22/02/2016 14:59 GMT+7

Học sinh tự soạn tài liệu luyện thi

MỸ DUNG (mydung@tuoitre.com.vn)
MỸ DUNG (mydung@tuoitre.com.vn)

TT - “Đọc sách giáo khoa khó hiểu quá nên em tự soạn lại mấy môn học theo ý mình để luyện thi cho dễ”.

 

Nguyễn Hoàng Gia Khánh với tài liệu tự soạn để học - Ảnh: M.Dung
Nguyễn Hoàng Gia Khánh với tài liệu tự soạn để học - Ảnh: M.Dung

Đó là lý do mà Nguyễn Hoàng Gia Khánh, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM), soạn một bộ tài liệu luyện thi THPT quốc gia 2015 gồm ba môn toán, hóa, sinh dày 376 trang A4.

Trong sáu môn thi ở kỳ thi THPT quốc gia 2015 của Gia Khánh, môn thấp nhất cũng đạt 8 điểm. Khánh tự nhận mình không phải là người thông minh nhưng cẩn thận, chăm chỉ và chịu khó đọc.

“Hiểu thế nào thì soạn thế ấy!”

Nếu so sánh cách viết giữa sách giáo khoa (SGK) và cuốn tài liệu luyện thi THPT quốc gia 2015 do Khánh tự soạn, sự khác biệt rõ nét nhất thể hiện ở môn toán. Ba cuốn SGK môn toán lớp 10, lớp 11 và lớp 12 đã được Khánh hệ thống lại thành 9 chương (từ khảo sát - vẽ đồ thị hàm số đến nguyên hàm) dưới dạng các bài toán, công thức và ví dụ cụ thể, không có lý thuyết.

“Em hiểu thế nào thì soạn thế ấy cho dễ học. SGK viết theo hướng tổng hợp, em viết lại theo hướng chi tiết hóa chúng thành các dạng bài tập” - Khánh giải thích. Có lẽ vì thế, chương 1 về khảo sát hàm số, vẽ đồ thị (môn toán) trong cuốn tài liệu của Khánh được tổng kết lại trong chưa đầy 2 trang giấy A4, với 3 dạng hàm số (bậc 3, trùng phương và phân thức hữu tỉ).

Gia Khánh bắt đầu nghĩ đến chuyện soạn tài liệu ôn tập cho dễ học từ kỳ thi học sinh giỏi môn hóa năm lớp 8: “Lúc đó em thấy kiến thức nhiều quá. Nếu mình không viết ra để tự ôn tập, bắt tư duy lục lại kiến thức cũ, thì khi mình vội vàng sẽ dễ nhầm lẫn kiến thức, lúc đó rối lại càng rối”.

Như tìm thấy phương pháp học tập hợp lý, bước vào bậc THPT, Khánh vẫn tiếp tục theo đuổi cách tự hệ thống hóa kiến thức đó. Sau mỗi chương học của SGK (toán, hóa), Khánh đều viết lại để ôn tập. Khánh còn được củng cố niềm tin về phương pháp học tập của mình khi cô giáo dạy toán nhận xét về Khánh: “Gia Khánh kỹ tính, cẩn thận và chăm chỉ nên nắm vững kiến thức, có kỹ năng làm bài rất tốt”.

Cứ thế, sau mỗi chương học từ lớp 10 đến lớp 12, Khánh đều tổng kết lại kiến thức bằng các trang viết để “học và hiểu” theo ý mình. Nhưng Khánh không rập khuôn các môn học như nhau mà nghiên cứu kỹ đề thi ĐH, hình thức thi (trắc nghiệm, tự luận) để có cách học từng môn phù hợp.

Với những môn thi trắc nghiệm, ngoài việc tự soạn lại phần lý thuyết theo cách diễn đạt của mình, Khánh còn tổng hợp, phân chia rõ ràng các dạng lý thuyết để có sự xuyên suốt giữa các phần đã học.

Ba năm học THPT của Gia Khánh trôi qua với hàng trăm trang giấy ôn tập như thế. Cuối năm 2014 (còn hơn năm tháng nữa là thi THPT quốc gia), Khánh đã có trong tay ba cuốn tài liệu ôn tập toán, hóa, sinh đầy đủ. “Sau khi thi THPT quốc gia xong em mới gộp ba cuốn tài liệu thành một bộ như vậy để kỷ niệm, chứ trước đây em để riêng từng môn” - Khánh cho biết.

Thử sai qua tổng hợp và chia sẻ

Cầm trên tay cuốn tài liệu dày 376 trang giấy A4 do Khánh viết, chúng tôi phần nào hiểu được kết quả đáng ngưỡng mộ của em trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Khánh viết tài liệu sạch sẽ, rõ ràng, trình bày khoa học nên rất dễ hiểu.

Dù những kiến thức trong bộ tài liệu cá nhân thi THPT quốc gia đều là ghi nhận của chính bản thân Khánh từ SGK, từ các bài giảng của thầy cô giáo trên lớp, những bài tập hay mà Khánh sưu tầm đây đó... nhưng Khánh thừa nhận để có được bản hoàn chỉnh Khánh đã điều chỉnh rất nhiều. “Không ít bản chỉnh sửa nhiều quá, xấu xí quá nên em bỏ bản đó đi, viết lại bản mới” - Khánh nói.

Khánh cho biết ngay từ lớp 10, những gì em tổng kết lại theo từng chương em đều chia sẻ với các bạn cùng lớp để cùng học tập.

“Em không giấu giếm cách học của em với các bạn đâu. Em đưa tài liệu cho nhiều bạn đọc lắm. Không ít bạn sau khi đọc đã góp ý chỗ này em viết lộn, chỗ này nghe giảng nhầm, chỗ này em viết sai. Em nhìn lại thấy vậy nên sửa. Nhờ vậy càng nhớ lâu, nhớ kỹ bài học” - Khánh cho biết.

Khánh có một người bạn thân, cả hai thường xuyên học cùng nhau theo kiểu nhắc nhau và thử sai. Gia Khánh học với bạn ấy nhưng luôn xác định là phải phản biện lẫn nhau, góp ý thẳng thắn tài liệu còn thiếu cái gì cần bổ sung, môn nào đang yếu cần phải đẩy mạnh... “Đó có lẽ là lý do mà ngay cả môn em thấy mình không tự tin lắm là môn văn, trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 em cũng đạt được 8 điểm” - Khánh nói.

Em Nguyễn Gia Cát Phượng, học sinh lớp 12 chuyên Anh (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân), cho biết: “Em cảm thấy mình khá may mắn khi được chia sẻ cuốn tài liệu này của anh Khánh. Ở đó không chỉ có tất cả kiến thức của thầy cô dạy, mà còn chắt lọc nhiều thông tin hay từ kinh nghiệm học tập của tác giả. Cuốn tài liệu được tổng hợp rõ ràng, dễ hiểu và theo hệ thống nên đọc nó người đọc rất dễ lĩnh hội các kiến thức cần học”.

Học không phân biệt môn chính, môn phụ

Có thành tích đáng nể trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 ở cả sáu môn thi: toán 9, văn 8, hóa 10, sinh 9,5, lý 8,5 và tiếng Anh 8,75, Nguyễn Hoàng Gia Khánh cho biết dù chỉ soạn ôn tập chỉn chu ba môn toán, hóa, sinh nhưng Khánh không phân biệt môn chính, môn phụ trong học để thi THPT quốc gia. Đối với các môn thi để xét tuyển ĐH, Khánh dành nhiều thời gian hơn nhưng vẫn đảm bảo việc nắm vững kiến thức các môn không xét tuyển ĐH, chỉ tốt nghiệp THPT.

“Nhiều bạn cho rằng chỉ cần học ba môn thi để xét tuyển ĐH nên thường chủ quan không học hoặc lơ là các buổi giảng bài những môn không thi. Em thì rất chăm chú nghe giảng các môn này, vì em muốn nắm kiến thức trên lớp luôn để tiết kiệm thời gian ôn tập môn khác” - Khánh cho biết.

Đó là một phương pháp học rất tốt

“Từng chủ nhiệm lớp 12 chuyên hóa năm học 2014-2015, lớp có Nguyễn Hoàng Gia Khánh, tôi thấy Khánh có phương pháp học rất tốt. Sau mỗi chương học trong SGK, em đều ghi lại các thông tin cơ bản của bài học để ôn. Đó là một cách tự học đáng khen và đáng học tập. Một số học sinh sau khi nghe thầy cô giảng bài, nhớ được bao nhiêu thì nhớ, riêng Khánh đã chọn cách viết ra, hệ thống lại những điều đã học. Tôi cũng đã có mấy lần đọc những tờ giấy Khánh viết và chia sẻ với bạn bè trên lớp. Bản thân tôi thấy hay nên có khuyên một số học sinh trong lớp của tôi nên đọc thêm về những tài liệu mà Khánh đã viết”.

Thầy Nguyễn Tấn Thiện (giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân)

MỸ DUNG (mydung@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên