16/07/2005 17:12 GMT+7

Hoài Hương: Kẻ quay về nguồn cội

HOÀI TRANG thực hiện
HOÀI TRANG thực hiện

TTCN - Từ lâu rồi, nhiều người đã biết họa sĩ Hoài Hương không chỉ đơn thuần là một... họa sĩ, nhưng có lẽ không có nhiều người hình dung được một họa sĩ đắm say với nghề như anh lại hết sức thành công ở một lĩnh vực đang “thời thượng” và “hái ra tiền” (như cách gọi của nhiều người): thiết kế kiến trúc.

jQfqcLcg.jpgPhóng to
TTCN - Từ lâu rồi, nhiều người đã biết họa sĩ Hoài Hương không chỉ đơn thuần là một... họa sĩ, nhưng có lẽ không có nhiều người hình dung được một họa sĩ đắm say với nghề như anh lại hết sức thành công ở một lĩnh vực đang “thời thượng” và “hái ra tiền” (như cách gọi của nhiều người): thiết kế kiến trúc.

Mà không chỉ sáng tác, Hoài Hương ở trong số không nhiều lắm những nhà thiết kế đã chịu bao tiêu cho khách hàng kiểu “chìa khóa trao tay”, hoàn thiện công trình từ A đến Z. Ban ngày, Hoài Hương chạy qua hết công trình này đến công trình khác, nhưng đêm về, những đêm trong veo, yên tĩnh, một mình trong gian phòng đầy những tranh, anh nhập đồng, đắm mình trong ký ức. Và trong cái khoảng lặng lẽ riêng mình ấy, những mảng màu sắc cứ ùa ra trên tấm toan trắng...

Triển lãm sắp đặt của anh tại cao ốc Metropolitan (TP.HCM) năm 1999, những bức tranh được khách mua hết veo. Nhiều tác phẩm khác của Hoài Hương hiện có mặt ở các bảo tàng nghệ thuật và nhiều bộ sưu tập trong ngoài nước. Tranh của anh bây giờ vẫn “ăn khách”, vẫn làm mê đắm nhiều nhà sưu tập.

Hoài Hương: Người ta thường hỏi tôi có mạo hiểm không khi bước từ hội họa sang kiến trúc, nhưng thật ra tôi thấy mình có duyên với nghề thiết kế và được rất nhiều với nó đấy chứ. Một bên là không gian kiến trúc, một bên là nghệ thuật tạo hình, hai mảng ấy như âm - dương quyện vào nhau, bổ sung hỗ trợ nhau.

Những mảng đời sống xã hội được cập nhật hằng ngày nhờ nghề thiết kế kiến trúc không làm tranh nhạt đi và những logic, cấu trúc hội họa được áp dụng trong những bản thiết kế gắn chặt với đời sống đã tạo nên những sản phẩm mang đậm “dấu ấn Hoài Hương”.

* Cái khái niệm phong cách Việt, Việt style trong kiến trúc đang ngày càng được nói tới nhiều và trong thực tế đã có nhiều kiến trúc mang hơi hướm không gian Việt này ra đời, thế mà anh lại đang nổi tiếng với vai trò nhà cung cấp “sản phẩm” này trên thị trường, anh nghĩ gì về điều này?

- Hồi đầu làm nghề, tôi không hề nghĩ đến điều ấy và thú thật cũng không đủ bản lĩnh để tìm đến cái đẹp dung dị gắn với cuộc sống và cội nguồn dân tộc mình, nên cứ cái có sẵn, đâu ra đấy, rất công thức, rất phương Tây mà đi theo. Và rồi nhiều công trình ra đời ở cái thời Hoài Hương “đặc” Tây ấy, từ tòa nhà Trung tâm thương mại số 1 Bà Triệu, Hà Nội cho đến những căn nhà mặt tiền 2-3m2, cái nào cũng “kiến trúc bụng chửa” với chỉ, phào chằng chịt... đến nỗi có người còn lầm tưởng tôi là dân học bên Tây mới về!

7glHmKpO.jpgPhóng to

Ngôi nhà gia đình Hoài Hương đang ở do anh thiết kế rồi làm trong mấy năm (làm xong cũng chưa có điều kiện về ở ngay mà phải cho thuê cả chục năm trời) mang đậm phong cách Việt thể hiện qua nhiều chi tiết; từ cái cổng nhà đặc trưng Huế cho đến các vật dụng như giường, tủ, bàn ghế...

Hồ nước ngay chân hàng hiên gỗ sẫm màu, những phiến đá xanh phẳng lì bước chân, những lam cửa gỗ rộng mở mời gọi thiên nhiên vào nhà, Ngôi nhà ấy tự bản thân nó đã là một tác phẩm nghệ thuật mà nếu chỉ có tiền thôi thì không thể tạo nên được (trên tường là tranh của Hoài Hương).

Dĩ nhiên là công trình số 1 Bà Triệu ấy cũng đẹp, chỉn chu, thậm chí còn được giải thưởng (của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật) nữa. Ngày khai trương nó, người ta ùn ùn đến xem, toàn bộ hệ thống văn phòng được cho thuê hết ngay... Đẹp, nhưng đó là một cái đẹp không thể tự hào, tự tôi biết thế.

Cho đến một ngày tôi mới ngộ ra. Lúc ấy tôi có cảm giác như mình muốn quay về với bạn bè, với cuộc đời giản dị quanh mình và quan trọng hơn là về với cội nguồn dân tộc mình. Và rồi những công trình mới thoát thai từ sự trở về đó: từ cái shop nhỏ của ca sĩ Hồng Nhung trên đường Đồng Khởi với những cột kèo, vài hoa văn họa tiết Việt và một nét riêng rất lạ cho cô chủ, đến nhà hàng Kinh Bắc, cửa hàng Khải Silk... tất cả đều mang đậm dấu ấn phương Đông và những đường nét mà tôi tin rằng rất VN.

Như một giai điệu trong lành, một mảng màu rạng rỡ lâu nay ẩn trong bóng tối, cái mà chúng ta gọi là “Việt style” là một cái gì đó vừa mộc mạc, vừa cởi mở trong khi sự phát triển của đô thị công nghiệp lại khiến con người bị giam hãm giữa những khối kiến trúc nặng nề và người ta muốn mở tung những cánh cửa như rũ bỏ mọi ràng buộc để trở về với thiên nhiên.

Theo tôi, cái phong cách Việt, tạm gọi như thế, được nhiều người đón nhận có lẽ vì nó phục vụ đời sống đương đại nhưng vẫn mang cốt cách phương Đông, vẫn mang phong thái của người Việt. Nhưng phong cách Việt không chỉ là bê nguyên cái nhà cổ về để ở, và không chỉ cái gì cũng dính tới mây tre, nứa lá mới là thuần Việt. Kiến trúc thuần Việt không tách khỏi thời gian; công năng hiện đại mà vẫn toát lên cái thần dân tộc.

Tôi nghĩ trong cái khoảng không gian chật hẹp nơi phố thị, nhà thiết kế phải làm sao để cho những nét đẹp tự nhiên của quê nhà, dân tộc đến với con người càng nhiều càng tốt. Nhiều công trình kiến trúc cha ông chúng ta để lại đẹp đến sững sờ, nhưng chúng ta chưa đủ khả năng phát triển cái đẹp ấy trở thành một khái niệm, một hệ thống thẩm mỹ kiến trúc. Mọi thứ dường như vẫn còn manh mún và không khéo thì cái “Việt style” ấy lại thành diễn kịch sống sượng, rồi gọi đó là “văn hóa dân tộc” thì càng chết!

* Dường như anh quá may mắn khi được “hưởng thụ” tinh hoa văn hóa của hai miền Nam, Bắc và sau này còn được “bổ sung” thêm cái tinh túy của văn hóa Huế? Những ý tưởng thiết kế đến với anh cách nào?

- Đúng là tôi quá may mắn khi bản thân mình có được sự giao thoa văn hóa giữa ba miền: bố Nam, mẹ Bắc, vợ Huế và càng may mắn hơn khi tôi được sinh ra tại Hải Phòng và lớn lên ở Hà Nội. Thời thơ ấu của tôi ghi đậm hình ảnh những chùa chiền với những cánh phong, cửa võng, đầu hồi...

Cả cái thời tiết thay đổi bốn mùa của Hà Nội cũng cho tôi rất nhiều: chỉ cần ánh đèn le lói trong một ô cửa sổ buổi chiều mùa đông cũng đủ để người ta ấm lòng và từ đó biết nhìn đời tinh tế hơn, sâu sắc hơn.

BwZETdu2.jpgPhóng to
Một công trình do Hoài Hương thiết kế và xây dựng tại khu du lịch Tuần Châu
Tuổi 18 của tôi bắt đầu với chuyến nhảy tàu vào Nam, ngày 7-5-1975 tôi đã có mặt ở Sài Gòn với những hào hứng và khát vọng của tuổi trẻ, rồi chính cuộc sống đô thị này đã tác động vào tôi rất nhiều. Có lẽ cái ồn ào náo nhiệt đầy sức sống đó cộng với ký ức về những năm tháng ở miền Bắc cùng thời gian được trui rèn ở trường mỹ thuật đã giúp tôi có một quan điểm thẩm mỹ cần thiết. Rồi lại có... vợ Huế nữa. Tất cả đã làm nên “cái tôi Hoài Hương”. Có một chi tiết thú vị: hiện xưởng mộc tại ngôi nhà vườn của tôi ở làng (nghệ sĩ) Hàm Long (quận 2, TP.HCM) có đến hơn 70% thầy thợ là người Huế đấy!

Còn ý tưởng thiết kế ư? Xin kể chuyện này: trong chuyến đi khảo sát để thiết kế, xây dựng một khu du lịch ở Hội An, chúng tôi đến một cồn cát ở ven sông. Ở đó, có những hộ dân vẫn sống bằng nghề trồng lúa, bên bờ sông là những cần vó, với bầy vịt trắng lội tung tăng... Cuộc sống thanh bình và đẹp như một bức tranh! Đói quá, chúng tôi vào đại một nhà dân nhờ họ nấu giùm bữa cơm, trong lúc chờ cơm chín còn được chủ nhà “cứu đói” bằng một rổ khoai vừa luộc chín, nóng hổi, ngọt lịm...

Tại sao không để khách du lịch sống trong một không khí, một làng quê từng làm nền tảng cho phố cổ như vậy? Thế là ý tưởng về một khu resort với những hộ dân đang sống trong đó, họ vẫn trồng lúa, vẫn bắt cá ở ngoài sông, bếp vẫn đỏ lửa mỗi buổi chiều và chỉ cần có những khu nhà nghỉ xây dựng theo kiểu nhà quê ở Hội An, ba gian hai chái lợp rơm nhưng bên trong đầy đủ công năng hiện đại.

Ý tưởng không ở đâu xa mà nằm ngay trong cuộc sống hằng ngày của mình, có những thứ rất thô sơ nhưng biết sắp đặt khéo sẽ trở thành cái đẹp đến bất ngờ. Ngày xưa tôi cầu kỳ hơn trong ý tưởng thiết kế nhưng mỗi ngày tôi càng tự thả lỏng mình, và mọi ý tưởng cứ như vậy cũng đến một cách mềm mại, dễ chịu hơn.

* Năm nay hình như là một năm quá bận rộn với nhà kiến trúc Hoài Hương, nghe kể anh cứ xuôi Nam ngược Bắc như con thoi ấy?

- Thật ra tôi vẫn như mọi khi, gần như đều đặn cứ 10 ngày ở nhà, 10 ngày lại đi “tha phương cầu thực”... Drasea Resort ở Vũng Tàu vừa xong thiết kế. Khu du lịch nghỉ dưỡng bên sông Thu Bồn đang lên dự án khả thi. Hiện tôi đang bận rộn cho các khu resort, khu nghỉ dưỡng vườn đồi, khu ẩm thực và khu nhạc nước ở Tuần Châu (Hạ Long) và đang tìm ý tưởng cho một khu hội thảo 2.500 chỗ cũng ở đó - tôi đang hình dung ra một cái gì đó gần gũi với VN như một hội nghị Diên Hồng chẳng hạn...

Rồi còn ý tưởng cho Tuần lễ VN ở Aichi (Nhật Bản, tháng 9-2005), một số khu nghỉ, nhà ở tư nhân các tỉnh... Thú thật là cũng cực và nhiều khi quá mệt, càng cực hơn khi mình không phải đấu thầu mà được người ta tin tưởng giao phó công việc. Chỉ riêng khu nghỉ dưỡng vườn đồi ở Tuần Châu đã phải chuyển ra hơn 500 tấn hàng hóa và các đồ trang trí nội thất; tất tần tật tự làm đấy, rồi lo lương hướng cho ngần ấy con người...

* Anh làm được như vậy chắc hẳn phải có một “hậu phương” vững chắc lắm?

- Tôi có được thời gian để bay nhảy rộng dài như vậy là nhờ có một bà xã hiền dịu, chu toàn cho gia đình và con cái. Lúc thành công không nói nhưng lúc thất bại không có ai khác ngoài vợ mình phải đứng ra gánh cái khó khăn đó và hứng chịu cùng mình...

Nhớ lại cái ngày tôi đã vượt qua được chính mình khi dũng cảm bước vào cái tiệm thêu ấy. Hồi đó, mỗi ngày đi qua đường Thủ Khoa Huân ở Q.1, hình ảnh một cô gái ngồi thêu trông hay hay cứ hút hết hồn mình, tôi cứ qua lại mãi, nhìn mãi như vậy cho đến một hôm mới thu hết can đảm mon men vào làm quen...

* Anh đã có những lần thất bại?

- Đã dính tới cái nghề xây dựng, nghề mà người ta bảo “được hai đấm thì ăn một đạp” làm sao tránh khỏi thất bại. Ây là khi làm cái casino ở Hải Phòng. Công trình làm xong, đắc ý lắm (như mọi khi), nhưng mãi đến bốn năm sau mới thanh toán được tiền nong. Lấy được 10 nhưng giá trị chỉ còn 1, thọc tay vào túi không còn một đồng xu!

* Bây giờ “tĩnh tâm” nhìn lại, công trình nào làm anh đắc ý nhất?

- Hồi mới làm, cứ làm xong cái nào là tôi... đắc ý cái đó (!), còn sau này thì cứ cái gì chưa hoàn thành, còn là ý tưởng, còn thai nghén, và nhìn ý tưởng từ từ trở thành hiện thực, mọi hình hài từ từ hiện ra là tôi lại thấy... sướng! Và tôi vẫn đang sống ngày sống đêm với những ý tưởng đó.

HOÀI TRANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên