Trong các đám cháy, hít phải khói, khí độc là nguyên nhân chính gây chết người. Các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như khí cacbonic (CO2), cacbon monoxit (CO), hydro cyanua (HCN) làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong.
Thành phần của khói phụ thuộc vào bản chất của vật liệu cháy và điều kiện của quá trình đốt cháy. Trong các đám cháy hoàn toàn, chủ yếu xảy ra ngoài trời khi lượng oxy cung cấp cho đám cháy luôn đầy đủ, thành phần của khói chủ yếu là tro, khí CO2, SO2, các oxit nitơ và nước. Còn tại các đám cháy trong nhà, phòng kín do lượng oxy cung cấp không đủ, xảy ra sự cháy không hoàn toàn làm sinh ra các loại khí rất độc như khí CO, HCN, NH3. Nếu chất cháy là nhựa như PVC còn sinh ra các loại khí độc khác như hydro clorua (HCl), photgen (COCl2), dioxin, metyn clorua (CH3Cl). Nguyên nhân chủ yếu chết người từ khói là do hít phải lượng lớn cacbon monoxit (CO). Khí CO là một loại khí độc nhưng không màu, không mùi, không vị, ban đầu khi hít phải không gây khó chịu nên rất khó khăn để mọi người phát hiện ra. Khí CO là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ do thiếu nguồn oxy cung cấp.
Khi bị ngộ độc CO ở nồng độ thấp, nạn nhân có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu; khi tiếp xúc với nồng độ lớn hơn có thể gây ra ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và tim mạch, từ đó dẫn đến tử vong. Khi đi vào trong cơ thể người, khí CO kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này sinh ra ngăn chặn khả năng giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Theo các nghiên cứu khoa học, các triệu chứng do hít phải khí CO gây ra được biểu thị qua bảng dưới đây:
Ngoài ra trong một số đám cháy còn sinh ra khí HCN, photgen... rất độc với cơ thể con người. Khi lượng khói phát sinh nhiều, người thoát nạn phải khom người, quỳ, bò hoặc trườn ra khỏi đảm cháy. Khi bị kẹt trong đám cháy phải sử dụng khăn, vải thấm nước bịt mũi để lọc không khí khi thở; dùng các tấm chăn, rèm thấm nước che chắn khi băng qua lửa; chèn khe cửa bằng các tấm vải ướt ngăn không cho khói vào phòng.
Nguồn: Sở Cảnh sát phòng cháy & chữa cháy TP.HCM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận