![]() |
Tàu Cần Giờ neo trên sông Sài Gòn |
Ngồi trên chiếc ghe đầu tiên ra thăm tàu nên ai cũng căng thẳng không biết các thủy thủ ra sao sau mấy trăm ngày bị giam lỏng với con tàu mãi tận đâu đâu ở châu Phi và ba tháng hành trình về lại VN...
Mừng vui cập bờ
Giữa trưa nắng chang chang, con tàu Cần Giờ nhỏ bé đỏ rực nổi bật giữa các tàu container to đùng đang ăn hàng giữa sông Sài Gòn, đoạn Nhà máy đóng tàu Shipmarin. Ghe chúng tôi áp sát thân tàu.
Nghe tiếng chúng tôi gọi từ dưới đò, máy trưởng Bùi Vĩnh Phúc Toàn bước ra boong vẫy tay chào, mừng rỡ. Rồi Tú, Hưng, Thành, Dũng... cũng ùa ra vẫy tay. Một chiếc thang dây được thả xuống mạn trái thân tàu... Chúng tôi lên tàu.
Thuyền trưởng Lê Vinh Phan xuất hiện cùng các thủy thủ, khuôn mặt ông rạng ngời: “Tàu vừa thả neo được chừng hơn 10 phút, anh em cũng vừa tranh thủ tắm rửa thay quần áo mới đón chào mọi người. Anh em trên tàu đều mạnh khỏe”.
Phúc Toàn nắm tay tôi lắc lắc bảo mấy hôm nay từ khi vào đến hải phận VN, người cứ thế nào ấy, nôn nao, bứt rứt... nhớ nhớ quên quên chẳng hiểu mình làm sao nữa. Thấy mấy chiếc tàu mang cờ VN đi ngang qua anh em trên tàu đều dùng máy liên lạc bằng VHF hỏi thăm. Toàn giải thích: “Khi biết chúng tôi là tàu Cần Giờ ai cũng hỏi mới từ châu Phi về hả? Khỏe không? Anh em thế nào...?”.
(*) Tàu Cần Giờ có tải trọng 2.117 tấn thuộc SSS đã bị phía Tanzania bắt giữ từ 27-7-2004, do tranh chấp thương mại giữa Công ty Mohammed Enterprises (Tanzania) với Công ty TNHH Thanh Hòa của tỉnh Tiền Giang liên quan đến hợp đồng mua bán 6.000 tấn gạo VN. Dưới tác động của Công ty Mohammed Enterprises, Tòa án tối cao Tanzania đã ra lệnh bắt giữ tàu Cần Giờ và thuyền viên làm con tin, đồng thời coi Chính phủ VN là bị đơn của vụ tranh chấp này. |
Việc đầu tiên của mấy anh em thủy thủ, đặc biệt là nhóm “bốn người hùng” (bốn người đã ở lại tàu), là mua ngay một simcard điện thoại và liên tục “nấu cháo” cùng người thân. “Lúc tàu ở bên Sri Lanka đã gọi về nhà rồi nhưng về đến nơi không thể không gọi nữa” - anh Hưng bảo chẳng nhớ nổi mình đã đốt mấy cái card 300.000đ rồi “nhưng mừng quá mà”.
Một lúc sau ba chiếc đò khác cùng tiến về phía tàu với nhiều anh em phóng viên báo đài, ban giám đốc và nhân viên Công ty SSS. “Welcome home capt! I’m glad we all here” (Chào mừng thuyền trưởng trở về, thật mừng khi mọi người đều có mặt ở đây) - John Schlotfeldt, tổng giám đốc SSS, rời khỏi thang dây bước xuống sàn tàu và ôm chầm lấy thuyền trưởng Phan chúc mừng.
Những bó hoa, những cái bắt tay, lời hỏi thăm động viên cùng những ánh mắt len lén đầy thán phục của ba cô gái trẻ xinh đẹp nhân viên SSS cứ vây quanh những chàng thủy thủ... Cánh nhà báo thì liên tục hỏi han phỏng vấn, chụp ảnh, quay phim...
Các thủy thủ cứ thao thao bất tuyệt bao nhiêu chuyện buồn tủi của 13 tháng trời thui thủi nơi xứ người. Sau khi họp và bàn giao sơ bộ con tàu với đại diện SSS, thuyền trưởng Phan viết những dòng nhật trình cuối cùng vào sổ nhật trình của tàu, kết thúc chuyến đi mang nhiều trúc trắc của con tàu Cần Giờ.
Đóng quyển nhật trình tàu, thuyền trưởng Phan bước ra khỏi phòng làm việc và tiến về phía boong tàu: “Vào bờ ngửi hơi đất thôi các bạn ơi”, mệnh lệnh của ông được tất cả thủy thủ hưởng ứng nhiệt liệt. Mọi người bước lên mặt đất với khuôn mặt rạng ngời.
![]() |
Tổng giám đốc SSS John Schlotfeldt tặng hoa cho thuyền trưởng Lê Vinh Phan chúc mừng thủy thủ đoàn sau bao ngày lênh đênh trên biển - Ảnh: L.N. |
Dựa vào lan can phía sau mạn tàu, Nguyễn Trọng Dũng, một trong bốn thủy thủ đã ở lại cùng con tàu trong suốt hơn 13 tháng bị tạm giữ ở Tanzania, phóng cặp mắt đăm chiêu nhìn xa xăm, kể: “Hơn 500 ngày trước (ngày 27-7-2004, ngày tàu bị giữ - NV) cũng vào một buổi trưa nắng nóng như ngày hôm nay, ở một nơi tít bên kia Nam bán cầu, mấy anh em chúng tôi đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho việc xuất bến cảng Da Es Salaam (Tanzania).
Theo kế hoạch, 11g30 hoa tiêu sẽ lên tàu để dẫn tàu ra khỏi cảng. Nhưng đến giờ, chẳng thấy hoa tiêu đâu... Anh em thủy thủ đâm lo chẳng biết chuyện gì xảy ra. Bỗng hai người da đen xuất hiện.
Họ lên tàu và mang theo một tập hồ sơ dày. Họ tìm capt (thuyền trưởng - NV). Sau vài câu chào hỏi và trao đổi, chúng tôi thấy nét mặt của capt căng thẳng và biến sắc. Cả ba vào thẳng phòng riêng của capt, cửa phòng đóng lại... Sau đó một người bước ra đọc lệnh giữ tàu và các thuyền viên của Tòa án Tanzania.
Người đàn ông da đen to lớn đó buộc capt ký vào biên bản giữ tàu... Lúc đó chúng tôi vô cùng hoang mang không hiểu chuyện gì đã xảy ra (*), cứ nghĩ chắc có sự nhầm lẫn nào đó. Rồi suốt buổi cũng như cả ngày hôm đó là chuỗi thời gian căng thẳng, lo lắng. Thuyền trưởng liên lạc về VN và mãi sau đó mới biết rõ sự việc như thế nào”.
Kế hoạch sang Mozambique, Nam Phi, Singapore và trở về VN tan theo những con sóng đập vào mạn tàu... Chuỗi ngày sau đó mọi thành viên chìm trong trạng thái căng thẳng và trầm lắng vô cùng.
Thủy thủ Hưng bảo ai cũng tranh thủ liên lạc với gia đình để động viên mọi người ở nhà nhưng người thân thì vô cùng hoang mang, “vợ và người thân ở nhà cứ tưởng chúng tôi bị bắt vào tù, bị giam cầm, ngược đãi nên lại càng hoảng loạn”.
Máy trưởng Phúc Toàn thì thông báo cho người thân chừng hai tháng sẽ giải quyết xong, nhưng rồi hai tháng đi qua mà chẳng có tin tức gì về số phận con tàu và anh em thủy thủ. Phúc Toàn hướng dẫn anh em cách thức liên lạc với gia đình bằng chat, webcam, chỉ cho anh em cách lên mạng đọc báo VN cho đỡ buồn và cập nhật tình hình tàu.
Anh em chia ca để lên bờ mua hàng, chat và mỗi lần đến dịch vụ Internet đều mang thêm thông tin nhà về kể cho mọi người nghe. “Bao nhiêu lần tim tôi thắt lại khi nhìn thấy vợ chẳng nói lời nào mà chỉ khóc trong webcam, con thì chuẩn bị thi đại học mà chẳng có bố...” - Hưng thở dài kể lại.
Chẳng biết khi nào mới được thả về, nhiều anh em căng thẳng quá đâm ra lẩn thẩn. Hưng kể có một thủy thủ có biệt danh là “Hải béo” thường ra boong ngồi bệt xuống thẫn thờ, rồi có lúc như người điên ngồi cười, rồi lại làm thơ, làm vè lẩm nhẩm đọc một mình.
Sợi dây tinh thần anh em thủy thủ vốn đã căng lại căng thêm khi biết Tòa án Tanzania đang xem xét lại vụ tranh chấp. Rồi mấy tuần trôi qua mà chẳng có gì sáng sủa hơn.
Thỉnh thoảng đại sứ quán, SSS cử người sang động viên, cập nhật tình hình vụ tranh chấp, anh em phấn chấn hẳn lên, vui vẻ, “nhưng khi tiễn mọi người về, cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi, bị giam hãm lại ùa về. Trống trải kinh khủng...” - Phúc Toàn tâm sự.
Thỉnh thoảng trên tàu vẫn nghe những tiếng thở dài thườn thượt, rồi tiếng đóng cửa đánh rầm... Chuyện cơm nước anh em chẳng thèm coi trọng, nhiều người gầy rộc đi, khuôn mặt vêu vao. Tương lai tăm tối...
Sau chín tháng, ngày 13-4-2005, bảy trong số 11 thủy thủ trên tàu Cần Giờ được SSS thu xếp về nước. Trên tàu từ lúc này chỉ còn lại bốn thủy thủ với nhiệm vụ giữ tàu, đồng thời tự bảo vệ mình trong tình huống tàu không có thuyền trưởng, thuyền phó (đã về nước)...
Bốn người phải đảm nhiệm công việc của 11 người và bao lần chính quyền Tanzania đã “khủng bố” tinh thần anh em... Con tàu trống vắng bỗng trở nên rộng lớn vô cùng. Bốn người rơi vào những khoảng thời gian khủng hoảng cực độ...
------------------------
Kỳ sau: Bốn người ở lại và chuỗi ngày vô tận
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận