25/05/2014 07:25 GMT+7

"Học viện âm nhạc" làng quê

VŨ ĐỒNG
VŨ ĐỒNG

TT - Ở xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) có một “học viện âm nhạc”. Chủ nhân của “học viện” là ông Phạm Quyết Thắng, 70 tuổi, một người dân quê, nguyên kỹ sư lâm nghiệp.

Một đời cắt tócMở lớp dạy chữ và nhạc cụ Chăm Cay mắt với MV "Thề giữ yên biển đảo quê hương”

jBW3wMa6.jpg
Thầy Phạm Quyết Thắng chỉ dẫn học trò chơi đàn organ - Ảnh: V.Đồng

Hồi học ở Trường PTTH Chu Văn An, chàng học trò Phạm Quyết Thắng rất mê môn âm nhạc nên sáng học văn hóa, chiều đi học thêm ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Nhưng lúc đó đam mê lớn nhất của chàng học trò lại là ngành lâm nghiệp nên anh đã không đi theo con đường âm nhạc mà thi vào Trường ĐH Nông lâm.

Từ bài hát Ý cây luồng

Thành quả

Ông Nguyễn Đức Dục, chủ tịch Hội Khuyến học xã Ninh Mỹ, cho biết: “Từ “học viện” này đã có 128 em trở thành sinh viên tại các trường ĐH, CĐ âm nhạc trong cả nước. Nhiều em đoạt được những giải thưởng lớn về âm nhạc trong tỉnh cũng như toàn quốc. Ngoài ra, nhiều người đã trở thành giáo viên âm nhạc, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn”.

Mặc dù không có duyên với âm nhạc nhưng khi là kỹ sư lâm nghiệp, chuyên nghiên cứu phát triển vùng kinh tế luồng tại Thanh Hóa, ông luôn nhẩm trong đầu những nốt nhạc về con người và cây luồng. Ngày đó, ông viết bài hát Ý cây luồng và không ngờ trở thành bài hát truyền thống của tám huyện miền núi chuyên thâm canh cây luồng ở Thanh Hóa.

Năm 1995 ông nghỉ hưu về lại quê Ninh Mỹ. Xa rừng luồng lại nhớ đến bài hát cây luồng, nhớ về ba năm học thêm ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Nỗi nhớ day dứt khiến ông mở lớp dạy nhạc cho cháu chắt trong nhà để “ít nhất được sống lại với nốt nhạc, lời ca thời trẻ”.

“Lúc đầu tôi chỉ có một đàn organ, một đàn guitar để vừa chơi vừa dạy cho cháu chắt. Dần dần hàng xóm thấy lạ rồi cho con em đến nghe nhạc. Các em ngồi nghe rất chăm chú, nhìn tôi chơi nhạc mà chân nhịp nhịp, tay bấm nốt đàn. Thấy thế tôi có ý tưởng mở rộng lớp học. Thế rồi lớp học ngày càng đông. Có em ở tận nước bạn Lào, rồi vùng Tây nguyên và các tỉnh lân cận theo ra đây học. Em nào khó khăn tôi cho ở lại nhà luôn cho vui”- ông Thắng tâm sự.

Học miễn phí

Lớp học của ông ở trong một khu vườn rộng với năm ngôi nhà cấp bốn. Ông chủ trương học miễn phí và “tuyển sinh” tất cả mọi người, mọi lứa tuổi miễn là có niềm say mê với âm nhạc. Phần lớn học sinh của “học viện” là học sinh tiểu học. Có cả những em cuối cấp cũng đến đây ôn luyện các nhạc cụ và cả những ông cụ 75, 89 tuổi mê nhạc.

Lớp học lúc nào cũng đông vui và ít khi ngơi tiếng nhạc, tiếng hát. Cũng chính vì thế mà cổng “học viện” không bao giờ khóa, ai đến lúc nào thì đến. Ông kể: “Chúng tôi dạy các ngày trong tuần và tất cả thời điểm trong ngày. Các nhạc cụ đều có sẵn, ai muốn học, muốn chơi nhạc cứ vào”. Lớp học rất thoải mái nên học sinh nhỏ tuổi thì quần đùi áo cộc chân đất, mặt mày lem luốc nhưng trên vai là chiếc đàn violin. Em thì quần áo đồng phục, quàng khăn đỏ nhưng đôi chân lọt thỏm trong đôi dép quá cỡ mà cứ nhịp nhịp hoặc ngồi bấm phím đàn piano.

Trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông rong ruổi khắp nơi tìm các nhạc cụ. Dù nắng mưa nhưng nghe đâu có bán nhạc cụ cũ là ông tìm mua bằng được với giá rẻ rồi về sửa chữa. Cũng có trường học, cá nhân biết được “học viện” đặc biệt này nên đã gửi tặng nhạc cụ. Cứ như vậy hiện “học viện” có 16 đàn organ, 12 cây violin, 7 đàn piano và rất nhiều đàn guitar.

Có nhạc cụ nhưng muốn các em chơi được thành thạo thì phải có những kiến thức cơ bản nhất về âm nhạc. Cuốn giáo trình âm nhạc dần được hình thành. Ông tổng hợp kiến thức tiếp thu từ những giáo trình âm nhạc rồi biên soạn lại một cách dễ hiểu nhất cho phù hợp lứa tuổi các em. Kinh nghiệm của ông là phải cho các em hiểu được cơ bản về nhạc lý như các nốt nhạc, tiết tấu, thẩm âm... Ngoài ra, mỗi nhạc cụ cần có một khoảng không gian riêng để học nên ông chia thành năm phòng học nhỏ. “Lúc đông thì mỗi em chọn một gốc cây và một nhạc cụ, còn chúng tôi chia ra mỗi người trực tiếp kèm một em trong một tiếng. Chạy từ em này sang em khác nhiều lúc mệt nhưng bù lại thấy rất vui vì các em tiến bộ nhanh”- ông Thắng nói.

Người mà ông Thắng gọi là “chúng tôi” là ông Nguyễn Văn Bôi. Ông Bôi vốn là bạn lâm nghiệp với ông Thắng. Quê ở Thanh Hóa nhưng năm 2001 ông Bôi ra Ninh Bình ghé thăm ông bạn già xưa và thấy lớp học luôn rộn ràng tiếng nhạc, tiếng trẻ khiến ông mê rồi quyết định gom tiền, mua một căn nhà nhỏ cạnh nhà ông Thắng để vui sống tuổi già cùng những đứa trẻ của làng. Từ đó, ông Bôi trở thành người thầy thứ hai của “học viện” này. Ông Bôi được ông Thắng ví là người có “bàn tay vàng” để biến những nhạc cụ hỏng hóc thành những cây đàn biết phát ra âm thanh chuẩn mực phục vụ “học viện”.

VŨ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên