TTCT - Thời gian qua không ít bệnh nhân khi điều trị ở bệnh viện hay đang phẫu thuật thì xảy ra những cái chết đột ngột và thường được giải thích là do sốc phản vệ. Nó là gì và lỗi do đâu?
<?xml:namespace prefix = v ns = "urn:schemas-microsoft-com:vml" /> |
Cung cấp thông tin đầy đủ cho bác sĩ để tránh những sự cố đáng tiếc trong quá trình điều trị - Ảnh: Tự Trung |
Cơ thể con người luôn sẵn sàng phản ứng bảo vệ mình trước các mối nguy hại từ bên ngoài. Phản ứng đó nhìn chung là có lợi. Nhưng đôi khi phản ứng mạnh mẽ lại trở thành có hại như hiện tượng sốc phản vệ.
Phản ứng của cơ thể
Sốc có thể xảy ra với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, độ nặng của sốc phụ thuộc tốc độ nhạy cảm của từng bệnh nhân, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể. Các triệu chứng thường xuất hiện ngay lập tức 1-2 phút sau khi tiêm hay uống hoặc có thể muộn hơn sau 30 phút hay hàng giờ, thậm chí có trường hợp xảy ra tới 72 giờ sau.
Nếu nhẹ bệnh nhân có thể chỉ bị nổi mẩn đỏ, ngứa, hay phù quanh hốc mắt, tê đầu lưỡi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Các chất trung gian hóa học làm giãn các mao mạch tăng tính thấm của thành mạch gây giảm thể tích tuần hoàn làm giảm lượng máu bóp ra từ tim gây tụt huyết áp. Các chất trung gian này có thể gây co thắt mạch vành gây suy thất phải hay thất trái cấp tính.
Thiếu máu cục bộ cơ tim xảy ra trong vòng vài phút sau sốc làm tình trạng càng tồi tệ thêm. Phù nề có thể xảy ra ở thanh quản, thanh môn, cộng với sự tăng tiết dịch trên đường hô hấp và sự co thắt phế quản càng làm hẹp thêm đường thở, bệnh nhân không thể thở được rồi nhanh chóng suy hô hấp và rơi vào hôn mê nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách.
Vì sao gây mê dễ sốc?
Các chất gây sốc phản vệ có thể là thực phẩm hay thuốc kháng sinh, thuốc dùng trong gây mê, thuốc tê, aspirin, cao su... Trong gây mê người ta thường gặp bệnh nhân sốc do thuốc giãn cơ nhất. Trong một nghiên cứu sáu năm tại Pháp từ 1997-2002 trên 17 triệu bệnh nhân được dùng thuốc giãn cơ, thuốc gây sốc phản vệ hàng đầu là rocuronium, sau đó là suuccinylcholine rồi đến atracurium, vecuronium...
Trong nhiều nghiên cứu, latex hay những vật liệu làm từ cao su là nguyên nhân phổ biến hàng thứ hai gây sốc phản vệ liên quan đến gây mê (lên đến 20% trường hợp).
Thuốc giãn cơ và cao su thường gây ra sốc phản vệ ở những bệnh nhân nữ. Dường như có một mối liên hệ giữa hút thuốc và sốc phản vệ do thuốc kháng sinh, có thể vì hút thuốc trở nên nhạy cảm hơn do tiếp xúc lặp đi lặp lại với thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp. Cá nhân có tiền sử dị ứng, hen suyễn hoặc dị ứng với một số loại thực phẩm dường như tăng nguy cơ dị ứng với cao su nhưng không phản ứng phản vệ với thuốc giãn cơ hoặc thuốc kháng sinh.
Sốc phản vệ liên quan đến chất cản quang chụp phóng xạ xuất hiện có liên quan đến dị ứng. Bệnh nhân bị bệnh hen suyễn hoặc dùng thuốc ức chế beta có thể bị phản ứng nặng hơn. Một số phản ứng nhẹ có thể đáp ứng với điều trị thông thường và tự khỏi sau 2-8 giờ.
Tuy nhiên những trường hợp sốc phản vệ nặng đòi hỏi phải được xử lý nhanh chóng, đúng cách và đòi hỏi người thầy thuốc có kinh nghiệm, có đầy đủ phương tiện cấp cứu như thuốc adrenaline, thuốc giãn phế quản, máy thở và máy sốc tim...
Các xét nghiệm hiện có để chẩn đoán phản vệ trong gây mê là không hoàn hảo. Các xét nghiệm máu hay test trên da có độ nhạy cảm và độ đặc hiệu hạn chế và các giá trị tiên đoán dương tính và âm tính khác nhau giữa các loại thuốc. Nhìn chung, rất khó tiên đoán một bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ hay không.
Những biểu hiện sớm của dị ứng là những dấu hiệu cần được nhận biết giúp bạn và bác sĩ lưu ý hơn trong mọi tình huống, nhất là khi cần phải có sự chăm sóc y tế nhằm phòng tránh tối đa những kết cục không mong muốn.
BS LƯU KÍNH KHƯƠNG
Câu hỏi bệnh nhân phải trả lời được
Để đảm bảo an toàn cho một ca phẫu thuật, bệnh nhân cần cho biết chi tiết về tiền sử bệnh lý như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, các dị ứng da, dị ứng với các loại thuốc đã xảy ra trước đây hay dị ứng thức ăn... để hạn chế tối đa những thuốc có nhiều khả năng gây sốc phản vệ. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được khám và điền vào phiếu khám tiền mê. Trong phiếu này bắt buộc bác sĩ phải hỏi về tiền sử của bệnh nhân, các bệnh lý nội khoa kèm theo và tiền sử dị ứng. Câu hỏi thường gặp là: từ trước đến giờ (bệnh nhân) có bị hen suyễn không? Có bị viêm mũi dị ứng không? Có dị ứng hay phản ứng với bất kỳ loại thuốc nào không? Có dị ứng với các loại thức ăn không, vì có những bệnh nhân có cơ địa dị ứng với thức ăn cũng có khả năng dị ứng chéo với một số loại thuốc khác như kháng sinh, nhất là nhóm penicilline, aspirin... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận