![]() |
Già làng Tiêu (bìa trái) trò chuyện với người trong thôn tại một cuộc họp ở thôn -Ảnh: H.V.Mỹ |
Công lao trồng quế của ông theo chân người buôn bán lan ra nhiều nơi, nhưng chuyện mái nhà nằm sâu giữa rừng già của ông thành mái ấm của những đứa trẻ bất hạnh bộ tộc Bh’noong trong vùng thì người ngoài ít ai biết.
Không nỡ nhìn cảnh côi cút
Vân vê chiếc ví còn lại những đồng tiền lẻ, mắt già làng Nguyễn Thành Tiêu ánh lên niềm vui: “Mới vừa lục xếp gửi cho con Hằng 200.000 đồng để thằng em nó cùng học lớp 11 về lấy mang đi hồi sáng. Tốn kém cho cái chữ của sắp nhỏ nhiều lắm. Nhưng tốn cho cái chữ thì đáng lắm”. Hằng và người chị ruột mồ côi cha, ít năm sau mẹ Hằng có chồng khác. Thấy cảnh những đứa trẻ mồ côi cha theo mẹ sống với bố dượng luôn cơ cực, không được học hành, ông nhận hai chị em Hằng về nuôi. Nhưng cô bé Hơn - chị Hằng, muốn theo mẹ nên chỉ có mình Hằng về ở với ông.
Cuộc sống ở chốn rừng sâu Trà Leng chỉ mới nối được với bên ngoài bằng đường xe thồ với giá 200.000đồng/16km từ dăm ba năm nay, gian khó đủ điều. Nhưng già Tiêu nói có khó khổ mấy ông vẫn ráng chịu được chứ không thể nhìn cảnh những đứa trẻ côi cút bị đói cơm đói chữ. Hai cậu bé mồ côi cha mẹ đầu tiên được ông nhận về nuôi vào năm 1984, lúc vợ chồng ông đã có một đàn con bốn đứa.
“Cuộc sống ở đây khó, nhà mình đông con lại càng khó hơn. Có lúc cây quế không bán được mình phải xoay xở đủ cách để có cái nuôi chúng nó. Nhưng mình lo nhất là lúc chúng ốm đau. Lại ngặt Trà Leng là xã nằm trong vùng sốt rét nặng nhất nhì của tỉnh. Mình đã nuôi con người ta thì phải làm sao cho nó được lớn khôn, chứ lỡ có chuyện gì với chúng nó cái bụng mình làm sao yên được”, ông nhắc lại.
Có lúc ông bấn người lên vì túng cái ăn, phải bán đổ bán tháo những con bò, con heo có được với giá rẻ cho người buôn vùng xuôi lặn lội đến. Vậy mà cái bụng thương trẻ của ông vẫn chưa khép lại được. Năm 1985, thấy cậu bé Hồ Văn Hoa mới hai tuổi bị mất cha, mất mẹ chỉ trong một năm, ông đã đến dẫn về nuôi nốt.
Đã thương là thương cho hết. Năm 2000, với một đàn con đông đến 12 đứa - trong đó có năm đứa con nuôi, ông vẫn nhận nuôi hai đứa trẻ mồ côi cha mẹ trong làng. “Hồi đó một số đứa được mình nuôi đã khôn lớn, nhưng lo chuyện ăn mặc, học hành cho mấy đứa còn lại cũng làm mình căng lắm. Nhưng thấy hai chị em thằng Chuyên rách rưới, lang thang trong rừng gặp gì ăn nấy, cái bụng mình chịu không được. Vậy là phải đưa hai đứa nó về nuôi thôi”, ông kể.
![]() |
Già làng Tiêu (bìa trái) cùng bà con trong làng - những người được ông cho cây quế con - nhổ quế con đi trồng - Ảnh: H.V.Mỹ |
Để bà con bớt khổ
Biết cái bụng của già Tiêu thương người, những người nghèo trong làng ngoài xã thường đến với ông khi họ gặp túng ngặt. Hũ gạo, vựa thóc giống nhà ông thường vơi nhanh vì san sẻ cho những người đến gõ cửa nhờ ông giúp đỡ. Tấm lòng hào hiệp của già làng Tiêu cũng luôn mở ra niềm vui cho cả nóc làng từ những gì ông có được.
“Lúc nào thấy bà con thiếu miếng tươi lâu ngày quá thì bố Tiêu lại cho mổ thịt một con bò của bố để nhà nào cũng có được miếng ngon một bữa. Ngày tết, ngày hội làng cũng vậy, bố cho mổ con bò hay con heo để đãi cả làng, người nghèo lại có phần mang về nhà nữa” - ông Nguyễn Thanh Xuân, bí thư chi bộ thôn 3, xã Trà Leng, ở kề nhà già Tiêu, nói. Một số người Ca Dong ở thôn 4, xã Trà Dơn kề bên cũng nhắm đến già Tiêu như một địa chỉ trông cậy, đỡ đần.
Không phải những gì cao xa, với những con người nơi núi cao rừng thẳm này một chiếc áo, chiếc quần hay đôi dép cũ, một con rựa, dăm ba ký thóc, một dúm bột ngọt, vài chục ngàn đồng là cả một món đồ lớn.
Ông Lê Hoàng Việt - chủ tịch UBND xã Trà Leng: “Lòng nhân ái của già làng Tiêu đã giúp những đứa trẻ côi cút ở đây thoát cảnh khó khăn cơ nhỡ. Từ mái ấm gia đình của ông, những trẻ mồ côi nay đã trưởng thành, em nào cũng được học hành, có em bây giờ là cán bộ xã. Với cây quế ở đây cũng vậy, già Tiêu đã giúp đỡ để nhiều người có giống quế trồng rộng ra, giữ được mùa quế để làm chỗ dựa cho bà con. Già Tiêu từng là chủ tịch, bí thư đảng ủy xã, tấm lòng nhân ái, vì cộng đồng của ông có tác dụng rất lớn với lớp cán bộ trẻ ở đây”. |
Nhưng điều đáng nói là vị già làng Bh’noong 62 tuổi này đã góp phần giữ giống cây quế quý Trà My của xứ Quảng mà vùng Trà Leng được xem là cái nôi quế có chất lượng vượt trội. “Cơn sốt” quế Trà My những năm sau hòa bình đã nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn quế Trà Leng, những cây quế lớn cho hạt để ươm trồng không còn mấy. Rồi đến lúc ngành chức năng ở Quảng Nam du nhập giống quế miền Bắc - giống quế có chất lượng thấp hơn so với quế Trà My - vào trồng ở khắp vùng Trà My.
Giữa lúc hạt quế giống Trà My thiếu trầm trọng, may thay chỉ già làng Tiêu cùng một ít già làng khác ở Trà Leng còn lại nhiều cội quế giống. Dù hạt quế giống Trà My những năm 1980-1990 có giá rất cao, nhưng nghĩ đến bà con, già làng Tiêu vẫn mở cửa vườn quế giống của mình cho bà con trong làng đến nhặt hạt ươm trồng. Mùa trồng quế mỗi năm ở Trà Leng vẫn được duy trì, dân làng tránh bớt được cái “họa” quế giống ngoại lai có công một phần của những già làng biết nhìn xa để giữ mùa, giữ giống cho cây quế.
“Nói thiệt, dân mình có được rừng quế căn bản như chừ là nhờ cái công, cái bụng của bố Tiêu. Giờ thì phần đông bà con ở đây đã có được cây quế cho hạt để ươm trồng mỗi năm rồi”, vẫn lời của bí thư Xuân. Theo ông Xuân, đến nay vườn quế giống của già làng Tiêu vẫn còn là chỗ cậy dựa của những người nghèo trong làng trong xã. Kẻ đến nhặt hạt để ươm, người đến nhờ ông ủng hộ cho cây con về trồng.
Nhìn những vườn quế trong làng ngút ngàn nối với rừng già, nhìn những đứa con nuôi con đẻ trưởng thành, già làng Tiêu nói dù mình vẫn còn khó khăn nhưng ông rất thỏa lòng. Thời chiến tranh ông tham gia đơn vị bộ đội hậu cần Quân khu 5 suốt tám năm. Hòa bình, ông về quê làm giao liên xã, từ đó ông làm chủ tịch rồi bí thư Đảng ủy xã Trà Leng, đến năm 2007 ông nghỉ hưu. Bị thương tật trong chiến tranh song đến nay ông vẫn chưa có chế độ trợ cấp, nhưng ông vẫn không đòi hỏi.
“Mình lo được cuộc sống cho mình là tốt rồi. Nhà nước còn nhiều việc phải lo lắm mà!”, ông nói.
__________________________
Số tới, đón đọc loạt bài: Những chú lùn vượt lên chính mình
Họ là những người có thân hình nhỏ bé, với chiều cao chỉ trên dưới một mét, nhưng đã vượt lên khó khăn để lao động, học tập như những người bình thường. Có người đã nỗ lực làm được những việc mà không phải người bình thường nào cũng làm được: leo lên đỉnh Phanxipăng, làm giám đốc công ty kinh doanh nông sản quy mô lớn...
Và những cuộc đi tìm nàng Bạch Tuyết cho chính họ cũng thật nhiều khó khăn nhưng đầy những câu chuyện cảm động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận