![]() |
Tranh: Lê Minh Quốc |
Và tôi cứ nghĩ mãi: tại sao lại là chị Hai láng sình? Mãi sau này, khi có dịp về Rạch Gòi sưu tầm ca dao, tôi mới hệ thống được một số từ trong dân gian: láng sình, láng o, láng bóng, láng lẩy, láng lức, láng coóng, láng mướt, láng te...
Nhờ vậy tôi hình dung ra được tính tượng hình của ngôn ngữ. Nói chị Hai láng sình là nói chị Hai vận quần sa teeng, vải nhóng nhánh như sình non dưới nắng. Khi chị Hai vận quần soa xăng ly, bó tròn hai mông thì kêu láng o mới trúng. Láng coóng là chị Hai chặt quần gin, bó chặt tới tưởng gõ vào là kêu coong coong lên được. Tóc chị Hai xức dầu dừa mướt rượt, ắt phải là chị Hai láng nhẩy... Còn láng te thì ràng ràng là không có gì cả. Tuy nhiên, điều đó còn tùy vào ngữ cảnh của ngôn ngữ. Như:
Ruộng đồng mặt nước láng teMột đàn cò trắng bay về kiếm ăn
Lấy một vài cụm từ chỉ hình ảnh, ta sẽ thấy tính giàu hình ảnh và giàu chất hài của ngôn ngữ Nam bộ: ngồi chò hỏ, ngồi chành bành, ngồi chèm bẹp, ngồi chù ụ... Một đặc trưng nữa của ngôn ngữ Nam bộ là tính rút ngắn. Người dân đi chợ không hỏi chỗ cá này bao nhiêu tiền, mà thường chỉ vào nó rồi hỏi "nhiêu?" hoặc "bi nhiêu?". Từ đó hình thành cách nói: bi dai, bi lớn, bi to, ế cum vầy nè, bự trảng thấy sợ, bành ky luôn, đẹp hết biết, hay hết xẩy, trúng ngay phóc, đụng ngay boong, nói ngay tróc, ngon hết ý... Nghĩa là chỉ cần nói chừng đó, chứ không cần mất công diễn tả, diễn giải dài dòng. Tìm cách để nói gộp tất cả lại cho nhanh là cách nói rất phổ biến. Nắm được đặc trưng ngôn ngữ Nam bộ thì mới sáng tạo văn bản thành văn mang màu sắc văn hóa Nam bộ. Chẳng hạn bài ca dao này thì không lẫn vào đâu được:
Cóc chết nàng nhái mồ côiChàng hiu đi hỏi lắc đầu hổng ưngCon ếch ngồi ở gốc đưngNó kêu cái ẹo biểu ưng cho rồi
Câu ca hay quá! Nói ngay phóc bản tính người Nam bộ. Bao giờ cũng vậy, hễ bụng chịu rồi, ưng rồi, thì cứ làm tới tới, hổng việc gì phải sợ. Cả trong yêu đương cũng vậy. Nói đại, nói huỵch tẹc, thẳng rang như kẻ chỉ. Tôi nhớ một lần đi thăm anh bạn ở Trà Vinh, anh đọc cho tôi nghe một câu ca dao như sau:
Con cá làm nên con mắmVợ chồng già thương lắm mình ơi!
Tôi cứ tấm tắc khen mãi về câu đó. Quả thật, có cá mới có mắm. Có mắm mới nấu ra được nước mắm. Dân gian từ xa xưa vẫn truyền tụng câu: "Ăn cơm mắm thắm về lâu". Xứ mình có không biết bao nhiêu là thứ mắm. Mắm cá lóc, mắm cá trèn, mắm cá sặc, mắm cá linh, mắm cá cơm, mắm cáy, mắm cua, mắm ba khía, mắm tôm, mắm ruốc... Mỗi thứ ngon một kiểu, điệu đời một kiểu trong khi ăn, không thứ nào giống thứ nào. Mắm nói chung được coi là gốc của nước mắm. Bởi vậy, nước mắm cũng có nhiều thứ, không thể kể hết ra được. Từ nước mắm gốc, nước mắm nguyên thủy, người nội trợ còn căn cứ vào các món đồ ăn, chế ra không biết bao nhiêu kiểu nước mắm cực kỳ công phu. Mượn nước mắm để bày tỏ tình yêu đôi lứa, quả là chuyện lạ xưa nay. Mà vận tình yêu vào nước mắm đạt đến mức mùi mẫn như vậy, ông bà ta xưa quả là tài thật, quả là độc đáo có một không hai. Ta hãy nghe sau đây lời rủ rê của một chàng trai:
Nước mắm ngon dầm con cá bẹAnh biểu em rình lén mẹ qua đây!
Nói như đùa chơi kiểu đó, người Nam bộ gọi là nói giỡn. Chàng nói kiểu giỡn chơi thì nàng cũng đáp kiểu giỡn chơi.
Nước mắm ngon dầm con cá đốiEm biểu anh chờ để tối em qua
Đối đáp nghe sao mà mặn mòi đậm đà, tình ý cứ quyện vào nhau, gắn vào nhau mà thơm lừng lên mùi nước mắm. Làm thơ tình nước mắm hay đến thế thì... thời nay cũng khó có nhà thơ tình nào sánh kịp. Là người cầm bút sáng tác, sống với nghiệp văn chương, tôi luôn học tập, trong đó có ca dao Nam bộ.
Áo Trắng số 18 (ra ngày 15-02-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận