31/10/2007 18:40 GMT+7

Hội chứng ống cổ tay

BS TĂNG HÀ NAM ANH - Giảng viên CTCH ĐH Y Dược TP.HCM
BS TĂNG HÀ NAM ANH - Giảng viên CTCH ĐH Y Dược TP.HCM

TTO - Tôi 44 tuổi, khoảng hai năm nay hay bị tê các đầu ngón tay, đầu ngón chân, thậm chí những lúc chạy xe gắn máy hai tay rất tê.

R2ijAhgt.jpgPhóng to
TTO - Tôi 44 tuổi, khoảng hai năm nay hay bị tê các đầu ngón tay, đầu ngón chân, thậm chí những lúc chạy xe gắn máy hai tay rất tê.

Khoảng một tháng nay, hai bàn tay tôi tê nhức nhiều, nhất là những lúc ngồi trong phòng lạnh hoặc đi trời mưa. Tôi đã đi khám tại bệnh viện, bác sĩ nói bị viêm khớp, cho toa thuốc uống hai tuần. Nay đã uống hết thuốc mà tay vẫn tê nhức nhiều hơn trước. Xin hỏi tôi bị bệnh gì, phải điều trị ra sao? (Phan Thanh Mai)

Trả lời của Phòng mạch online:

- Theo như chị mô tả, cảm giác tê các đầu ngón tay bị tê khi chạy xe gắn máy chúng tôi có cảm giác chị đang bị hội chứng ống cổ tay. Đây là hội chứng do thần kinh giữa bị chèn ép ở vùng cổ tay, phần lớn là vô căn, thần kinh giữa bị dây chằng ngang cổ tay chèn ép khi nó đi qua dưới sợi dây chằng này. Bệnh này hay xảy ra trên người nữ ở độ tuổi trung niên, những người bị tiểu đường, những người làm việc tư thế cổ tay gập như đánh máy, công nhân làm đường, cắt đường bằng máy rung...

Triệu chứng bao gồm tình trạng tê các đầu ngón tay ở ngón cái, ngón trỏ và nửa ngoài ngón đeo nhẫn là vùng do thần kinh giữa chi phối. Khi làm việc cổ tay ở thế gập nhiều như đánh máy, giặt đồ sẽ làm tình trạng tê tay tăng lên. Một trong số triệu chứng để phát hiện (rất Việt Nam) đó là chạy xe gắn máy một thời gian sẽ làm tay tê cứng khiến người bệnh phải dừng xe lại, cử động tay một lúc mới đỡ đau.

Khi đi khám bệnh, các bác sĩ hay bẻ cho cổ tay bệnh nhân gập hết cỡ và chờ xem triệu chứng tê có xuất hiện hay không. Một trong những xét nghiệm hay được cho làm là đo điện cơ cho phép chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng nhẹ. Bệnh nếu để lâu không điều trị tiến triển có thể bị nặng hơn làm teo các cơ ở vùng mô cái bàn tay. Khi đó khả năng hồi phục là rất kém.

Về phần điều trị, khi bệnh còn nhẹ, các BS thường hay dùng thuốc kháng viêm giảm đau nhằm mục đích giảm viêm và phù nề của sợi thần kinh, có thể kèm theo việc hạn chế cử động tay trong một thời gian. Nếu không bớt thì có thể dùng corticoide chích vào trong ống cổ tay và biện pháp cuối cùng là mổ cắt dây chằng ngang cổ tay để giải quyết triệt để nguyên nhân. Một số chủ trương dùng biện pháp phẫu thuật ngay khi uống thuốc không bớt vì một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tái phát trở lại sau khi chích corticoide 1 năm là khá cao và vì những biến chứng nguy hiểm của việc chích corticoide tại chỗ.

Chị Mai thân mến, chị nên đến một cơ sở y tế hay bệnh viện nào đó có khoa chỉnh hình hay thần kinh để xác định rõ chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp vì một triệu chứng không đủ để chẩn đoán bệnh, những gì chúng tôi trình bày là nhằm cung cấp thêm cho chị kiến thức về mặt bệnh tật. Để chẩn đoán một bệnh, các bác sĩ chúng tôi cần nhiều thông tin hơn nữa và cần có những xét nghiệm để chẩn đoán chắc chắn. Y khoa từ bao đời nay vẫn là sự tiếp xúc trực tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Chúc chị mau khỏi bệnh.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

BS TĂNG HÀ NAM ANH - Giảng viên CTCH ĐH Y Dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên