20/07/2007 05:17 GMT+7

Hỏi cụ thể, trả lời chung chung

BẢO TRUNG - ANH ĐÀO
BẢO TRUNG - ANH ĐÀO

TT - Trong những ngày qua, HĐND các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng đã họp. Các đại biểu đã chất vấn, phê bình các cơ quan hữu quan việc chậm tăng lương giáo viên, di hại môi trường, thiếu nước sinh hoạt...

fPaR9F2M.jpgPhóng to CbHd3cqC.jpg
Đại biểu Đào Tấn Hoàng: “Dự án hệ thống chống ngập lụt TP Tuy Hòa bao giờ hoàn thành?” - Ảnh: Chí Bảo

Ông Lê Chí Trọng: “Chưa xác định được thời gian hoàn thành và đưa vào sử dụng!” - Ảnh: Chí Bảo

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên (17 đến 19-7), UBND tỉnh cho biết đang thực hiện 12 dự án, công trình quan trọng với tổng vốn đầu tư hơn 2.904 tỉ đồng. UBND tỉnh thừa nhận hàng loạt công trình trong số này đều gặp vướng mắc, nhiều công trình phải lập lại dự toán, điều chỉnh dự toán, một số công trình xảy ra những sai phạm nghiêm trọng không đảm bảo chất lượng, hầu hết công trình đều chậm tiến độ.

Phú Yên: trả lời lòng vòng và hứa

Hai dự án gây tai tiếng nhất trong thời gian qua là công trình chống ngập lụt TP Tuy Hòa (kè Bạch Đằng) và chỉnh trị cửa sông Đà Nông, đều do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Cả hai công trình này đều bị các bên thông đồng sai phạm ngay từ đầu và “rút ruột” nghiêm trọng trong quá trình thi công, khiến hàng loạt quan chức chuẩn bị ra tòa.

Chính vì thế, tại kỳ họp này phó giám đốc Sở NN&PTNT Lê Chí Trọng là một trong những lãnh đạo sở bị chất vấn nhiều nhất. Trước hàng loạt câu hỏi của đại biểu về các giải pháp khắc phục sai sót công trình kè Bạch Đằng, ông Trọng trả lời lòng vòng và hầu như không ai hiểu gì cả.

Một số đại biểu cho rằng công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông đã bị “rút ruột” nghiêm trọng, hơn 41 tỉ đồng có nguy cơ đổ sông đổ biển do công trình phải dừng thi công từ tháng 8-2005 đến nay. Các đại biểu Nguyễn Ngọc Ẩn, Nguyễn Tự Lực, Ngô Đình Quốc cho rằng dự án này được xây dựng dựa trên thiết kế giả thì làm sao có thể tiếp tục triển khai hoặc khắc phục được. Nhiều đại biểu hỏi đến bao giờ hai dự án quan trọng này mới có thể hoàn thành.

Ông Đinh Thanh Đồng - chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, chủ tọa kỳ họp - cũng nhiều lần yêu cầu ngành chức năng phải trả lời cụ thể thời gian hoàn thành các công trình trên. Tuy nhiên, ông Trọng vẫn tiếp tục trả lời lòng vòng và không xác định được thời gian hoàn thành các công trình này!

Đại biểu Nguyễn Thái Học (huyện Sông Hinh) hỏi: “Các vị có biết người miền núi xã Ea Lâm (Sông Hinh) thiếu nước sinh hoạt như thế nào không? Bà con thiếu nước từ nhiều năm nay tại sao đến nay vẫn không giải quyết được?”. Theo đại biểu Học, thực tế vốn đầu tư cho nước sạch nông thôn không thiếu, bởi dự án cấp nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2010 đã được phê duyệt với tổng vốn 340 tỉ đồng.

Trong khi người dân đang khát thì hàng loạt công trình cấp nước sạch lại không phát huy tác dụng do kém chất lượng hoặc không có nước. Đại biểu Nguyễn Thái Học yêu cầu ông Lê Chí Trọng - đại diện chủ đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn - phải giải trình những tồn tại này. Tuy nhiên, ông Trọng vẫn không đưa ra câu trả lời thỏa đáng mà hứa sẽ kiểm tra, có kế hoạch khắc phục.

Bình Định: tùy tiện khai thác khoáng sản

Ở Bình Định, chế độ tiền lương cho giáo viên mẫu giáo mỗi nơi trả mỗi mức, ngay trong một huyện nhưng xã này trả 350.000đ/tháng còn xã khác trả 450.000đ/tháng. Giữa các huyện cũng trả lương cho giáo viên mẫu giáo với mức chênh lệch từ 350.000đ/tháng đến 690.000đ/tháng.

Vấn đề này, giám đốc Sở GD-ĐT Trần Văn Quí cho rằng: “Một phần là do nguồn ngân sách tự cân đối của từng địa phương, nhiều xã không có nguồn kinh phí chi trả, nhất là các xã nghèo, còn số tiền thu học phí ở nhiều địa phương không đủ chi vì không huy động được số trẻ trong độ tuổi ra lớp”.

Ngay cả đối tượng giáo viên các trường bán công và giáo viên một số trường THPT nội trú đến nay vẫn chưa thực hiện mức lương tối thiểu 450.000đ. Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Dương chất vấn: “Mức lương tối thiểu tăng, kinh phí tỉnh cấp bù khoảng 2,7 tỉ đồng, vì sao Sở GD-ĐT trình lên UBND tỉnh chậm như thế?”. Theo giải trình của giám đốc Sở GD-ĐT thì: “Ngay từ đầu tháng 1-2007, sở đã lập nhu cầu tiền lương tăng thêm do điều chỉnh mức lương tối thiểu gửi Sở Tài chính xem xét, thẩm định để trình UBND tỉnh, cho nên việc chậm này không thuộc về Sở GD-ĐT”.

Trả lời về vấn đề khai thác khoáng sản, tài nguyên ồ ạt, trái phép trong thời gian qua, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Trần Thái Nga viện dẫn đã áp dụng chặt chẽ việc yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản, tài nguyên ký quĩ môi trường. Tuy nhiên, ông Nga không giải trình được chất vấn của đại biểu Trần Huyền Trang: “Tổng số tiền các đơn vị khai thác khoáng sản ký quĩ môi trường đến nay là bao nhiêu và quan trọng hơn là liệu số tiền này có giải quyết được những di hại, thảm họa môi trường gây ra trước mắt và lâu dài đối với cộng đồng dân cư gần khu vực khai khác?”.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Dương nhận xét: “ Khai thác vàng cũng không có qui hoạch, rồi khai thác titan, khai thác đá, cát xây dựng cũng thế, không có qui hoạch, không có đánh giá tác động môi trường, không thể để tình hình tùy tiện thế này mãi được. Nếu không tìm cách giải quyết thì đến kỳ họp sau, cử tri lại tiếp tục nêu vấn đề này nữa”.

Lâm Đồng: các đại biểu chê ngành cấp nước

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng hôm qua 19-7, giám đốc Điện lực Lâm Đồng Nguyễn Đăng Hiền cho rằng Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng đã không có một chiến lược dài hạn cho việc cấp nước sinh hoạt ở TP Đà Lạt, dẫn đến liên tục xảy ra cúp nước kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh và hoạt động du lịch ở Đà Lạt, đỉnh điểm là năm nay. Ông Hiền cho rằng phúc đáp về sự ổn định trong cấp nước ở Đà Lạt sẽ còn lâu bởi việc xây dựng thêm hệ thống cấp nước phải mất 2-3 năm.

Trưởng Ban dân tộc - HĐND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Đức Dũng đã khẳng định ngành cấp nước tỉnh quá non kém, làm tổn hại đến ngành du lịch khi không hề tính toán được diễn tiến của phát triển. “Thật vô lý khi tính toán, qui hoạch cấp nước chỉ cho trên 180.000 người Đà Lạt mà không tính đến nước sinh hoạt cho cả du khách, lên đến 20-30 vạn người lúc cao điểm...” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, ngành cấp nước Lâm Đồng không thể đổ thừa vào bất cứ yếu tố khách quan hay chủ quan nào, vì hệ thống ao hồ trữ nước của Đà Lạt không thiếu; điều sống còn cho kinh tế địa phương (Đà Lạt) là nguồn nước cấp phải đảm bảo ổn định, không thể để liên tục thất thường, thiếu nước sinh hoạt xảy ra, gây “chú ý” cho cả nước như thế.

BẢO TRUNG - ANH ĐÀO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên