02/04/2010 06:38 GMT+7

Học chỉ để thi

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Điệp khúc tăng tiết, tăng giờ truy bài, khảo bài trước kỳ thi tốt nghiệp một lần nữa lặp lại. Có điều năm nay diễn biến của điệp khúc ấy có vẻ căng thẳng, nặng nề hơn khi số đông cán bộ quản lý, giáo viên lẫn học sinh đã “bói” không đúng môn thi tốt nghiệp. Hai môn lịch sử, địa lý xuất hiện trong danh sách sáu môn thi làm đảo lộn kế hoạch của không ít trường.

Thời lượng học các môn thi tốt nghiệp đồng loạt được các trường tăng lên. Thời khóa biểu, giờ giấc học tập của học sinh cũng thay đổi. Có trường tranh thủ cả giờ chào cờ để lồng ghép nội dung ôn thi. Thậm chí những trường không đủ phòng ốc phải tăng lên ba ca hay bố trí cho học sinh ôn luyện ở... sân trường ngay trong những ngày oi bức. Đặc biệt, những trường đã tạm gác hoặc giảm giờ học của môn địa lý nay lại phải quay cuồng “chạy” để giải quyết hết khối lượng chương trình.

Đã từng có những người đổ lỗi học sinh hiện nay chỉ chăm chăm theo học những môn thi có trong kỳ thi tốt nghiệp và sau đó là tuyển sinh đại học, cao đẳng mà quên chăm chút những môn học làm người. Cũng không ít người đánh giá học sinh ngày càng thực dụng chỉ chạy theo kết quả trước mắt. Nhưng liệu học sinh có còn chọn lựa nào khác? Họ học những môn học khác để làm gì khi mà đánh giá tốt nghiệp hay tuyển sinh chỉ dựa trên những môn mà họ sẽ thi?

Về phía các trường, áp lực thành tích đang đặt họ vào thế phải “nhồi” học sinh đến mức tối đa. Không ít trường còn đặt ra chỉ tiêu tỉ lệ học sinh tốt nghiệp ngay từ đầu năm học. Để đạt được tỉ lệ đó, trường không thể phó mặc cho sự tự giác của học sinh.

Ngoài ra, chính cách tổ chức thi cử như hiện nay đã cuốn cả guồng máy vào một cuộc chạy nước rút, vắt kiệt sức những người trong cuộc. Những người chịu trách nhiệm về thi của đất nước luôn khẳng định mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ Giáo dục - đào tạo ban hành. Thế nhưng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh chỉ cần thi một số môn mà bộ quy định mỗi năm. Chưa kể cách công bố môn thi như bấy lâu nay tạo một tiền lệ “phỏng đoán” rất tai hại trong giáo dục phổ thông.

Việc học sinh phải học lệch lạc, học chỉ nhắm đến phục vụ việc thi sao cho đạt điểm cao xem ra đã trở nên quá quen thuộc. Nhiều nơi, nhiều lúc người ta còn coi đó như một điều hiển nhiên. Hậu quả là sau mỗi kỳ thi, kiến thức các môn học trôi tuột khỏi tiềm thức của thí sinh. Để rồi họ lại tiếp tục nhồi nhét những nội dung khác chuẩn bị cho kỳ thi kế tiếp. Sự học của học sinh chỉ luẩn quẩn học để thi, thi xong lại tiếp tục học để thi kỳ thi khác.

Xem ra quan niệm học chỉ để thi cử, đỗ đạt ngày xưa mà chúng ta nhiều lần lên tiếng chỉ trích lại đang quay trở lại với nhịp sống giáo dục hiện nay. Và với cách tổ chức học hành, thi cử hiện thời, mục đích học để biết, học để hiểu, để có thể giao tiếp với người khác và để có thể tồn tại, phát triển xem ra đang ngày càng trở nên khó khả thi.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên