Phóng to |
Đội sửa chữa máy tính của Đoàn khối Bưu điện TP.HCM - Ảnh: K.Anh |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Từ đấy, những phòng máy ra đời kết nối ước mơ tiếp cận thế giới mạng cho những bạn trẻ vùng quê nghèo...
"Em đã biết… con chuột"
Cậu học trò chăm chú lật qua lật lại con chuột máy tính rồi hỏi: "Cái gì vậy chú?". "đây là con chuột". Tiếng reo của cậu học trò trường tiểu học vùng biên giới huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh làm cả đội sửa chữa máy tính Đoàn khối Bưu điện TP sướng rơn khi đang lắp đặt mạng nội bộ cho 20 máy tính tặng thầy trò của trường. "Nếu là học trò ở TP thì con chuột máy tính em nào không biết, thậm chí có em còn viết được phần mềm, nhưng với học trò vùng sâu thì lần đầu mới nhìn thấy con chuột máy vi tính. Điều ấy làm chúng tôi vui, cố gắng sửa nhiều hơn nữa để có máy tặng những nơi còn khó khăn" - đội trưởng Nguyễn Ang Quốc Dũng chia sẻ.
Không chỉ mang đến cho thầy trò Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc niềm vui được tiếp cận với máy vi tính, đội còn vác 12 máy đến Xã đoàn Tân Châu (Tây Ninh) lắp đặt và nối mạng Internet. Thấy bạn trẻ vùng quê còn chưa rành máy vi tính, đội lại lên lịch tổ chức lớp dạy phổ cập tin học miễn phí cho cán bộ đoàn và bạn trẻ nơi đây. Cứ cuối tuần dành hai ngày nghỉ, những kỹ sư trẻ chuyên về công nghệ thông tin lại lên đường đi Tây Ninh để đứng lớp.
Dù đi xa nhưng ai cũng háo hức bởi họ biết nơi ấy nhiều bạn trẻ đang khát khao được tiếp cận với máy vi tính, với mạng thông tin đa dạng mà máy tính có thể đem lại cho họ. "Tụi mình chia nhau mỗi lần lên vài bạn để vừa giảng lý thuyết vừa hướng dẫn thực hành" - anh Trần Công Nhân, thành viên của đội, cho biết.
Vừa cài đặt hoàn tất khâu cuối cùng cho chiếc máy, anh Nguyễn Công Tùng vừa kể về câu chuyện ra đời của đội. Lúc có chương trình phổ cập tin học cho thanh niên của Đoàn từ năm 2006, Đoàn khối Bưu điện TP đã đề xuất ban lãnh đạo cho Đoàn thanh niên nhận những máy đến hạn thanh lý của các đơn vị về sửa chữa, tặng lại những nơi còn khó khăn để thực hiện công trình phổ cập tin học. Đội thành lập với bốn thành viên ban đầu nhưng nay đã lên 12 người. "Muốn gia nhập đội ít nhất cũng phải là dân công nghệ thông tin, còn lại là nhiệt tình" - anh Trần Trung Hiếu cười cho biết.
Từ "chuồng cu", những phòng máy ra đời
Đứng ngoài nhìn về Bưu điện TP ai cũng thấy ngọn cờ cao chót vót được cắm trên nóc tòa nhà trung tâm bưu điện, nhưng ít ai biết phía trong cái chóp ấy nóng hầm hập và được các bạn của đội xin lãnh đạo cho mượn làm kho chứa máy tính cũ. Tranh thủ sau giờ làm việc, các bạn kỹ sư trẻ lại vào kho lôi ra những chiếc máy vi tính bám bụi, đen sì.
Sau một hồi "bắt mạch, kê toa", những chiếc máy vi tính được "giải phẫu" toàn thân. Bộ phận nào còn dùng được sẽ tận dụng lại, ráp vào những chiếc máy khác. Mỗi lần "giải phẫu" mười máy, mua thêm thiết bị, đội cũng "hồi sức" được 6-7 máy với chất lượng sử dụng khoảng 60%. Không chỉ sửa chữa giỏi, đội còn vệ sinh sạch sẽ, khi ra lò mang đi tặng, máy đều sáng choang.
Từ những chiếc máy vi tính tồn kho ấy, những phòng máy đã ra đời để phổ cập tin học cho bạn trẻ, học trò vùng biên giới Tây Ninh, vùng sâu của tỉnh Bến Tre, Bình Phước, Gia Lai. Đến với các học viên và cán bộ quản lý của Trường GD&GQVL số 6 (Đắc Nông) trong đợt tổ chức Kỳ nghỉ hồng, đội đã chuyển máy lên, nối mạng nội bộ để hỗ trợ công tác quản lý, thông tin của trường. Đội còn chuyển giao kỹ thuật cho các học viên và cán bộ quản lý ở đây.
Để có máy vi tính phổ cập tin học cho bạn trẻ vùng sâu vùng xa đã khó khăn, với các đoàn phường tại TP.HCM cũng hiếm có nơi sở hữu được chiếc máy tính phục vụ công việc. Vì thế Đoàn khối Bưu điện TP đã duy trì đội sửa chữa máy tính được ba năm nay, tặng hơn 100 bộ máy vi tính, máy in cho các đoàn phường ở TP và các tỉnh thành khác.
Trong dịp đội trao tặng máy tính cho các đoàn phường của quận 8 vào cuối tháng 3-2008, bạn Minh Trang, đoàn phường 1, Q.8, thú thật: "Làm ở khối vận, tụi mình phải nhường các cô chú, muốn có máy vi tính làm việc nhiều khi phải làm buổi tối cho kịp tiến độ. Có máy riêng cho đoàn, công tác lưu trữ, làm văn bản, báo cáo… sẽ nhẹ nhàng hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận