![]() |
Cụm tượng đài đội hùng binh Hoàng Sa ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn |
Quần thể khu di tích lịch sử này gồm: nhà trưng bày gắn với cụm tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa làm bằng chất liệu đá xanh Ninh Bình, tái hiện đội hùng binh Hoàng Sa đang trong tư thế lên đường thực thi cắm mốc chủ quyền lãnh hải trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cụm tượng đài gồm ba nhân vật đều cao 4,5m, nặng 40 tấn đứng trước biểu tượng hai cánh buồm, trong đó có vị cai đội trưởng một tay cầm giáo, một tay đặt trên cột mốc chủ quyền có dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”, bên cạnh là một dân chài vai mang lưới và một lính Hoàng Sa đồng hành cùng vị cai đội.
Sau lưng hai cánh buồm có chạm khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa tối thị hiểm yếu” ("Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”, Minh Mạng thứ 17 - năm Bính Thân, 1836). Viện Sử học dịch nghĩa là: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa được xem là đặc biệt quan trọng”.
![]() |
Lễ rước thuyền trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - một lễ hội tri ân công đức đội hùng binh Hoàng Sa của các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn |
![]() |
Bia chủ quyền của Việt Nam vào năm 1930 |
Nhà trưng bày bảo tàng hải đội Hoàng Sa rộng 374m2, có mái ngói âm dương, nền lát gạch bát tràng, trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh và nhiều hiện vật sinh hoạt… liên quan đến đội hùng bình Hoàng Sa. Quần thể di tích còn có khu mộ tập thể cai đội trưởng Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám…, miếu Hoàng Sa rộng 24m2.
Đình làng An Vĩnh được phục dựng trên diện tích 250m2 bao gồm đình hạ, đình trung và đình thượng. Toàn bộ ngôi đình có kết cấu khung chính bằng gỗ, cột gỗ đường kính rộng 350mm, mái lợp âm dương…
Cấu kiện gỗ có chạm khắc hoa văn tinh xảo, bên trong đình làng An Vĩnh ở giữa có hoành phi, liễn đối với dòng chữ: “Công đức dựng xây miền đảo lý. Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa” thể hiện tấm lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân từng giong buồm ra biển Đông thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
![]() |
Đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn - nơi diễn ra lễ tế tự trước lúc lên đường thực thi nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của đội hùng binh Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước |
![]() |
Du khách xúc động trước nẹp tre, thẻ bài và cuộn dây mây, những hiện vật thể hiện tinh thần bi tráng đội hùng binh Hoàng Sa “quên mình vì chủ quyền Tổ quốc” |
![]() |
Các nồi đất, nồi đồng - dụng cụ nấu ăn của đội hùng binh Hoàng Sa trên hành trình thực thi nhiệm vụ |
Sau khi quần thể di tích lịch sử đội hùng binh Hoàng Sa nghiệm thu, bàn giao đưa vào phục vụ khách tham quan, Sở tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các tộc họ trong và ngoài tỉnh cùng các nhà nghiên cứu trong nước, học giả nước ngoài tiếp tục đóng góp bổ sung, hiến tặng tư liệu, hiện vật quý liên quan đến đội Hoàng Sa Bắc Hải để tăng thêm tính phong phú cho quần thể di tích lịch sử này tại huyện đảo Lý Sơn.
Dự kiến vào đầu tháng 4 tới, sở sẽ tổ chức khánh thành quần thể di tích này đúng vào dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn.
![]() |
Bảo tàng hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) vừa hoàn thành ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn |
Từ “hạt nhân” lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn, hằng năm tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức lễ hội này gắn kết với nhiều trò chơi dân gian như đua thuyền, lễ thả hoa đăng, rước thuyền lễ, đi cà kheo… để lễ hội trở thành ngày hội biển đảo đặc trưng của Việt Nam, thu hút du khách đến với cái nôi của quê hương đội hùng binh Hoàng Sa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận