Một hình thức học mới lạ đang được nhiều sinh viên phố núi truyền tai nhau.
![]() |
Sinh viên khoa lịch sử ĐH Đà Lạt đi điền dã làng K’Tăm (Lâm Đồng) |
Với thuận lợi thế mạnh nằm trên mảnh đất “thiên văn sử thi” cùng một kho tàng văn hóa dân tộc đồ sộ như M’Nông, K’Ho, Churu, Mạ... ở mỗi vùng đất, một buôn làng nơi đây đã là một “giáo trình” hoàn toàn mới mẻ cho SV tìm tòi, học hỏi.
Một số giáo trình như Tiểu luận chuyên ngành, Điền dã dân tộc học, Cơ sở Văn hóa học, Tiếp cận văn hóa Đông - Tây... việc tìm hiểu thực tế về buôn làng, tiếp cận những con người thật, hiện vật thật và cuộc sống thật của người dân đã tạo nên những kiến thức bằng các giác quan sống động thay cho lý thuyết được thầy cô truyền lại.
Thời gian đầu, chỉ có những nhóm SV ít ỏi đến những buôn làng để tìm hiểu, đặc biệt là các SV khoa như du lịch, ngữ văn - văn hóa học, lịch sử... đến các xã như Tà Nung (TP Đà Lạt), Hiệp An (Đức Trọng), Đồng Nai Thượng (Cát Tiên), thị trấn Lạc Dương (Lạc Dương), Tu Tra (Đơn Dương)... để điền dã, khám phá. Dần dần thấy được cái hay, nhiều SV đã tập hợp nhiều nhóm để tiếp cận, một mặt vừa đi du lịch, đồng thời cũng muốn trau dồi thêm kiến thức văn hóa bản địa.
“Không chỉ đi cho biết mà nhiều lúc bài tập, tiểu luận của các thầy liên quan đến rất nhiều cuộc sống người dân ở nơi đây nên chúng mình đã tích lũy được rất nhiều điều bổ ích” - Bùi Hữu Thái, khoa Đông phương học, bộc bạch.
Việc tìm hiểu kỹ hơn và vận dụng phương pháp thực hành, thực tế vào trong các bài học ở lớp khiến SV thêm dễ hiểu bài và mở rộng tầm nhìn gần gũi, bám sát thực tế. “Những giá trị văn hóa như ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán, không gian văn hóa cồng chiêng... của những người dân bản địa như Chu ru, K’Ho, Mạ... đôi lúc trên sách vở chỉ là kiến thức chung chung, qua sự khảo sát điền dã của người đi trước, còn khi SV được “tai đã nghe, mắt đã thấy” chắc chắn bài học thu nhặt được sẽ nhiều hơn” - Thanh Thúy, khoa ngữ văn - văn hóa học, cho biết.
Học từ cái ché, cái chiêng
Đối với những SV lớn lên trong buôn làng thì những giá trị văn hóa ấy là hành trang được các bạn mang theo khi đến với giảng đường. K’Thanh, khoa lịch sử, dân tộc K’Ho, khi làm tiểu luận chuyên ngành về nghi lễ hôn nhân hay trang phục truyền thống của chính dân tộc mình gặp rất nhiều thuận lợi. Nếu các bạn SV cùng nhóm thường tìm đến nhiều buôn làng thì K’Thanh lại về hỏi ngay chính anh chị và bố mẹ của mình trong gia đình.
“Cứ ngỡ những điều quen thuộc trở thành nếp sống giờ đây cũng là bài học cho các bạn trong lớp, mình thêm yêu quý hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình” - K’Thanh cho biết.
Thế nhưng, nói là vậy nhưng không hề đơn giản với những chuyến đi điền dã như thế này. Làm sao để tiếp cận thông tin, thu thập thông tin như thế nào, và thông tin được lấy ở đâu để có thể phục vụ bài học của mình. Để có được những kỹ năng điền dã nhất định như vậy, SV phải được trang bị rất kỹ những kiến thức trước mỗi lần lên đường. Nếu không, những chuyến đi điền dã đó như chỉ mang vẻ tham quan, khám phá du lịch.
Nhóm bạn Đức Huy, khoa lịch sử, tranh thủ những chuyến “phượt” du lịch tận Cát Tiên đã ghé thăm nhiều buôn làng người Châu Mạ và tận mắt vào xem thánh địa Cát Tiên. “Biết vừa đi du lịch mà có thể khám phá nhiều nét văn hóa hay ở vùng đất này nên ai cũng chuẩn bị nhiều thứ cần thiết để có thể vào tận các buôn làng xa xôi để điền dã luôn” - Huy hỏm hỉnh cho biết.
Để tìm hiểu được những giá trị văn hóa cồng chiêng tại thị trấn Lạc Dương, nhóm của Đoàn Văn Kiên, lớp lịch sử K31, đã phải lặn lội vào đến từng buôn làng, trao đổi với già làng, tập đánh chiêng, múa xoang và nằm vùng vài tháng mới có những thông tin mới cho đề tài của mình. “Mỗi chuyến đi thực tế về các buôn làng, mình hiểu hơn về giá trị văn hóa của mỗi tộc người. Đây là một hình thức học ngoài giảng đường rất hay mà SV Đà Lạt có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận bài học từ trên sách vở” - Kiên nói.
Khi nghiên cứu cho đề tài khoa học cấp trường về rượu cần, món ẩm thực truyền thống của dân tộc thiểu số Tây nguyên ở Đạ Tẻh, Lâm Đồng, nhóm bạn Lê Thanh Hải, lớp lịch sử K31, phải nhiều lần ở lại với người dân để cùng đi hái lá rừng, cùng làm rượu với người dân.
“Dù khó khăn vì địa hình trắc trở nhưng mỗi khi có lòng đam mê và yêu thích một nét văn hóa nào đó thì mình thường gắn bó lâu dài” - Lê Thanh Hải bộc bạch. Và chính sự miệt mài, say mê ấy cuối cùng cũng được đền đáp khi đề tài của nhóm Hải đã đoạt giải nhất đề tài khoa học cấp trường năm 2010.
Và cứ thế, những nét văn hóa đẹp vẫn được lưu giữ và ăn sâu vào từng SV nơi cao nguyên này.
Áo Trắngsố 13 (số 96 bộ mới) ra ngày 15/07/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận