![]() |
Các học sinh với phần quà vừa nhận được - Ảnh tư liệu |
Chúng tíu tít kể cuộc hành trình mười lăm năm. Mỗi em một câu chuyện. Mỗi em một cuộc đời. “Sĩ số ba mươi bốn, vắng hai mươi mốt, có mặt mười ba. Báo cáo hết!” - Khanh diễn vai lớp trưởng. Mười ba học trò đứng phắt dậy chào cô. Hình ảnh lớp học quay về vây kín mấy cô trò.
Lớp học tình thương. Đối tượng là những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Ba mươi tư đứa trẻ, ban ngày đi bán vé số, bán báo, nhặt ve chai, đánh giày... tối đến lớp tròn miệng đánh vần. Một căn phòng làm việc của cơ quan đoàn thể được ngăn ra để mấy cô trò tối tối vỡ con chữ, phép tính.
Có em ngủ gục ngay sau khi cô giáo viết mẫu trên bảng đen, có em nhìn vần “an” hóa vần “ăn” vì bụng đói meo, có em ngồi gãi sột soạt bởi mấy cái ghẻ ngứa hành hạ. Vậy mà từng trang sách được lật qua. Cả ba mươi tư học trò biết đọc, viết, làm toán. Sĩ số lớp không giảm dù có ngày vắng đến nao lòng, đấy là những ngày vào mùa tết.
Học theo chương trình phổ cập giáo dục tiểu học nên học trò bắt kịp bạn bè trang lứa , không còn ngại ngần khi ai đó hỏi “con học lớp mấy?”. Một năm hai lớp, vì vậy học trò có thể vô tư trả lời “Con chín tuổi, học lớp 2”. Rồi học trò được thi tốt nghiệp tiểu học. Sau lễ ra trường, học trò tập trung về nhà cô (không đủ sĩ số vì nhiều em phải chạy đi làm). Cô giáo gội đầu cho chừng ấy học trò.
Vừa làm vừa căn dặn đủ điều như thể sợ một lát nữa chúng chạy ra khỏi ngõ là không kịp nói thêm gì. Hơn một nửa lớp theo học trung học cơ sở hòa nhập cùng bè bạn đồng niên, số còn lại được gửi vào lớp phổ cập trung học cơ sở. Cô giáo cũng tốt nghiệp đại học rồi đi làm. Cuộc sống cuốn mấy cô trò băng băng vào dòng người tấp nập đua chen.
Mười lăm năm trôi qua, một ngày xuân, học trò gọi điện thoại cho cô bảo rằng “khó khăn lắm bọn em mới tập trung được bằng này, khó khăn lắm bọn em mới tìm được số điện thoại của cô”, rồi chúng khóc như ngày xưa tranh giành nhau chỗ ngồi để nhìn bảng được rõ.
Bây giờ Khanh đã là chủ một doanh nghiệp nhỏ, Phú có một xe hàng rong, Sang làm kế toán, Anh là thợ uốn tóc, Rớt là công nhân, Tuấn vẫn đánh giày, Xua là thợ bánh mì, Kha là nhân viên ngân hàng... Nghe nói nhiều bạn khác đều có nghề nghiệp ổn định. Gần hết trong số mười ba học trò ngồi bên cô đã lập gia đình. Cuộc sống tạm đủ.
Những ngày khốn khó đã qua. Mười lăm năm, các bạn trẻ ấy đi trên con đường dài với bao khúc quanh sóng gió. Họ vững vàng và bảo “Dù bọn em có đi đâu cũng không quên cô”. Còn cô giáo thì nói: “Cô thì có lúc quên các em. Mười lăm năm qua và trước đấy nữa, cô cũng phải chống chọi với bao nhiêu áp lực. Điều này cô chưa nói với các em phải không”.
Học trò khóc òa: “Lúc nào cũng thấy cô tươi tắn làm sao bọn em biết được”. Ừ, cô không nói vì cô cần phải cười, mạnh mẽ, tự tin để truyền lửa cho các em. Nếu lúc đó cô cũng như các em mệt nhoài sau một ngày lao động thì làm sao có được những chàng trai cô gái xinh tươi như mùa xuân đang ngồi bên cô đây!
(*): Bài đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Tùy bút Mùa xuân với chủ đề Xuân hạnh phúc do Tuổi Trẻ Online tổ chức dịp Tết Canh Dần
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận