23/10/2013 07:00 GMT+7

Hiểu người đối diện qua ngôn ngữ cơ thể

VINH SƠN - LÊ PHONG
VINH SƠN - LÊ PHONG

AT - Làm thế nào để làm chủ cảm xúc bản thân? Phải làm sao để trở nên thu hút trong mắt nhiều người?... Những thắc mắc ấy đã được thầy Nguyễn Chua - trưởng khoa Tâm lý, Trường Đoàn Lý Tự Trọng - giải cụ thể tại chuyên đề “Giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể” dành cho các bạn học sinh Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM).

ZHyJWFXL.jpgPhóng to
Thầy Nguyễn Chua hướng dẫn các bạn học sinh thực hành ngôn ngữ cơ thể - Ảnh: Vĩnh Sơn

Thầy Nguyễn Chua chia sẻ: “Trong cuộc sống chúng ta phải biết quan sát những gì đang diễn ra xung quanh để kịp thời ứng phó với những thay đổi. Trong giao tiếp cũng vậy, chúng ta cần quan sát một cách tinh tế về cử chỉ, nét mặt, giọng nói... để hiểu hơn về người đối diện”.

Chìa khóa nhỏ để thành công

Những cử chỉ của người đối diện nên được đặt trong “cụm cử chỉ” để đánh giá. Thầy lấy ví dụ về trường hợp một bạn học sinh bị mất cuốn sách trong lớp học. Khi quay sang hỏi người bên cạnh “bạn có lấy cuốn sách của mình không?”, nếu chủ nhân cuốn sách nhận được những cử chỉ như mắt tròn xoe, chân nhổm lên, người đưa về phía trước... thì có thể khẳng định người bạn ngồi bên cạnh hoàn toàn “trong sáng”.

Theo thầy Nguyễn Chua, khi nắm bắt được ngôn ngữ cơ thể, bạn sẽ có cách lý giải khoa học về những hành động của người xung quanh. Đây là chìa khóa nhỏ để chúng ta thành công trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày.

Tránh cử chỉ xấu để hoàn thiện mình

Thầy Nguyễn Chua gợi mở vấn đề về việc chúng ta để lại ấn tượng không tốt cho người đối diện chỉ vì thiếu tự tin hay không làm chủ được cảm xúc nhất thời. Vì vậy, chúng ta cần phải biết điều chỉnh một cách khéo léo những cử chỉ hình thể của mình. Chẳng hạn, những điều kiêng kỵ về ánh mắt cần tránh trong giao tiếp là không nhìn người đối diện với ánh mắt coi thường, không đảo mắt hoặc liếc mắt vụng trộm, không nheo mắt hay nhắm cả hai mắt trước người khác...

Thầy Nguyễn Chua đề cập đến những mâu thuẫn ngày nay thường xảy ra đối với thanh thiếu niên bởi những cái “nhìn đểu” hay “chỉ tay”, chỉ vì chưa nắm bắt được ngôn ngữ hình thể. Cho nên, những bạn trẻ cần có những ứng xử phù hợp với điều kiện, môi trường và đối tượng giao tiếp để tránh những hiểu lầm nhỏ gây ra những hậu quả lớn.

Nét mặt con người thể hiện nhiều trạng thái cảm xúc như vui, buồn, ngạc nhiên, sợ hãi, lo lắng… và cùng với mỗi trạng thái cảm xúc ấy là các hành động của cơ thể. “Hãy biết kiềm chế cảm xúc của mình lúc nóng giận để có những hành động “đẹp”, tránh được những va chạm không đáng có trong giao tiếp hằng ngày”, thầy Nguyễn Chua nhắn nhủ.

10 cử chỉ ở người nói dối

1. Che miệng, ấn tay vào má, nắm tay đè môi

2. Xoa mũi

3. Vừa nói vừa dụi mắt để tránh ánh nhìn của người đối diện

4. Lúng túng

5. Đỏ mặt, mắt nháy

6. Lảng tránh, vò tai, bứt tóc, có những hành vi không bình thường

7. Toan tính vẽ vời câu chuyện

8. Làm vẻ giận dữ như bị chạm tự ái, làm ra vẻ bí mật hoặc kéo dài thời gian

9. Luôn giải thích nhiều vì cảm thấy lời nói của mình bị người khác nghi ngờ

10. Có vẻ hốt hoảng, tinh thần không ổn định

C0V5NRUH.jpgPhóng to

Áo Trắng số 19 ra ngày 15/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

VINH SƠN - LÊ PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên