Phóng to |
Các b-boy Trường THPT Marie Curie "đọ tài" tại Hội chợ xuân - Ảnh: B.U. |
Đã vào tận... sân trường
Hội chợ xuân của Trường THPT bán công Marie Curie (TP.HCM) mới đây xuất hiện nhiều nam sinh quần thụng, áo số, mũ lệch, dây xích lẻng xẻng và gian hàng trò chơi với bảng hiệu Hip-hop đỏ ối nhũ bạc trên hai mảnh ván ép của lớp 12AB là một trong những gian đông khách nhất.
Trong khi đó, ở những góc khuất sân Trường THCS Hai Bà Trưng trở thành điểm hẹn của nhiều gương mặt quen thuộc như T. (lớp 7/5), K. (lớp 8/4), P. (lớp 9/3), H. (lớp 7/4)... với đủ trò: áp má sát nền gạch bông, chống hai tay xuống, co chân đá nai. Cho tới khi “trinh sát” ho lên vài tiếng báo động, cả nhóm bật ngay dậy giả nai bàn chuyện... học hành.
Breakdance chỉ là một trong bốn “món ăn chơi” của hip-hop gồm DJ (chỉnh, phối nhạc), graffity (nghệ thuật vẽ tường), MC (đọc rap) và breakdance. Có thể nói ở các trường trung học ở trung tâm TP.HCM hiếm trường nào không có học sinh tập nhảy breakdance. Ở Marie Curie, Hai Bà Trưng sơ sơ cũng vài ba chục b-boy nhí, Nguyễn Thị Diệu, Lê Quý Đôn, Phú Nhuận, Lê Hồng Phong, Hùng Vương... cũng có vài chục nhóm...
Theo một admin (điều hành) viethip-hop.com (trang web chuyên về hip-hop đầu tiên của VN) cho biết thì thành viên là học sinh lên đến vài chục ngàn - chiếm đại đa số thành viên của web. Các cuộc tranh luận trên forum hay những buổi offline của họ đều xoay quanh chủ đề làm thế nào để nhảy trong điều kiện “cấm vận” hiện nay vì: “Chơi trong trường thì thầy cô cấm. Chơi ngoài đường thì công an... “dí” (vì tội gây rối trật tự công cộng)”.
Và... len lén
Tiến sĩ Trần Thị Kim Xuyến(trưởng khoa xã hội học Trường ĐH KHXH & NV): Chúng ta thường có hai xu hướng, những người không thích cái mới và những người trẻ thích cái mới để làm khác người. Với hip-hop, tôi thấy hoàn toàn có thể chấp nhận được. Trên thực tế, nó khó tiếp nhận nhưng không thể ngăn cấm vì nó không gây hại cho người khác. Nó như một môn thể dục, tốt cho sức khỏe, làm cho người chơi năng động hơn... Chúng ta chỉ nên cố gắng kiểm soát bằng cách hình thành những câu lạc bộ hip-hop lành mạnh, có người hướng dẫn kỹ thuật để tránh chấn thương. Các tổ chức Đoàn, Hội nên vào cuộc với họ. |
Dù “mở cửa”... một chút với hip-hop nhưng chỉ trong hội chợ, còn thường ngày vẫn “không được chơi trong sân trường”. Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - hiệu phó Trường Marie Curie - cho biết: “Đây là trào lưu mới, không cấm nhưng nếu để học sinh chơi trong trường áo quần sẽ xộc xệch, ảnh hưởng đến tác phong”.
Hầu hết các trường khác cấm tiệt. Như cô tổng phụ trách Huỳnh Tú Mai (Trường THCS Hai Bà Trưng) nói thẳng: “Trường tuyệt đối không cho nhảy nhót trong trường”.
Với tình hình “cấm vận” cả ở nhà cũng như ở trường, đa số b-boy chỉ có thể “nằm vùng” tại lớp vào buổi chiều, giờ tan học đành lén lút tập với nhau hoặc “trường cấm thì ra đường chơi” vì... mê quá như nhiều bạn hồn nhiên cho biết.
Trên những con hẻm đường Huỳnh Tịnh Của (Q.3) hay các sân Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Phú Thọ... chúng tôi thường xuyên gặp những nhóm cả chục b-boy, có "boy" mới chỉ 9 tuổi tập nhảy break với nhau.
B-boy Việt Anh (lớp 11A3 Trường Marie Curie) là một trong những tay nhảy break lâu năm, “cứng cựa” nhất trong trường, “bật mí”: vì chơi lén, không được hướng dẫn nên “gãy cổ, trặc tay là chuyện thường”.
P. (lớp 7/5, Trường HBT) từng bị gãy tay, Tr. (lớp 8 Trường TL) bị bể mắt cá chân... phải bó bột hàng tháng (đều trình bày với gia đình là bị tai nạn trên đường phố).
Cấm hay... “tới luôn” b-boy?
Phóng to |
Những màn biểu diễn của các b-boy luôn kín chật người xem - Ảnh: T.T.D. |
Nhìn chung gia đình và nhà trường, các CLB vui chơi hiện nay vẫn rất... ngại: “sợ tai nạn cho các em” - cô Mai nói. Thầy Mạnh Hùng thì “khi so tài, dễ hăng máu”, còn phụ huynh hầu hết đều không chấp nhận cái kiểu quần thụng, áo số thùng thình, dây xích chằng chịt...
Trong thực tế, không chối cãi một số b-boy đã làm... choáng người khác bằng việc phóng đại phong cách hip-hop, có b-boy diện một bộ đồ mũ len, băng tay len, áo vải 100% nilông, quần thụng vải dù đáy dài tới... gối, giày thể thao to chảng, đế dày như đôi guốc giữa mùa hè Sài Gòn nóng 34 - 35 độ C.
Một b-boy sinh viên cho biết: “để tậu một bộ đồ đúng điệu hip-hop, đầy đủ từ quần áo, dây nhợ, băng đeo, mũ nón... hàng xịn phải tốn từ 400.000 -700.000 đồng, hàng chợ (hay second-hand) cũng mất 200.000 - 300.000 đồng. Riêng đôi giày hiệu Nike, Adidas thì phải tới tiền triệu”.
Nhiều tín đồ hip-hop cũng thừa nhận có một số thanh thiếu niên (từ 13-15 tuổi) rất dễ bị lên máu có thái độ xốc nổi, cư xử, lời nói không được... sành điệu làm ảnh hưởng nhiều đến hip-hop.
Nguyễn Hữu Phước (nickname Dolphin) - admin của viethip-hop.com - cho rằng: “Với xu hướng “ăn hip-hop, ngủ hip-hop” bùng nổ như hiện nay, không thể tránh khỏi một số đông bạn trẻ bị cuốn hút, ăn theo (chủ yếu về hình thức) chứ thật sự không đam mê, thậm chí chẳng biết gì về hip-hop.
Đa số dân mê hip-hop chính hiệu đều rất tự trọng, luôn tìm tòi cái hay, sáng tạo cái mới để hip-hop Việt phát triển phù hợp với phong tục, tập quán của người VN”.
Đáng ngạc nhiên là trên các website và trong các nhóm hip-hop chính hiệu, xu hướng phản đối hip-hop thời trang đang diễn ra sôi nổi, mục đích “hãy cho mọi người thấy rằng người hâm mộ hip-hop không phải là người thích đi lông bông nhảy nhót, chửi bậy mà là những người thông minh, tài giỏi, có ích cho xã hội”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận