Phóng to |
Mai Ngọc Huyền làm hướng dẫn viên cho khách du lịch tại Huế, xuân 2012 |
Ngày Tết rong ruổi cùng... người lạ
Anh Đỗ Văn Lễ - giám đốc công ty lữ hành chuyên tổ chức tour cho khách đặt qua mạng waytovietnam.com - bật mí: “Bắt đầu từ tháng 12 dương lịch là hầu hết các công ty du lịch, lữ hành đều tất bật chuẩn bị làm tour Tết. Trong đó, việc tuyển chọn những hướng dẫn viên là SV ngành du lịch đi dẫn tour là điều được các công ty du lịch, lữ hành đặc biệt quan tâm. Bởi ưu điểm của lực lượng SV là ngoài sự nhanh nhẹn, năng động, mức lương đề xuất không cao, thì điều khiến các bạn “hút” nhất chính là việc chấp nhận đi tour xuyên Tết”. Chính vì thế mà trong thời điểm cận Tết, mặc dù tất bật với thi học kỳ, các SV vẫn tranh thủ chạy tìm “mối” để thực hiện tour Tết.
Lê Kim Khánh (SV năm thứ 2 khoa du lịch Trường ĐH Văn Lang TP.HCM) cho biết: “Tết này mình sẽ xin đi làm hướng dẫn viên du lịch cho Công ty du lịch Thanh Niên nên không về quê ăn Tết với gia đình. Nhà mình ở tận Quảng Bình, tiền tàu xe đi lại rất tốn kém...”. Được biết, gia đình Khánh hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ mất sớm, ba và hai anh làm nông. Từ khi vào TP.HCM học, toàn bộ mọi khoản chi tiêu Khánh đều tự xoay xở bằng việc đi làm thêm. Tết con rắn năm nay, Khánh sẽ đi tour miền Tây từ 26 đến mùng 1 Tết, xuất phát ở TP.HCM rồi kết thúc ở Phú Quốc. Mùng 2 Tết, Khánh lại bắt đầu tour mới, trực tiếp đón và hướng dẫn khách tại Huế. Theo Khánh, đi tour Tết tuy vất vả nhưng thu nhập khá cao. Thường mỗi tour du lịch kéo dài khoảng năm ngày đến một tuần. Dịp Tết, không chỉ có khách du lịch trong nước mà khách người nước ngoài cũng rất nhiều nên đòi hỏi hướng dẫn viên phải có vốn tiếng Anh giao tiếp vững vàng.
Lê Anh Khoa, SV năm 3 khoa du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM, quê ở Đồng Tháp, hào hứng: “Qua một người quen, Tết này mình may mắn kiếm được một “suất” đi tour Phong Nha - Kẻ Bàng cho Công ty du lịch Thuần Việt từ 29 đến mùng 5 Tết. Đây là đầu tiên mình được đón Tết ở miền Trung nên ngoài sự háo hức, mình cũng không tránh khỏi áp lực. Chính vì thế mình phải lên mạng tìm kiếm tư liệu, hình ảnh để bổ sung kiến thức về Tết miền Trung cũng như những điều thú vị của Phong Nha - Kẻ Bàng để cung cấp cho khách”. Khoa cho biết đi tour vào mấy ngày Tết có thể kiếm được vài triệu bởi ngoài tiền lương còn có tiền “boa” rất sộp của khách nước ngoài. Với số tiền này, sau mùng 5 Tết, Khoa sẽ về Đồng Tháp ăn Tết muộn với gia đình, phần còn lại sẽ dành dụm cho kỳ học mới sắp bắt đầu bởi gia đình Khoa cũng không khá giả gì.
Đặng Minh Trung (SV năm cuối Trường trung học nghiệp vụ Du lịch và khách sạn) năm nay là năm thứ 2 quyết định đón một cái Tết không gia đình. Trung cho biết: “Năm rồi, mình theo phụ việc cho ông anh họ học khoa du lịch Trường ĐH Hồng Bàng đi tour Hà Nội - Sa Pa cho Công ty du lịch Bến Thành. Mình không thể quên được cảm giác được nhìn thấy hoa đào Hà Nội ngày xuân cũng như không khí đón Tết độc đáo trong cái lạnh ở Sa Pa. Dù chỉ là phụ việc nhưng mình cũng được khách lì xì rất khá. Năm nay là năm cuối, mình rất muốn thử thách bản thân nên nhận đi tour ở Đà Lạt từ mùng 1 đến mùng 5 Tết. Mình nghĩ những chuyến đi như thế này sẽ giúp mình năng động hơn, sáng tạo hơn trong việc tổ chức, điều hành tour, hướng dẫn khách nhằm có kinh nghiệm thực tế khi ra trường dấn thân vào nghề”.
Đã quen thuộc với việc hướng dẫn khách trong dịp Tết nên Mai Ngọc Huyền (SV năm 4 khoa du lịch Trường ĐH Văn Hiến) đúc kết: “Hướng dẫn viên nữ yếu thế hơn hướng dẫn viên nam ở sự nhanh nhẹn, sức khỏe để ứng phó với những sự cố không may đột xuất. Nhưng lại được khách ưu ái hơn bởi sự nhẹ nhàng và tâm lý trong việc chăm lo ăn ở cho khách. Năm nay, mình nhận hai tour Tết ở Huế và Vũng Tàu từ 24 đến mùng 6 Tết. Nhà mình khó khăn, không chỉ làm thêm để có tiền mà công việc này giúp mình nâng cao “tay nghề”, tạo một động lực học tập rất cao. Đã có một công ty lữ hành mời mình về cộng tác khi ra trường”.
Vui buồn với “học kỳ xuân”
Xa nhà ngày Tết, với các SV đi tour có rất nhiều vui buồn. Bạn Đặng Minh Trung bật mí: “Sau tour Tết cộng với các tour bình thường, ông anh họ của mình đã sắm được xe máy, cả laptop nữa nên mình thấy mà ham lắm”. Nhưng buồn nhất là khoảnh khắc đón giao thừa trôi qua lặng lẽ vì không được quây quần bên mâm cơm với gia đình. Mai Ngọc Huyền vẫn còn nhớ như in đêm giao thừa lần đầu tiên phải ăn Tết ở Huế cùng với đoàn khách người Hàn Quốc. “Khi mọi người rộn ràng chờ đợi giây phút thiêng liêng tiễn năm cũ đón năm mới thì mình chỉ biết ngồi khóc vì nhớ nhà, nhất là khi điện thoại chúc Tết ba mẹ, ông bà, mình càng khóc to hơn khiến mấy đứa trẻ con của khách Hàn Quốc cứ nhìn mình như thể chọc quê...”.
Cùng tâm trạng, bạn Trần Ngọc Quang (SV Trường ĐH Văn Lang) chia sẻ: “Hôm gọi điện thoại về quê ở Cà Mau báo với ba mẹ là Tết năm nay đi tour không về ăn Tết được, mẹ mình không nói gì mà chỉ khóc thôi. Lúc ấy, nghĩ vừa thương mẹ, vừa thấy tủi thân nhưng nhà nghèo phải chấp nhận thôi. Khi đưa khách đi ngang những nhà dân, thấy loáng thoáng đâu đó những mâm ngũ quả, mùi nhang cúng thơm lừng, lòng mình có nhiều cảm xúc khó tả khi nhớ về cha mẹ ở quê cũng đang cúng như vậy và mong ngóng đứa con xa nhà về...”.
Có lẽ những ngày ăn Tết xa nhà của “học kỳ xuân” sẽ không bao giờ phai trong tâm trí của các sinh viên làm hướng dẫn viên tour Tết.
Áo Trắng số 4 ra ngày 01/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận