27/12/2005 06:12 GMT+7

Học ngoài giảng đường

ĐẶNG TƯƠI - KIM ANH
ĐẶNG TƯƠI - KIM ANH

TT - Đang ngồi trên ghế giảng đường, nhưng để tìm kiếm cho mình những cơ hội tham gia vào các dự án lớn, nhiều SV đã nhanh chóng tiếp cận thực tế với lượng kiến thức nhận được mà họ cho là vô giá ngoài giảng đường.

XOZpBYTi.jpgPhóng to

Nhóm Trane Designer Club (từ trái sang): Vũ Việt Hùng, Phan Đức Cường, Đỗ Minh Hùng, Nguyễn Duy Minh, Phạm Thanh Quang, Lê Tuấn Anh, Đặng Anh Thi và Hoàng Công Minh trước một công trình của họ tại trung tâm TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

TT - Đang ngồi trên ghế giảng đường, nhưng để tìm kiếm cho mình những cơ hội tham gia vào các dự án lớn, nhiều SV đã nhanh chóng tiếp cận thực tế với lượng kiến thức nhận được mà họ cho là vô giá ngoài giảng đường.

Ra công trường

Cứ mỗi sáng, sau khi uống cà phê với nhau, Đỗ Minh Hùng, Nguyễn Duy Minh sang quận 7 (TP.HCM) thực hiện công trình tòa nhà bảo hiểm Manulife; Trần Hữu Hùng với công trình Artex (gần Nhà hát thành phố); còn Lê Tuấn Anh “một mình một ngựa” tham gia dự án cao ốc văn phòng 12 tầng, số 9 Đinh Tiên Hoàng, Q.1.

Tất cả các bạn đều đang là SV bộ môn công nghệ nhiệt lạnh, khoa cơ khí ĐH Bách khoa TP.HCM. Việc của những kỹ sư tương lai này là “tác chiến” với những bản vẽ kiến trúc, “dựng” tòa nhà, bố trí hệ thống đường ống, nhiệt lạnh, cơ sở hạ tầng... dưới sự giám sát của kỹ sư công trình Công ty Rosaco và giảng viên ĐH Bách khoa hướng dẫn.

“Khoác áo SV ra công trường” là điều không phải bất kỳ SV nào cũng có được. Các bạn Tuấn Anh, Minh Hùng, Hữu Hùng, Duy Minh tự “săn” công trình cho mình ngay khi đang là SV năm 3, khi cùng trao đổi, tranh luận với TS Lê Hùng Tiến - giảng viên trẻ khoa cơ khí ĐH Bách khoa - về những vấn đề chuyên môn.

Để được một vị trí trong các dự án lớn, các SV này chứng tỏ năng lực của mình thông qua việc học lý thuyết trên lớp, khả năng nắm bắt công nghệ mới và TS Tiến làm cầu nối cho họ gặp Rosaco.

“Từ lý thuyết đến thực tế là một khoảng cách dài” - Nguyễn Duy Minh tâm sự. Lê Tuấn Anh đưa ra một ví dụ đơn giản: trong trường các bạn học vẽ bản vẽ 3D nhưng khi vào thực tế công trình lại vẽ bằng 2D. Hay Đỗ Minh Hùng cho biết các bạn học được cách áp dụng phần mềm Building systems, trong giải pháp Trane Autodesk một cách nhuần nhuyễn trong thực tế.

Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt - phụ trách đào tạo Công ty phần mềm Paragon Solutions Vietnam (PSV) - cho biết: “Ba năm nay, PSV đã mạnh dạn đưa SV vào thực tập trong các dự án lớn của công ty và xem đây là một cách để đào tạo.

Nhờ tham gia dự án thật của khách hàng, SV đã “lớn lên” rất nhiều. Tất nhiên SV phải qua một qui trình tuyển chọn gắt gao, đáp ứng các điều kiện về trình độ kỹ thuật, tinh thần cộng tác như một nhân viên thật sự”.

Bà Bùi Trân Thúy, phó trưởng khoa quản trị Trường CĐ Hoa Sen, cho biết: “Có thể thành công hoặc không thành công nhưng nhiều dự án của SV đã được duy trì từ năm trước cho SV năm sau. Các SV được trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm, cách làm dự án, cách gây quĩ tổ chức... Dự án nào cũng có giáo viên hỗ trợ và bảo vệ trước hội đồng thì SV mới có điểm của môn học đó”.

Lê Tấn Minh Triết tốt nghiệp ĐH Quốc tế RMIT VN, được tuyển dụng ngay vào PSV. Trước đó, Triết có sáu tháng tham gia dự án của PSV với tư cách là một SV thực tập: một hệ thống chuyên về chăm sóc sức khỏe cho một tập đoàn bệnh viện lớn của Mỹ.

Minh Triết cũng từng có kinh nghiệm khi cùng nhóm năm bạn trẻ thiết kế qui trình quản lý cho một phòng nha tư nhân và đã được đưa vào thương mại hóa. Họ đã đúc kết kinh nghiệm từ quá trình thực tập và vận dụng trong dự án này. “Tôi đã học được rất nhiều từ quá trình thực tập. Được tham gia dự án có thật, người SV nhận lãnh một tinh thần trách nhiệm cao. Tôi đã gặt hái và tiếp thu được một qui trình chuyên nghiệp, những công nghệ mới và đặc biệt phương pháp làm việc nhóm. Đó là những yếu tố rất quan trọng trong lĩnh vực phần mềm” - Triết nói.

Qui trình làm việc mà Triết nói chính là lên kế hoạch làm việc, lấy yêu cầu từ khách hàng, phân tích hệ thống và cả quản lý chất lượng hệ thống...

Rút ngắn khoảng cách lý thuyết - thực tế

Võ Thị Thu Hằng và Nguyễn Hữu Khoa, cùng là SV khoa quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, sau khi thực hiện dự án “Nghiên cứu tổng quan về thị trường thẻ thanh toán ATM địa bàn TP” đứng nhất trong tám dự án của Ngân hàng Đông Á tổ chức cho SV tham gia, đã được giữ lại làm cộng tác viên làm việc như các nhân viên khác và lĩnh lương “đủ chi tiêu và chi phí làm luận văn” - Hằng cười bí mật khi không cho biết mức lương. “Làm dự án tụi mình được học kiến thức, kỹ năng tiếp xúc khách hàng và được... tiền bồi dưỡng xứng đáng” - Khoa cho biết.

Cũng vậy, nhóm SV bộ môn cơ nhiệt lạnh, khoa cơ khí ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết dù nhóm rất đông nhưng họ luôn đi đến thống nhất nhờ biết cách giải quyết mâu thuẫn, cho dù có lúc tranh cãi “bất phân thắng bại” về một vấn đề chuyên môn nào đó.

“Tham gia dự án là quá trình làm mà học trực quan sinh động nhất. Nó rút ngắn sự khác biệt giữa kiến thức trong nhà trường với công việc cụ thể” - Phan Anh Kiệt nói. Nhưng trăn trở của các bạn chính là một “cơ chế” trong đào tạo để tất cả SV đều có thể tham gia dự án thật.

Duy Minh nhận xét: “Chúng tôi được làm công trình là do nỗ lực cá nhân của TS Lê Hùng Tiến. Còn những SV khác không có may mắn thì khi ra trường họ phải mất thêm thời gian dài để “đào tạo lại” cho hợp giữa lý thuyết với thực tế”.

Đôi bạn Huỳnh Duy Sang và Nguyễn Trung Hiếu - SV năm 4 khoa ngân hàng ĐH Kinh tế TP.HCM, tham gia dự án “Thiết kế sản phẩm cho vay mua nhà trả góp” của Ngân hàng Đông Á - dù cùng nằm trong ban điều hành của CLB Chứng khoán “nổi đình nổi đám” nhưng “chúng tôi mới chỉ làm những dự án để dự các cuộc thi và đây là lần đầu được làm dự án thực tế, qua đó thấy mình áp dụng được nhiều bài học vào thực tế hơn”.

ĐẶNG TƯƠI - KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên