TT - Bắt đầu từ tháng 12-2010, mỗi quý một lần, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ có chương trình biểu diễn dành cho đối tượng trẻ em yêu thích âm nhạc cổ điển.
Phóng to |
Tiến sĩ Tạ Quang Ðông - giảng viên khoa piano, người khởi xướng và tổ chức chương trình - cho hay: "Hiện nay công chúng không biết nhiều đến âm nhạc cổ điển, một phần do giáo dục về âm nhạc của chúng ta làm chưa tốt. Thực hiện chương trình hòa nhạc định kỳ này, chúng tôi chú trọng đến lớp khán giả nhỏ tuổi. Chúng tôi hi vọng chương trình này sẽ mang tới cho các bạn, các em những rung cảm thật sự, những cảm nhận tinh tế về âm nhạc cổ điển châu Âu, vốn là dòng nhạc được hàng triệu trái tim trên thế giới đón nhận nhiều thế kỷ nay".
* Ông đánh giá thế nào về thực trạng biểu diễn nhạc cổ điển tại Hà Nội?
- Hiện nay tại Hà Nội mỗi năm có 100-150 buổi hòa nhạc do Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia), Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn nhưng số buổi hòa nhạc cổ điển rất hạn chế.
Tất cả chương trình hòa nhạc nói chung vé được bán ra rất ít, chủ yếu dành cho khách mời. Ví dụ, một buổi biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội tại Nhà hát lớn chỉ bán vé được khoảng 10 triệu đồng, thậm chí không đủ để chi phí cho sân khấu và catsê nghệ sĩ.
Có mặt trong đêm diễn đầu tiên mang tên December Concert vừa diễn ra hôm 11-12 tại phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, khán giả Bích Thúy chia sẻ: “Cháu gái nhỏ nhà tôi đi xem chương trình và tỏ ra rất thích thú, vì cháu cũng được làm quen với cây đàn piano từ khi 6 tuổi. Đây là một cơ hội tốt cho các em nhỏ yêu âm nhạc. Buổi biểu diễn gần 300 chỗ mà có đến 2/3 là các cháu thiếu nhi chứng tỏ số lượng trẻ em yêu thích âm nhạc cổ điển khá nhiều”. |
- Không hẳn thế, nhất là các cháu thiếu nhi, bởi có những buổi biểu diễn thường không dành cho đối tượng là trẻ em. Chính vì nghĩ đến điều đó mà chúng tôi tổ chức chương trình hòa nhạc cổ điển cho trẻ em. Âm nhạc cổ điển chính là cái gốc của nhạc, người học nhạc trước tiên phải làm quen với âm nhạc cổ điển, sau đó mới rẽ sang các chuyên ngành khác.
Hiện nay đời sống kinh tế của người dân đã tốt hơn nhiều, vì vậy đời sống tinh thần cũng được nâng cao. Rất nhiều gia đình chú trọng cho con em học nhạc, không phải để kiếm sống mà để nâng cao tính thẩm mỹ và hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Khi đối tượng thiếu nhi có thể tiếp cận một cách gần gũi nhất với âm nhạc cổ điển, chúng ta có thể hi vọng trong những năm sau số người yêu thích, hiểu biết về âm nhạc cổ điển sẽ tăng lên.
* Hòa nhạc dành cho người lớn còn không bán được vé, vậy ông có tự tin về số vé bán ra cho đối tượng trẻ em?
- Ðêm diễn đầu tiên tối 11-12, chúng tôi đã bán được hết số vé phát ra bên cạnh 1/3 vé mời. Chương trình của chúng tôi cũng không hẳn là hoàn toàn cho trẻ em vì còn hướng đến nhiều đối tượng yêu các loại hình âm nhạc khác: bộ gõ, cello, đàn dây...
Sở dĩ chúng tôi dám nghĩ đến đối tượng trẻ em vì đây cũng là chương trình một phần do trẻ em biểu diễn. Ðó là những hạt giống âm nhạc do học viện đào tạo và đoạt giải thưởng trong các cuộc thi quốc tế: Ðỗ Hoàng Linh Chi, Nguyễn Thế Vinh, Hồ Thu... Ðối tượng biểu diễn là các nghệ sĩ nhí nên chương trình cũng gần gũi hơn với khán giả nhí.
Ðối với các cháu thiếu nhi, đây cũng là cơ hội để được chơi trước khán giả, nếu chờ đợi những chương trình biểu diễn lớn thì rất khó khăn.
* Ông có thể cho biết về chương trình tiếp theo?
- Trong chương trình đầu tiên chúng tôi chú trọng nhiều hơn đến khoa piano, nhưng trong chương trình tháng 3-2011, chúng tôi sẽ mời thêm hai nghệ sĩ múa ballet của Nhà hát Nhạc vũ kịch biểu diễn cùng một số "hạt giống" của các khoa dây, thanh nhạc để mang đến một chương trình phong phú và thú vị.
Hiện có một vài đạo diễn rất sẵn lòng tham gia, góp sức để chương trình được dàn dựng một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn đối với các cháu.
HOÀNG ĐIỆP thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận