Ðiển hình như nhóm “các nàng ngũ long công chúa” Linh Chi, Kim Ðào, Bích Trâm, Hồng Hạnh, Diễm Quỳnh, hoặc tay mặt tay trái Linh San, Uyển Nhi... mỗi lần xuất hiện dù là lên lớp hay học ngoại khóa, thậm chí đi lao động mặt đều được trang điểm kỹ, má thắm môi hồng, đầu tóc đúng mốt... trông chẳng khác nào những thiếu nữ 19-20 tuổi.
Biết rằng chuyện làm đẹp là quyền riêng của phái đẹp và chuyện tưởng chẳng có gì phức tạp hóa ra lại khá rắc rối, bởi đây là trường học và quy định của nhà trường là nữ sinh đến lớp học không được trang điểm quá lòe loẹt hoặc ăn mặc phản cảm, ai vi phạm nhiều lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm dù có ngoan đến đâu.
Mặc dù vấn đề này rất tế nhị nhưng quy định của trường thì phải thực hiện. Nhưng xem ra các nàng chấp nhận bị hạ cả hạnh kiểm luôn.
Tội nghiệp thầy chủ nhiệm lớp tôi đầu đã lốm đốm muối tiêu không muốn các cô học trò “hoa khôi” khá chăm học và ngoan ngoãn bị hạ hạnh kiểm nên đã nhiều lần khéo léo nhắc nhở, thậm chí nói sẽ hạ hạnh kiểm cuối năm nhưng rồi đâu lại vào đấy. Thầy chỉ còn biết thở dài.
Nửa học kỳ II trôi qua nhanh quá. Một ngày, thầy chủ nhiệm bất ngờ chia tay lớp về xứ Cà Mau xa xôi, nghe đâu để tiện chăm sóc mẹ già của thầy đang lâm bệnh. Vài lời chia tay ngắn ngủi nhưng rất xúc động, vài lời dặn dò các cô, cậu học trò mà thầy đã gắn bó hơn một học kỳ rưỡi.
Sao lúc đó chúng tôi thấy thương thầy quá, thầy cũng không quên nhắc nhở chúng tôi phải biết nghe lời thầy chủ nhiệm mới của chúng tôi - thầy V..
Thầy V. dạy sử, mới ra trường hai năm, với vẻ ngoài khá lạnh lùng. Hình như thầy V. đã được thầy chủ nhiệm “dặn dò” rất kỹ lưỡng về lớp chúng tôi bởi chỉ tiết dạy thứ hai của thầy đã có đến một phần ba lớp phải chép bài phạt.
Thầy V. xem ra rất nghiêm, chỉ ba tuần sau khi thầy vào lớp mọi nội quy, nề nếp đều đâu ra đó, việc học cũng siết chặt hơn, duy chỉ có chuyện trang điểm, ăn vận của các “cô kiều” lớp tôi vẫn vậy, các nàng vẫn coi đó là quyền riêng pha một chút thách thức.
Một ngày, thầy V. đến lớp hơi muộn hơn mọi khi, điều trước đó không bao giờ có vì thường thầy luôn đến sớm vài phút xem lớp có ôn bài hay dọn dẹp vệ sinh ra sao. Thầy đến lớp với hai nhánh hoa hồng trên tay, một nhánh hoa nở rực rỡ và một nhánh hoa hồng hãy còn búp. Cả lớp chằm chằm hết nhìn hoa rồi nhìn thầy với cái nhìn tò mò, chờ đợi.
Khi không khí lớp học lắng dịu đôi chút, thầy chậm rãi nhìn lớp một lượt rồi ôn tồn bảo: “Trên tay thầy là hai nhánh hồng, các em nói xem nhánh nào đẹp hơn?”. Cả lớp đồng thanh: “Hoa hồng nở đẹp hơn thầy ơi”.
Thầy V. gật đầu, im lặng vài giây rồi thầy nói tiếp: “Ðúng vậy, bông hoa nở rực rỡ thế này tất nhiên đẹp hơn một nụ hoa hàm tiếu. Ðó là thời điểm đẹp nhất của một đời hoa, nhưng sau thời điểm này hoa sẽ mau chóng tàn úa”.
Ðoạn thầy chìa nhánh hoa còn lại và nói: “Còn đây là nụ hoa hàm tiếu hãy còn chưa nở, nhưng rồi nay mai hoa sẽ từ từ hé nở, mang một nét đẹp trọn vẹn từ lúc chưa hé nở cho đến lúc tràn đầy, rực rỡ. Ðời hoa ở một góc nhìn nào đó cũng tựa đời người, tuổi của các em đang là hoa hàm tiếu, đang tràn trề sức sống và chuẩn bị để bước vào đời, hãy để cho tuổi thanh xuân từ từ hé nở, hãy trân trọng và sống hết mình những khoảnh khắc này, để chúng ta có thể chứng kiến vẻ đẹp trọn vẹn của tuổi thanh xuân”.
Những điều thầy nói hôm ấy đến giờ tôi vẫn còn ghi nhớ trong lòng, không biết lúc đó chúng tôi hiểu được bao nhiêu nhưng từ sau tiết học ấy có lẽ nhờ lời dạy của thầy cùng một loạt biện pháp củng cố nội quy, chấn chỉnh việc học hành sau gần tháng chủ nhiệm, lớp tôi có vẻ khác hơn, nhiều “cô kiều” dường như trang điểm nhạt hơn, các cuộc tranh luận về mỹ phẩm và các mốt trang điểm kiểu Hàn, Hong Kong gì đó giảm dần, sau đó là mất hẳn.
Dường như cả lớp chuyên tâm học hành hơn, thành tích học tập cũng tiến triển tích cực trong khi kỳ thi cuối học kỳ II đã cận kề. Cuối năm toàn bộ lớp 10B5 chúng tôi đều được lên lớp và đặc biệt là không có cô nàng “hoa khôi” nào bị hạ hạnh kiểm cả.
Hai năm sau, tôi thi đỗ vào một trường đại học ở Sài Gòn.
Một lần về thăm mái trường xưa tôi gặp lại thầy V., tình cờ hỏi thầy về tiết học hai nhánh hoa hồng khi ấy, thầy chỉ cười và bảo: “Thầy chủ nhiệm cũ của các em khi ấy đã dặn dò thầy rất cặn kẽ tình hình lớp, tính tình từng em. Câu chuyện hai nhánh hoa hồng cũng chính do thầy chủ nhiệm các em nghĩ ra và tôi là người thực hiện và dù ở miệt Cà Mau xa xôi với bao vất vả, thiếu thốn thầy vẫn luôn quan tâm các em - những cô, cậu học trò mà thầy chưa đưa qua hết chuyến đò”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận