![]() |
Năm người chúng tôi khởi hành chuyến đi từ đông sang tây qua dãy Himalaya với ước mơ cháy bỏng... (tác giả thứ hai từ trái sang) |
![]() |
Kỳ cuối: Những người anh hùng Kỳ 4: Everest - cực thứ ba của Trái đất Kỳ 3: Cuộc sống trên “nóc nhà thế giới” Kỳ 2: Pháo đài tâm linh Kỳ 1: Vũ điệu trong mây
Những câu chuyện kỳ bí về Himalaya hùng vĩ, những nhà chinh phục Everest, tên những đỉnh núi cao nhất của “thánh mẫu vũ trụ” Hi Mã Lạp Sơn... và ước mơ được đi trên một con đường xuyên qua dãy Himalaya bao nhiêu năm đã thôi thúc chúng tôi lên đường.
Ước mơ cháy bỏng
Nhiều thông tin trên mạng, đặc biệt là từ những bạn trẻ ở Mỹ và châu Âu, cho rằng cách đơn giản nhất để đến với dãy Himalaya vẫn là con đường khởi đầu từ Nepal. Lý do thứ nhất: có khá nhiều chuyến từ khắp nơi trên thế giới đến sân bay Tribhuvan ở thủ đô Kathmandu của Vương quốc Nepal, nơi đó có hàng loạt công ty lữ hành chuyên tổ chức những chuyến chinh phục mạo hiểm đi sâu vào Himalaya. Lý do thứ hai: từ Kathmandu có thể vượt những ngọn đèo cao 4.000-5.000m để lên Everest và chỉ cách Everest hơn trăm cây số đường chim bay. Trên mạng Everestnews.com cũng khuyên đi theo con đường này với hành trình từ 6-8 ngày đi bộ từ Kathmandu (nằm ở độ cao 1.700m) vào Lukla (2.860m) rồi đi dần lên qua Namche để tập làm quen dần với không khí loãng và hội chứng bệnh độ cao. Đây cũng là con đường quen thuộc mà hầu hết những nhà thám hiểm đỉnh Everest từ khắp thế giới đã chọn hơn nửa thế kỷ qua.
Thế nhưng cuối cùng chúng tôi chọn con đường ngược lại khi anh Trần Xuân Hùng (phó giám đốc Công ty Du lịch thanh niên xung phong - VYC) - một trong những người đề xướng chuyến hành trình - liên hệ được với một đối tác tại thủ phủ Lhasa (Tây Tạng, Trung Quốc). Họ cho biết có thể tổ chức một chuyến đi bằng xe vượt địa hình xuyên qua Himalaya từ đông sang tây từ Lhasa (3.600m) băng qua hồ Yamdrok Tso, vượt núi Nojin Kangsa (5.000m) để đến Shigatse (3.900m), Shergar (4.350m), Tingri (5.000m), theo đường mòn vào khu bảo tồn thiên nhiên Chomolungma, sau đó chuyển qua ngựa để lên Everest Base Camp (trại căn cứ để chinh phục Everest), rồi từ đó vượt đèo Nyalmo Tong La (5.000m), Thang La (5.214m) để xuống vùng đồng bằng cao Nyalam (3.600m) về biên giới Zhangmu vào Nepal theo cửa khẩu Kondari... Đó là cung đường tương đối an toàn và rút ngắn được thời gian hơn, vì từ nhiều năm qua Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho hàng ngàn kilômet hệ thống các con đường từ Tây Tạng xuyên qua dãy Himalaya, đặc biệt là con đường mang tên “Hữu Nghị” kéo dài đến tận biên giới Nepal. Cũng đã có hẳn một tuyến xe buýt Trung Quốc - Nepal đi trên “nóc nhà thế giới” khánh thành từ nhiều năm qua và đi trong nhiệt độ mùa thu tương đối thích hợp với thể trạng người VN, nhưng lại dễ gặp hiện tượng băng tan khá nguy hiểm.
Ngày 14-8-2006, năm thành viên trong đoàn chúng tôi lên đường. Cả năm đều là những người từng có kinh nghiệm thử thách qua những chuyến đi mạo hiểm đường dài trong và ngoài nước: Lê Công Thiện (Ngân hàng ANZ),Trần Xuân Hùng (VYC), Huỳnh Xuân Đức (Công ty Vận tải biển Việt - Nhật), Nguyễn Trọng Tuyến (Sở Giao thông - công chính TP.HCM) và tôi. Chúng tôi lên đường với uớc mơ cháy bỏng là cắm được lá cờ tổ quốc lên Everest Base Camp đúng vào Quốc khánh 2-9.
Nơi trời và đất giao hòa
![]() |
Dãy Himalaya chụp từ máy bay - Ảnh: TRẦN XUÂN HÙNG |
Chuyến bay sớm của Hãng hàng không Tứ Xuyên lao vào không trung trong ánh nắng rực rỡ báo hiệu những tín hiệu tốt lành cho chuyến hành trình dài ngày bằng đường bộ sắp tới của chúng tôi. Hành khách đi trên chuyến bay phần lớn là người Trung Quốc, đến Tây Tạng để khám phá vùng đất huyền bí này. Trong năm 2005 chỉ có 55.000 khách du lịch đến Tây Tạng, trong đó đa số là người phương Tây. Người ta hi vọng trong năm nay, khi tuyến đường sắt cao nhất thế giới nối liền Bắc Kinh với Tây Tạng vừa được đưa vào hoạt động (tháng 7-2006), lượng khách đến Tây Tạng sẽ tăng gấp đôi. “Tuyến đường sắt trên mây” này có thể chạy với tốc độ 120km/giờ trên địa hình đồng bằng và 100km/giờ trong những vùng băng giá với hệ thống đường ray chống đóng băng rất hiện đại.
Cảnh vật qua ô cửa sổ máy bay vô cùng ngoạn mục. Trời và đất gần như không có khoảng cách, chỉ có những đám mây, những đỉnh núi tuyết vùng vẫy với vũ điệu giao hòa giữa trời và đất. Rặng Himalaya sườn phía đông gần như nằm sát cánh chiếc Airbus 319 của chúng tôi. Một cảnh quan thiên nhiên tôi chưa từng thấy bao giờ, những rặng núi cường tráng phủ đầy tuyết trắng vươn lên từ giữa các tầng mây, trời như đang nằm dưới chân những ngọn tuyết sơn và đất như đang thỏa mãn sự ôm ấp của bầu trời. Bỗng một nàng tiên xuất hiện giữa nơi giao hòa trời và đất này, với sự uyển chuyển của vũ điệu hòa vào tiếng nhạc trầm bổng. Cô tiếp viên hàng không người Tạng trẻ đẹp đã hóa thân vào nàng tiên quay cuồng trong điệu luân vũ trên chín tầng mây. Tôi không hiểu tiếng Tây Tạng qua lời bài hát của cô gái, nhưng cái rực rỡ, sôi động cuồng nhiệt của cô gái Tạng đã nói lên tất cả, mời gọi nhưng không sỗ sàng, trong trắng nhưng không xa cách, khao khát nhưng không bao giờ thỏa mãn. Người ta gọi Tây Tạng là “vùng đất của chư thiên”, nhưng tôi lại có cảm giác sắp bước vào con đường của những vũ điệu trong mây trong hàng ngàn dặm đường trước mắt.
Sân bay Gongga ở ngoại vi thủ phủ Lhasa nằm trong thung lũng Yarlung Tsangpo. Đây cũng là tên dòng sông huyền thoại mà bất cứ người Tạng nào khi sinh ra cũng giáp mặt với nó lần đầu tiên, bởi ở đây có tập tục đứa trẻ ra đời phải được nhúng xuống dòng sông băng giá này để xem nó có tồn tại được ở vùng đất cao nhất, khắc nghiệt nhất trần đời này không. Người Tạng bảo Yarlung Tsangpo là “mẹ của các dòng sông”, họ tin rằng những giọt sương đầu tiên tạo nên dòng sông dài 1.000km này xuất phát từ đỉnh Everest và là cội nguồn của những dòng sông vĩ đại ở châu Á như sông Hằng, Mekong, Dương Tử, Hoàng Hà... Weixi - cô phiên dịch người Tạng, người đã khoác lên vai chúng tôi những tấm lụa trắng tinh theo nghi thức ban phước lành của người Tạng - nói: “Cứ đi hết dòng sông này là đến cội nguồn Everest”.
|
-----------------------------------
Hầu hết những tu viện trên con đường thiên lý chúng tôi đi qua đều nằm trên đỉnh núi như những pháo đài vững chắc của cõi tâm linh. Thế nhưng ở tận những nơi hẻo lánh nhất trong rặng Himalaya, chúng tôi đã thấy bụi trần lan nhanh như những trận tuyết lở...
Kỳ tới: Pháo đài tâm linh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận