18/09/2007 14:18 GMT+7

Hoài niệm về nét cổ phố phường Hà Nội

Theo THÀNH TRUNGDoanh nhân Sài Gòn cuối tuần(Ảnh: Hữu Bảo - Thành Trung)
Theo THÀNH TRUNGDoanh nhân Sài Gòn cuối tuần(Ảnh: Hữu Bảo - Thành Trung)

Thăng Long - Hà Nội sắp kỷ niệm 1.000 năm lịch sử. Hiếm có đô thị nào trên đất Việt Nam lại có một bề dày lịch sử, một mạch ngầm văn hóa được chắt lọc, lắng đọng để tạo nên nếp sống, lối ứng xử nổi tiếng tinh tế, thanh lịch, như Thăng Long - Đông Kinh - Kẻ Chợ.

Xứ kinh kỳ, dù đã bao lần trải qua nạn can qua, phải chứng kiến những thăng trầm bể dâu, nhưng khí thiêng đất trời, hồn sông núi tích tụ lại ở đất “rồng bay lên” đã tạo nên một di sản quý của dân tộc. Tiếc thay, do nhiều nguyên nhân, trung tâm Hà Nội nay, với điểm nhấn là khu phố cổ, nơi xa xưa từng được các chúa Trịnh dựng vương phủ và là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa phát triển rực rỡ suốt hơn hai thế kỷ thời Lê Trịnh đã bị mất đi hầu hết kiến trúc cổ kính độc đáo.

NZURo3Gu.jpgPhóng to GOhakke0.jpg

Phố Hàng Đường (chụp năm 1995) và góc Hàng Đường - Hàng Buồm năm 2007

Hai trăm năm thịnh trị

Viết về lịch sử của Thăng Long - Đông Kinh đã có đến hàng ngàn bài báo và các công trình nghiên cứu của chuyên gia trong, ngoài nước cũng không đếm xuể. Trong khuôn khổ một bài báo, chỉ xin nói về thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, vàng son nhất của mảnh đất này trong thế kỷ XVII-XVIII dưới thời các chúa Trịnh và đôi nét về phố cổ Hà Nội ngày nay.

Họ Trịnh có những đóng góp to lớn cho đất nước, đặc biệt là xây dựng nên một Thăng Long - Kẻ Chợ phồn hoa thịnh trị sánh ngang với những đô thị lớn ở phương Đông. Kinh thành này cũng khiến các lái buôn, giáo sĩ từ phương Tây phải nể phục.

Lý do chính khiến họ Trịnh đạt được những thành tựu này, trước hết là nhờ các chúa Trịnh có tài quản lý đất nước, nhìn xa trông rộng, tư tưởng cởi mở và đề ra các chính sách mở mang kinh tế, đặc biệt là kinh tế phường hội và cho phép dân tự do giao thương, buôn bán với thương gia nước ngoài.

Đặc biệt, suốt hai trăm năm này, dưới sự lãnh đạo của nhà Trịnh, đất nước hoàn toàn thái bình thịnh trị, không có chiến tranh. Công lớn của các chúa Trịnh là giữ vững được nền độc lập và lãnh thổ quốc gia bằng con đường ngoại giao. Về mặt kinh tế, sự hình thành và phát triển rực rỡ của kinh đô Thăng Long nổi tiếng “thứ nhất kinh kỳ” đã khiến nhiều tác giả phải ghi lại trong sử sách.

Giáo sĩ Marini, người Ý, sau khi thăm Thăng Long vào năm 1666, khi về nước đã viết cuốn Du ký để ca ngợi kinh đô này: “Cả một thành phố rất đẹp và rộng… tất cả đều làm người ta ngạc nhiên”. Nhà sử học Nguyễn Thừa Hỷ cũng viết trong cuốn sách Thăng Long, xuất bản năm 1993: “Từ thế kỷ XVII, Thăng Long phát triển với tốc độ nhanh… Một trong những thành thị lớn của vùng Đông Nam Á và phương Đông nói chung… Phát triển kinh tế hàng hóa của Đàng Ngoài là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hưng khởi của Thăng Long”.

Trong thế kỷ XVII, chúa Trịnh chủ trương phát triển mạnh mạng lưới chợ - phố ở vùng đồng bằng sông Hồng và biến Thăng Long - Kẻ Chợ thành một trung tâm hội tụ buôn bán sầm uất. Chợ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, và tên gọi Kẻ Chợ - một danh xưng dân dã của Thăng Long đã ra đời trong thời kỳ này, phản ánh việc nhân dân coi kinh thành hoa lệ là trung tâm kinh tế hàng hóa, kinh doanh của cả nước. Người phương Tây gọi Kẻ Chợ là Kecho hoặc Kechao.

Nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo cho rằng đặc trưng của Kẻ Chợ là sự hình thành kinh tế làng nghề (thủ công) và kinh tế hàng hóa: “Thời đó, nông dân các nơi, gặp lúc nông nhàn, lên Thăng Long mang theo nghề thủ công để phục vụ kinh thành và họ đã góp phần tạo nên chợ Đông Thành (phía Đông kinh thành), tức là khu vực quận Hoàn Kiếm ngày nay”.

Từ đó, trong khu chợ rộng lớn này, những người thợ cùng làng nghề dần tập trung lại và hình thành nên các khu vực bán hàng hóa riêng biệt. Sau này, đây chính là khu ba mươi sáu phố phường (nghề) và tên phố được đặt theo tên hàng hóa: phố Thợ Nhuộm chuyên nghề nhuộm, phố Hàng Gai chuyên bán gai, mua bông thì đến phố Hàng Bông, nếu Hàng Đào bán lụa tơ tằm cho nhà giàu thì Hàng Vải lại bán vải thâm cho người nghèo. Phố Bát Sứ bán bát cho nhà giàu, còn Bát Đàn (tức là bát đất) dành cho dân nghèo…

m0I1dDbW.jpgPhóng to PppRl3N4.jpg
Phố Lương Ngọc Quyến với đủ thứ kiến trúc Pháp, Việt (chụp năm 1990) và góc phố Lương Ngọc Quyến-Tạ Hiện (năm 2007)

Theo nhà sử học Trịnh Quang Vũ, sông Hồng hồi đó nằm sát khu Hoàn Kiếm và phố Hàng Buồm, Chợ Gạo hiện nay chính là bến sông, luôn tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền, nhộn nhịp buôn bán, vận chuyển hàng hóa. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, từ kinh tế hàng hóa, do buôn bán ngày càng mở rộng giữa người Việt với thương gia nước ngoài, Thăng Long đã chuyển sang một bước phát triển mới: ngoại thương. Và vùng đất này, vì thế, đã trở thành đầu mối giao thương của cả nước và tỏa đi Vân Nam, Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Triều đại Lê-Trịnh cũng là triều đại đầu tiên trong lịch sử nước ta mở rộng làm ăn với phương Tây, cho phép cả thương nhân Hà Lan mở thương điếm ở Thăng Long năm 1645, thương nhân Anh mở năm 1686. Vì lý do an ninh, chúa Trịnh không cho các tàu biển nước ngoài vào Thăng Long, mà phải dỡ hàng ở khúc sông phía dưới, là thị xã Hưng Yên ngày nay. Chúa lập quan hiến sát sứ tại đây và cắt cử trông nom việc giao nhận hàng. Vì vậy, hình thành một khu phố kinh doanh sầm uất, hàng hóa tấp nập vào ra, dân gọi là phố Hiến. Về mức độ phát triển, phố Hiến chỉ sau Thăng Long: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.

Xin cố lưu giữ bóng hình xưa

Bên cạnh các yếu tố kinh tế, văn hóa, lịch sử, Thăng Long còn in đậm dấu ấn kiến trúc Việt cổ và trải qua bao thời đại, kiến trúc ấy không còn thuần Việt nữa, mà bị lai tạp kiến trúc Pháp (thời Pháp thuộc) và Trung Hoa. Nhưng dù sao, hơi thở của cuộc sống, tính “động” do con người mang lại trong một không gian kiến trúc có tính nhân văn mới chính là hồn cốt của một khu phố, một đô thị.

Như đã nói, suốt hơn hai thế kỷ vàng son của Đông Kinh - Thăng Long thời nhà Trịnh, kiến trúc Việt ở kinh đô là mạch nguồn dân tộc được tiếp nối, bồi đắp mà không hề đứt gãy. To đẹp nhất, nguy nga tráng lệ nhất và cũng “Việt” nhất phải kể đến quần thể Vương phủ chúa Trịnh, được khởi dựng bởi chúa Trịnh Tùng vào năm 1595. Các đời chúa sau đã liên tục mở rộng, tu sửa Vương phủ.

Dù không biết chính xác diện tích, nhưng theo nhà sử học Trịnh Quang Vũ, Vương phủ trải dài từ khu vực phố Cửa Nam, Hàng Bông ngày nay qua phố Phủ Doãn, Quang Trung, ra tận hồ Hale và xuyên xuống phố Bà Triệu, chia ra ba cửa chính: chính Nam (phố Bà Triệu), Tuyên Vũ Môn (có Ngũ Long Lầu, cao 70m, là Bưư điện Hà Nội nay) và Diệu Đức (thông ra Cửa Nam). Tổng số có 52 cung, phủ, điện, đài, vườn ngự uyển, hồ, trại lính…

Bánh xe thời gian vẫn mải miết lăn, bất chấp mọi biến đổi. Khu ba mươi sáu phố phường giờ đã hoàn toàn không còn chút dấu vết gì của thời Pháp thuộc, nói gì đến thời chúa Trịnh. Đời sống thành thị ngày càng gấp gáp và những nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh của cư dân phố cổ cùng với sự gia tăng dân số đã tạo thành cơn xoáy lốc cuốn đi mọi nỗ lực bảo tồn và tái tạo khu phố này.

ea35Qp0A.jpgPhóng to FmZH8pWr.jpg

Nhà số 47 phố Hàng Bạc, kiến trúc cổ của Hà Nội xưa chụp năm 2000 và năm 2007

Hàng Bạc vẫn lộng lẫy, rực rỡ về đêm với vô số cửa tiệm bán vàng bạc. Hàng Buồm bây giờ không bán buồm nữa, mà là thế giới của bánh, kẹo, sữa, Hàng Ngang, Hàng Đào chủ yếu kinh doanh quần áo. Hàng Bông, Hàng Gai chuyên lụa tơ tằm, túi xách, đồ thủ công mỹ nghệ, gallery phục vụ khách Tây. Thỉnh thoảng, nhớ phố cổ, muốn đi dạo cũng khó vì xe cộ nườm nượp suốt đêm ngày, vỉa hè đầy xe, người đông đất chật…

Theo ghi nhận của người viết, ngoại trừ các căn nhà số 47, 65, 85 và 135 Hàng Bạc đã được phục dựng khá tốt, còn lại toàn bộ phố này là một mớ kiến trúc đủ kiểu: nhà ống nhưng cửa sắt kéo, khung nhôm kính, mái tôn, cửa kính, cao ba, bốn hay năm tầng là tùy… hỷ!

Các nhà 25 và 69 Mã Mây cũng được bảo tồn. Trên phố Hàng Buồm, ngoài đền Bạch Mã vẫn còn giữ được, chỉ còn một số căn nhà tạm gọi là cổ, như nhà số 124. Đáng nói là chủ nhân các căn nhà trên đều tự nguyện bảo tồn nhà của họ với nhiều mục đích khác nhau: do nhu cầu, sở thích hay để kinh doanh.

Nếu chiếu theo những quy định về tiêu chuẩn nhà phố cổ của Hà Nội thì một căn nhà không được cao quá ba tầng đối với tuyến một (nhà ống ở phố trung tâm), mặt tiền rộng tối thiểu 5m... Dường như chưa có cơ quan nào kiểm tra việc bảo tồn của dân, nhưng qua những gì thấy được ở khu phố cổ thì đó cũng là điều đáng mừng, cho thấy nhiều Hà Nội hôm nay đã nhận thức được những giá trị truyền thống của dân tộc và cố gắng bảo vệ chúng.

Ông Hữu Bảo cho rằng, trong khi chưa tìm ra giải pháp bảo tồn hữu hiệu và lâu dài, nhà nước nên khuyến khích người dân “tự cứu nhà cổ” bằng cách giảm hay miễn thuế kinh doanh trong một thời gian đối với những hộ kinh doanh...

Theo THÀNH TRUNGDoanh nhân Sài Gòn cuối tuần(Ảnh: Hữu Bảo - Thành Trung)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên