![]() |
Bên bờ các dòng sông ở Ấn Độ đều có chỗ hỏa táng - Ảnh: panoramio.com |
Trong đạo Hindu, hỏa táng được xem là lần ra đời thứ ba của người quá cố, sau lần sinh nở sinh học đầu tiên và lần thứ hai là hôn nhân. Lửa giúp giải phóng linh hồn ra khỏi phần xác để linh hồn dễ dàng về thế giới bên kia. Bên bờ các dòng sông ở Ấn Độ đều có chỗ hỏa táng. Nơi thiêng nhất là thành phố Benares với khoảng 200 vụ hỏa táng mỗi ngày bên bờ sông Hằng. |
Khi tìm kiếm giải pháp thay thế gỗ, GS Jha phát hiện một cộng đồng thợ làm gốm sử dụng phân bò để hỏa táng người chết trong một cái chảo to làm bằng đất. Cái chảo đó chính là giàn thiêu và chất đốt là phân bò được nhào nặn thành từng bánh.
Vừa vì môi trường, vừa rẻ tiền
Cách hỏa táng sử dụng phân động vật phổ biến ở quận Darbhanga từ vài năm nay. Đây là loại chất đốt rẻ tiền và có rất nhiều trong hầu hết các gia đình ở nông thôn nên được nhiều người dùng hơn củi. Ở vùng Kusheswarasthan chẳng hạn, khu vực hỏa táng (thường là miếng đất ngoài trời dành để thiêu xác theo đạo Hindu) thường dùng bánh phân bò cho các giàn thiêu. Mỗi bánh phân bò hình ống nặng 1,5kg và phải cần khoảng 200kg để thiêu một xác người.
Trung bình bốn vụ hỏa táng ở Darbhanga thì có một vụ được thực hiện bằng phân động vật. Từ năm năm nay, GS Jha không quản ngại khó khăn để phổ biến cách hỏa táng vì môi trường này. Chính những thợ gốm đã dạy ông kỹ thuật trên. “Họ là những chuyên gia về nghệ thuật xếp bánh phân bò sao cho sức nóng tỏa ra tối đa và điều này rất quan trọng khi hỏa táng. Cách làm này có thể phổ biến ở những nơi khác để cứu lấy cây trồng” - ông nói.
Do bang Bihar có độ phủ rừng rất thưa và không có một lò hỏa táng điện nào nên sẽ cần phải áp dụng cách thức trên tại nhiều quận khác. Trên tổng số 38 đơn vị hành chính của bang này, có bảy đơn vị không có rừng và ở phía bắc, rừng chỉ chiếm 1,92% lãnh thổ.
Lựa chọn từ thực tế
Lúc đầu, GS Jha lo ngại phản ứng của các cộng đồng Hindu mà ông là người phát ngôn. Nhưng ông rất ngạc nhiên vì không vấp phải sự phản kháng nào. Thời gian gần đây, các tầng lớp có thu nhập khá và dân thành thị cũng tìm đến cách hỏa táng này.
Tuy nhiên, trở ngại lại đến từ các nhà khoa học. Họ chỉ trích việc sử dụng phân động vật cho các giàn thiêu vì cho rằng phân bò cần phải được dùng cho sản xuất nông nghiệp hoặc chất đốt để sản xuất biogas.
Thay vì tranh cãi, GS Jha nhắc mọi người hãy nghĩ đến chuyện khan hiếm năng lượng, tình trạng kém phát triển và nạn mất rừng ở bang Bihar: “Mỗi lần hỏa táng cần đến 240-280kg củi, tức phải đốn hạ một cây to”. Ông cho biết đang soạn thảo một báo cáo về tình hình hỏa táng bằng bánh phân bò và nếu báo cáo này được chính quyền địa phương chú ý, công việc vận động của ông sẽ thuận lợi hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận