28/01/2010 04:12 GMT+7

Học ở bến Nhà Rồng

ĐẶNG TƯƠI
ĐẶNG TƯƠI

TT - Mùa này di tích bến Nhà Rồng (TP.HCM) mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách. Phần lớn trong số đó là các em học sinh.

ODhzg8Zz.jpgPhóng to

Mùa này, sau khi thi học kỳ các em được đi thăm bến Nhà Rồng - Ảnh: Đ.Tươi

Một buổi sáng, trong sân khuôn viên di tích, nhóm học sinh Trường tiểu học Đặng Văn Bất, Thủ Đức, TP.HCM ríu rít: “Bạn biết Bác Hồ có bao nhiêu tên không?”. “18 tên”- nhiều bạn nhao nhao. “Vì sao nơi đây được gọi là bến Nhà Rồng?”, lại một câu hỏi của bé khác. “Vì trên đầu của tòa nhà có tượng hai con rồng” - các bé tranh nhau trả lời. “Vậy mình đố bạn, ai ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng?”. “Bác Hồ chứ ai”...

Cứ thế các bé đố nhau rồi trả lời vanh vách những câu hỏi là thông tin mà cô thuyết minh Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa cung cấp trong một buổi sáng tháng 1 mới đây, khi các em tới tham quan bến Nhà Rồng.

Hôm đó, gương mặt các học sinh vừa ngạc nhiên vừa phấn chấn trước những hình ảnh, hiện vật trưng bày về cuộc đời Bác Hồ. Các em lớp 4, 5 còn giơ tay trả lời các câu hỏi của cô hướng dẫn. Cùng với 600 học sinh Trường Đặng Văn Bất, cùng ngày bến Nhà Rồng đón thêm trên 2.000 học sinh đến từ hai trường tiểu học khác trong thành phố.

Bà Nguyễn Thị Hoa Xinh, giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM, cho biết đây là mùa cao điểm đón khách của bảo tàng. Trung bình số khách đến Bảo tàng Hồ Chí Minh mỗi ngày chỉ khoảng 700 - 1.000 người, mùa này lượng khách có khi lên tới 3.000 người.

Trước tết là thời điểm vừa kết thúc học kỳ 1 nên các trường tổ chức cho học sinh tham quan ở các nơi, trong đó bến Nhà Rồng là một trong những điểm đến. Bảo tàng có thiết kế những nội dung riêng phù hợp với lứa tuổi các bé. Ví dụ cấp 1 có những bài nói theo dạng vừa học, vừa chơi. Hướng dẫn viên thuyết minh ngắn gọn hơn với các câu hỏi đơn giản, truyền đạt bằng những câu chuyện kể để học sinh dễ dàng ghi nhớ những cột mốc trong cuộc đời Bác Hồ.

Từng đoàn học sinh xếp hàng lần lượt tham quan các phòng. Nơi đây có năm phòng giới thiệu tiểu sử, cuộc đời Bác Hồ bằng hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Hai phòng khác là tình cảm Bác Hồ với miền Nam và tình cảm nhân dân miền Nam với Bác Hồ. Học sinh đặc biệt thích thú hai phòng trưng bày các bộ sưu tập, gồm 25 tranh chân dung Bác Hồ làm bằng hạt chuỗi, hạt cườm của nữ họa sĩ Bùi Thị Thủy (An Giang) và 30 tranh chân dung Bác làm bằng cúc áo, vật liệu may mặc của họa sĩ Đỗ Đình Cường - giảng viên Trường CĐ Công nghệ dệt may thời trang TP.HCM.

Bà Hoa Xinh cũng cho biết từ nay đến Ngày thành lập Đảng 3-2 sẽ có phòng thời sự phục vụ chuyên đề “Hồ Chí Minh - Người là niềm tin tất thắng”, vai trò và mối quan hệ của Bác Hồ với Đảng Cộng sản VN. Các hình ảnh, hiện vật, tư liệu trưng bày giai đoạn từ khi thành lập Đảng đến Đại hội Đảng lần 10.

ĐẶNG TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên