07/12/2008 10:00 GMT+7

Hội ngộ bến Tầm Dương

SƠN NAM
SƠN NAM

TTO - A Lẩu ơi, đong hai xu rượu! - Anh tư nâng ly rượu, nốc một hơi. Rồi nhướng mắt:

jSSYOIDg.jpgPhóng to
TTO - A Lẩu ơi, đong hai xu rượu! - Anh tư nâng ly rượu, nốc một hơi. Rồi nhướng mắt:

- A Lẩu có ba tội lớn. Biết không?

A Lẩu ngạc nhiên:

- Cái nầy “hóa” có đóng ba-tăng, có đóng giấy thuế thân cho Tây, làm sao tội được?

- Nè! Tội thứ nhất: Lớn tuổi rồi mà A Lẩu không cưới vợ. Tội thứ hai: Viết liễn đối dán đằng miễu ông Tà. Ông Tà của người Miên đâu đọc được chữ “các chú”. Còn tội thứ ba... tội nầy mới nặng.

- Hóa không biết. Làm sao nặng nhẹ?

- “Lứ” vẽ cái hình gì treo trên vách? Có mặt trăng, có cây sậy lại có cây tùng bên bờ giếng... Xứ nầy làm sao có cảnh đó. Vẽ tầm bậy...

A Lẩu nghiêm mặt lại. Chập sau thở dài:

- Hóa vẽ hình bên Tàu.

Anh Tư cười to:

- Lứ sanh đẻ bên nầy, chưa về Tàu lần nào, làm sao thấy cảnh bên Tàu?

- Tại nghèo mà! Cái hình đó vẽ chỗ gần nhà ông bà. Ba của hóa nói lại. Xứ đó ở kế bên bờ sông lớn, bên Tàu ai cũng biết. Có bến ghe đậu. Có quán bán rượu. Có chuyện đời xưa hay lắm.

Anh Tư như chợt tỉnh. Vốn là tay đờn kìm, anh đâu có dè bấy lâu nay mình ở gần một người có tâm hồn nghệ sĩ.

- Đong cho ly rượu nữa đi! Rồi nói sự tích bên đó cho tôi nghe.

- Xứ đó có cái bến. Hồi xưa, một ông quan nọ làm thơ hay lắm. Bị người ta ghét, nói lên ông vua. Ông vua giận đuổi xuống phía Nam, đày ở luôn đó. Ghe của ông quan đậu ở tại bến. Gặp một người con gái đờn tỳ bà...

Anh Tư vỗ bàn đắc ý:

- Đờn tỳ bà có giống đờn kìm của tôi không?

- Đâu phải! “Hóa” thấy trong sách vẽ hình cây đờn đó nhỏ hơn. Ôm đờn trên lưng con ngựa. Cây đờn của bà Chao Cung đó...

- Ờ! Chao Cung... Bà Chiêu Quân Cống Hồ...

- Lứ nói phải. Người con gái đờn tỳ bà cho ông quan nghe. Ông quan buồn, khóc. Người con gái cũng khóc. Đờn thêm một lần nữa, khóc nhiều hơn. Vì hai người làm ăn không khá, hết thời rồi. Gặp nhau, họ buồn... Ông quan đặt bài thơ kỷ niệm cái bến “Xìm-dan”.

Anh Tư lắc đầu, ôm bụng mà cười muốn... ra nước mắt. Anh liếc mắt nhìn bức tranh thô sơ trên vách: đám lau sậy, cây tùng, bến nước.

- Trời ơi! Cái “bến Tầm Dương... ờ... ờ (anh lấy giọng sắp vào Vọng cổ) Bến Tầm Dương trăng nước lờ đờ...” - A Lẩu day mặt qua chỗ khác, trán nhăn lại. “Mình cao hứng thiệt tình, tại sao người bạn Tàu này lại giận”? Anh Tư như cụt hứng, trở về nhà bên cạnh. Hai Lượng đang bước vào, kêu lên ỏm tỏi:

- Thợ hớt tóc đâu? Tư Đờn kìm đâu? Có ông lớn Hai Lượng lại hớt nè!

- Bữa nay sao lại buồn xo vậy?

Hai Lượng đáp:

- Nhà nước giao rừng nầy cho Tây làm rừng “cúp”. Tây hãng Củi sửa soạn đào kinh, bắt buộc người làm củi phải chở củi ra theo đường đó bán cho hãng. Bất tuân thì ở tù! Việc làm ăn ngày một xuống dốc. Hồi trước, mình tự do bán ra ngoài, miễn là đóng thuế cho Kiểm lâm. Bây giờ siết lại, bắt buộc mình phải làm mướn cho nó. Mỗi thước củi nó mua có một cắc rưỡi!

Anh Tư chép miệng:

- Tôi cũng vậy. Anh thấy không. Cỡ nầy mỗi ngày hớt có... hai cái đầu. Tôi tính bỏ nghề nầy, trở lại nghề rừng với anh. Nghe anh nói, thối chí quá... Hai Lượng nằm ngả dài lên bộ vạt cây đước rồi ngồi vụt dậy nhìn mấy chữ “quảng cáo” của anh Tư dán gần tấm kiếng:

Một năm mưa gió hai mùa,

No cơm ấm áo cũng nhờ anh em...

- Gỡ quảng cáo đi, anh Tư. Bây giờ, anh đờn tôi hát nghe vui hơn. Nói thiệt với anh, nghe tin rừng nầy sắp làm “cúp” tôi buồn quá. Chim chóc hết chỗ ở. Rùa rắn cũng phải lui. Chim với rắn vốn là bạn bè của mình bấy lâu nay. Tôi mới đặt một bài Xuân tình để làm kỷ niệm. Tựa là Thượng điểu, hạ cầm. Mình kể sơ nghe chơi cho con nít nó biết, không dám nói chen thêm chuyện quốc sự, Tây nghe được rầy chết... Anh nhịp đi. Xuân tình, lớp một. Tôi vô:

- Nghe vẻ nghe ve, nghe vè hạ thú thượng cầm,

Tôi lại khen thầm, chủ bút đặt có duyên.

Hay la lớn tiếng, con tu hú, con ác là.

Nhảy nhót lang ba, chích chòe, bìm bịp.

Chúng hay ăn hiếp, con chim ụt, chim mèo.

Lót ổ la reo, con dòng dọc, áo dà

Ẩn núp trong nhà, con se sẻ, con bồ câu!

Thứ đậu lưng trâu, con sáo sành, sáo nghệ.

Lặn không xiết kể, con cồng cộc, chằng bè.

Tháy máy hay dè, con cúm núm, trích cồ,

Ăn uống hồ đồ, già đãy, kên kên,

Đáp xuống bay lên, chim nhàn, thầy bói,

Cái mồng đỏ chói, con cao các, hồng hoàng,

Thức trót canh tàn, con chim cú, chim heo,

Hay ăn lắc lẻo, con sa sả, thằng-chài,

Cần cổ quá tay, con cò, con diệc,

Bay cao kịch liệt, con én, con diều,

Giò cẳng thêu lêu, con so đũa, học trò.

Xuống nước ưa mò, con vịt nước, le le.

Hay hát tích te, con gà rừng, cu gạch.

Trong rừng rục rịch, con tằng hắng, chằng nghịch,

Cái đuôi nhúc nhích, là con nắc nước, con loi choi,

Cái con cao lớn quá, hẳn hòi là con khoang cổ với con nhan sen,

Còn thứ ở trong ô rô, cóc kèn là con chim chóc, bảy, tám, chín, mười cái ổ con chim sâu...”

Anh Tư buông đờn xuống, khen thầm tài của Hai Lượng. Hai Lượng ngồi, giả bộ vuốt râu:

- Đây mới là thượng cầm. Nay mai, có bài ca đủ loại hạ thú. Buồn quá! Rượu đâu?

- Nãy giờ quên! Để tôi kêu thằng A Lẩu đong rượu đem qua giùm...

Tới phiên Hai Lượng đờn. Anh Tư phải ca. Anh nói:

- Túng bài quá. Anh ca luôn trớn đi!

- Đâu được. Hai bàn tay cầm búa đốn củi chai cứng mà tôi còn ráng đờn. Ca hoài mệt lắm. Ca đi... Nè, Ngũ điểm Bài tạ.

Tư Đờn gãi đầu:

- Bây giờ tôi làm chủ quán rao hàng cho anh thèm chảy nước dãi.

- A Lẩu qua tới đó hả? Đưa rượu cho ảnh uống đi! Giới thiệu với A Lẩu, Hai Lượng cũng là nghệ sĩ bồ nhà.

- Quán nầy bán đồ ngon,

Bán thịt sấu, thịt trăn, thịt mèo.

Gà quay, phá lấu bồ câu

Lại thêm đủ thứ thịt hươu, thịt rừng.

Thịt chồn xào lộn với củ hành

Còn đầu ông Địa tôi nấu canh chua.

Lại thêm cỏ nhác, rượu Tây, rượu Tàu.

Còn rượu đế tôi ngâm với rắn mối,

Gà xào, chuột lột, tôi nấu ca ri.

Rắn hổ hành, làm sạch tôi nấu rô ti,

Xin mời quí khách! Muốn xơi thứ nào?

Thịt bò chiên làm chả giò,

Còn thịt heo sống, tôi bóp tái thật chua,

Nem tôm, nem thịt lại thêm mắm lòng.

Hầu hết quí khách ăn chơi cho phỉ!

Còn thịt xá xíu tôi chặt lộn với thịt phay,

Thịt phá lấu ăn với cải xanh.

Còn thứ ngon nhứt: cải bắp nấu canh thịt chuột cống xù...

Thích chí quá. A Lẩu cười híp mắt. Tư Đờn hỏi:

- Lứ có hiểu hết không?

A Lẩu gật đầu:

- Không nghe được hết, chớ cũng biết. Bài hát... giỏi quá.

- Lứ cũng giỏi nữa. Vậy thì lứ làm ơn đong thêm một ly nữa. Ly nầy mới trả tiền. Mấy ly hồi mấy bữa rày cũng vậy. Được không? Về tính sổ, tụi tôi mỗi đứa thiếu bao nhiêu rồi?

Hai người theo A Lẩu về tiệm. A Lẩu lật sổ ra lắc bàn toán.

Hai Lượng bảo:

- Lứ lắc bàn toán đi. Tôi hát theo. Lắc bàn toán là đờn đó. Đờn những con số theo điệu Mẫu Tầm Tử:

- Lác xa, lác dì, lác xa,

Xa chập lác xa chập xa dì,

Lác xa lác dì xa chập,

Dì xa cháp lạc, chạp dì chạp xa (2 lần)

Xa lác xa dì xị lạc chạp xa (2 lần)

(Thật lẹ) Lác xa lác xa dì

Dì xa dì xa cô lác cô xa.

- A Lẩu thấy âm nhạc của tụi tôi chưa?

Cả ba đều cười giòn. Tư Đờn mới hỏi:

- Tụi này nghệ sĩ lắm. Mình nghệ sĩ với nhau mà dường như hồi nãy tôi ca “Bến Tầm Dương trăng nước lờ đờ”, A Lẩu coi bộ giận tôi. Anh em mình có gì thì cứ nói. Hay tụi tôi biên sổ thiếu chịu nhiều quá?

A Lẩu cảm động:

- Hồi nãy “hóa” giận thiệt. Hóa mua bán ế. Lứ bên kia ít ai tới hớt tóc. Xóm nầy ai cũng nghèo, mua thiếu chịu hoài. Mình gặp nhau, không ai giàu hết. “Hóa” buồn, vẽ cái hình bến Tầm Dương để nhớ ông nội ở bên Tàu! Muốn về bên Tàu một lần, để dành mấy năm rồi mà chưa đủ tiền.

Hai Lượng thở dài, ngóng ra sân. Xa xa, kìa rặng cây mắm xanh rì. Nơi đó, mé biển chót vót, sóng đang gào thét, phù sa tràn vào, diễn tuồng bãi biển hóa ruộng dâu.

- A Lẩu đừng buồn. Bên Tàu thiếu đất làm ăn. A Lẩu qua ở đậu bên nầy. Còn hơn tụi tôi đây, đất nước ông bà để lại nhiều quá mà không chỗ làm ăn! Nay mai, tụi tôi phải dời ra ngoài đất mũi mới bồi kia mà ở. Rừng nầy, Tây đo hết, vô bản đồ để làm rừng “cúp” cho nó... Ờ! Cái hình bến Tầm Dương “lứ” vẽ đâu? Coi thử được không? Coi kỹ một lần nữa.

Bến nước cỏn con. Cây tùng gie nhánh. Vài bụi lau sậy trổ bông, nghiêng mình theo gió. Bức tranh thủy mạc đơn sơ ấy gây cho Hai Lượng mối cảm hoài man mác:

- Ờ, đây nè! “Gió buồn cuốn rủ ngọn vi-lau mà lòng anh đây buồn như vi-lau cuốn rủ”. Bến Tầm Dương đời xưa sao buồn quá vậy, A Lẩu? Ráng vẽ tấm sơn thủy khác cho hợp với đời nay thử coi! Lứ sợ Tây hả? Sợ Tây thì làm sao vẽ cho hay được? Mình là nghệ sĩ nghèo gặp nhau, làm ăn thất bại, cười hát, đầu đội trời chân đạp đất mà!

SƠN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên