra được một phương án nào để giải quyết hiện tượng “lún” thật hiệu quả, thì đột nhiên có một giọng nói cất lên lanh lảnh:
- Có vậy thôi mà cũng bàn cãi mất tới 7 ngày!
Mọi ánh mắt trong hội trường đều hướng vào vị đại biểu vừa phát ngôn. Đó là một phụ nữ trung niên, trang phục bên ngoài có phần lập dị, đứng tựa lưng vào vách tường cuối hội trường chứ không ngồi vào ghế như các đại biểu khác. Vị chủ trì hội thảo hỏi với vẻ háo hức:
- Giáo sư có cao kiến gì chăng? Xin vui lòng bước lên đây để đọc tham luận.
Vị nữ giáo sư không chịu “bước lên đây”, vẫn cứ đứng yên tại chỗ để “tham luận” trực tiếp chứ không đọc:
- Mấy vụ lún sụp ở đâu xa thì tui hổng biết, chớ ở thành phố này thì có chi khó hiểu mà bàn cãi mất công! Đường phố nào bị đào lên sau đó đắp lại cũng đều bị lún cả, nên dân chúng mới túm gọn bằng 3 chữ “đào, đắp, lún”, chỉ cần nói lái 3 chữ đó thành “đùn đắp láo” là ra nguyên nhân, tức “đắp láo” rồi “đùn” trách nhiệm cho nhau. Vậy thôi!
Vị chủ trì hội thảo hỏi:
- Thưa, nếu nguyên nhân là vậy thì phương án giải quyết của giáo sư ra sao?
Vị nữ giáo sư đáp:
- Diệt cái “láo” rất khó. Chỉ còn mỗi cách thông báo cập nhật trên đài phát thanh về các điểm lún sụp để dân chúng biết mà tự phòng tránh tai họa khi ra đường mà thôi!
Cả hội trường lại rung rinh vì tiếng vỗ tay tán thưởng. Riêng vị chủ trì thì vỗ đùi đánh đét kêu lên:
- Chân diệu kế! Xin cho biết giáo sư đang công tác ở đơn vị nào ạ?
Vị nữ giáo sư đáp:
- Giáo sư giáo siếc chi tui! Tui chỉ là nhân viên tạp dịch ở hội trường này thôi quý cụ ơi!
Vị chủ trì nức nở khen ngợi:
- Quần chúng luôn luôn sáng suốt! Quả không sai khi nói dân ta có chỉ số IQ rất cao. Với phương án chống lún hiệu quả do nữ nhân viên tạp vụ này vừa đề xuất, tôi tuyên bố cuộc hội thảo đã thành công tốt đẹp. Xin chúc quý đại biểu một năm mới dồi dào tài lộc.
Tuổi Trẻ Cười Xuân Tân Mão 2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận