03/11/2007 07:45 GMT+7

Họ ra đi nhưng mầm sống mãi tươi xanh

NGUYÊN VĨNH (Paris)
NGUYÊN VĨNH (Paris)

Hai câu chuyện về cuộc ra đi của hai cô gái trẻ: Lê Thanh Thúy ở Việt Nam và Caroline Aigle ở Pháp. Cả hai cùng ra đi vì căn bệnh hiểm: ung thư, và đã để lại tiếc thương cho bao người. Cả hai không còn nhưng mầm yêu thương họ đã gieo trồng trong đời sẽ tiếp tục tươi xanh.

Caroline Aigle ra đi nhưng tấm lòng người mẹ của cô đã để lại cho đời thông điệp: “Tình yêu chính là cội nguồn sự sống”.

GJRz9rML.jpgPhóng to
Caroline Aigle - người mẹ trẻ chấp nhận chết để giữ sự sống cho con

“Ác tính”, “khối u”, “di căn”... - những từ đó như những cú đấm choáng váng đối với Caroline Aigle. Mặc dù các bác sĩ tỏ ra dè dặt từng câu chữ, nhưng họ không thể nào che giấu sự thật lâu hơn nữa. Thời gian đã cấp bách lắm rồi!

Trước đó không lâu, Caroline còn hoan hỉ đón nhận tin đã mang thai đứa con thứ hai. Hôm nay, các bác sĩ đành phải cho biết cô mang trong mình một mầm sống nhưng đồng thời cũng hiện diện sự đe dọa của tử thần: cô bị ung thư. Các thầy thuốc tỏ ra rất dứt khoát: nếu muốn chữa khỏi căn bệnh nguy hiểm này, cô phải được điều trị theo liệu pháp sốc. Và đứa bé trong bụng không thể chịu đựng nổi. Phải hi sinh cháu bé. Cô có bằng lòng không?

Sau này, khi chấp nhận kể lại những giây phút trên đây, người chồng cô nhận xét Caroline đã có một quyết định rất anh hùng. Mà dường như cả cuộc đời cô luôn là thế...

...Caroline Aigle sinh ngày 12-9-1974 tại Pháp nhưng trải qua thời thơ ấu ở châu Phi, nơi cha cô là bác sĩ quân y. Năm 14 tuổi, cô vào học Trường Thiếu sinh quân Saint-Cyr, sau đó đậu cùng lúc vào hai trường nổi tiếng nhưng cô đã chọn Trường đại học Bách khoa. Hai năm sau, Caroline vào học Trường Không quân.

Năm 1997 khi sắp ra trường, cô được biết tin lần đầu tiên không quân Pháp sẽ nhận phụ nữ vào ngành tiêm kích. Thế là cô gái nhỏ nhắn ấy - cao 1,6m và nặng 50kg - không ngần ngại đăng ký xin học ở Tours. Lòng can đảm, nghị lực làm việc hăng say và cách xử sự đúng mực của cô đã khiến mọi người tôn trọng. Ngày 28-5-1999, đích thân tướng Rannou, tham mưu trưởng không quân Pháp, đã trao tận tay cho cô bằng lái.

Caroline Aigle trở thành nữ phi công lái máy bay tiêm kích đầu tiên của Pháp ở tuổi 24. Sau khi học thêm khóa đào tạo về không chiến, Caroline được phân công lái chiếc Mirage 2000.

sNiQ3Ghg.jpgPhóng to
Nữ phi công Caroline Aigle
Đó là những tháng năm đầy hạnh phúc đối với Caroline Aigle. Cô được làm công việc mà mình yêu thích, lái những chiếc máy bay tối tân nhất nhì thế giới - cô đã thực hiện khoảng 1.600 giờ bay. Là người say mê hoạt động thể thao, cô tham gia môn nhảy dù, bơi lặn, chạy marathon. Cô cũng là ứng viên được Cơ quan Không gian châu Âu ngắm nghía cho vị trí một nữ phi hành gia trong tương lai.

Rồi cô gặp và yêu Christophe, cũng là phi công chiến đấu. Cậu con trai đầu lòng của họ, bé Marc, chào đời vào giữa năm 2005.

Nhưng hạnh phúc kéo dài không lâu... Lần này, nhập viện khi mang thai đứa con thứ hai, sau một loạt xét nghiệm, các bác sĩ đã phải báo cho cô tin dữ...

...Nữ phi công tiêm kích đầu tiên, vô địch thế giới ba môn điền kinh, trả lời ngay cho các thầy thuốc là cô sẽ chiến đấu, nhưng không phải cho cô mà là cho mầm sống đã được năm tháng tuổi. Cô chỉ nói đơn giản: “Đứa bé có quyền có cơ hội được sống, cũng như tôi vậy”.

Cô từ chối những liệu pháp mạnh có thể gây nguy hại cho cái thai. Cuộc chiến quan trọng nhất trong cuộc đời của Caroline đã bắt đầu từ những giây phút ấy.

Căn bệnh ung thư ngày càng tiến triển với tốc độ chóng mặt, nhưng Caroline quyết tâm chống chọi với bệnh tật. Cô biết rằng từng ngày từng giờ giành được là cơ hội sống sót của đứa bé càng tăng thêm. Các cơ quan của bé càng phát triển hoàn chỉnh thì bé càng có cơ hội được sinh ra làm người. Các bác sĩ cố gắng lùi lại tối đa thời điểm mổ lấy thai - thai ở tuổi này chỉ mới nặng chừng 600 gram.

qWD6oUDA.jpgPhóng to
Ngày 3-8-2007, khi thai được năm tháng rưỡi, tình hình trở nên nguy kịch, và Caroline được chuyển gấp vào phòng mổ. Khỏi phải nói sự cẩn trọng của êkip bác sĩ, y tá đối với sinh linh quí báu mà người mẹ đã sẵn sàng chết cho bé được chào đời. Chú bé Gabriel, đặt trong chiếc nôi trong suốt, được các nữ y tá đưa đến cho người mẹ. Cô ôm con vào lòng, thì thầm mấy câu âu yếm. Caroline chỉ sống được bên con mười tám ngày.

...Chiếc quan tài của cô, được sáu người bạn cùng đơn vị khiêng, từ từ tiến vào nhà thờ Dijon. Trung tá Gilles Bertrand, từng là phi đội trưởng của Caroline, đã nói ngắn gọn về tình cảm mà đồng đội dành cho cô: “Cộng đồng không quân xin kính cẩn nghiêng mình trước Caroline, nay đã đi vào huyền thoại”. Đám đông tham dự cũng vô cùng xúc động trước điếu văn của cha Philippe Demours mà ông gọi là “Chuyến bay cuối cùng của chim đại bàng” - Aigle trong tiếng Pháp có nghĩa là đại bàng. Ông nói: “Caroline, con đã chọn lựa giữ lại sự sống cho Gabriel. Bài học lớn mà con dạy cho mọi người hôm nay, là hãy khẩn thiết yêu thương nhau. Sự khẩn trương ấy không phải là sợ hãi không còn thời gian, “lỡ có chuyện gì xảy ra”, mà là khẩn thiết hiểu rằng chỉ có tình yêu mới là nguồn cội của sự sống”.

Cho dù là ngôi sao của các cuộc triển lãm hàng không, hội nghị phụ nữ..., Caroline và gia đình trước nay luôn giữ thái độ khiêm tốn, không hề muốn xuất hiện trên báo chí. Cáo phó của cô chỉ chiếm một dòng ngắn trên trang web của không quân Pháp. Nhưng rồi những cú điện thoại, những lá thư phân ưu bay về tới tấp khiến không quân Pháp đành phải lập ra một blog cho Caroline Aigle với sự đồng ý của gia đình.

Chỉ trong vòng một tuần lễ, hàng ngàn người vừa trong quân đội lẫn dân sự đã gửi đến những lời chia sẻ nỗi đau trước sự hi sinh cao cả của người phụ nữ trẻ. “Caroline, cô đã đi vào huyền thoại quá sớm!”, “Tôi nghĩ đến chồng con của cô ấy, phải tiếp tục sống mà không có cô, tôi chúc họ thật nhiều can đảm”, “Đừng buồn nhé, bé Gabriel ơi. Mẹ cháu đã che chở cho cháu, và nay ở một nơi xa thẳm mẹ vẫn sẽ tiếp tục phù hộ cho cháu đấy”...

Tháng mười vừa qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã truy tặng huân chương của ngành không quân cho Caroline Aigle - con chim đại bàng đã dũng cảm giang cánh bay thẳng vào cõi hư vô, trong cuộc chiến đấu cuối cùng...

NGUYÊN VĨNH (Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên