Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đến thăm bệnh nhân đầu tiên được ghép tim từ người cho bị chết não tại Viện Quân y 103 - Ảnh: H.M.An |
Ông NGUYỄN VĂN TIÊN, phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói như vậy khi đề cập chuyện một gia đình người thanh niên chết não vì tai nạn đồng ý hiến tạng. Ông Tiên nói:
- Năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã tạo khung pháp lý để Việt Nam phát triển ngành kỹ thuật y học ghép mô cũng như bộ phận cơ thể người, đồng thời tăng cường nguồn cung cấp mô, bộ phận cơ thể người để cứu sống nhiều người bệnh hơn nữa. Tuy nhiên, việc có hành lang pháp lý không có nghĩa là mọi chuyện sẽ được thực hiện thuận lợi ngay.
* Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, sau khi luật ra đời, nhìn chung việc hiến tạng vẫn rất hạn chế?
- Đến nay các cơ quan chức năng đã có các văn bản hướng dẫn dưới luật cũng như mở một số đợt tuyên truyền nhưng kết quả chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều người dân còn chưa biết rõ các quy định về hiến xác, ví dụ tôi biết có trường hợp một người có nhu cầu hiến xác nhưng bà không biết phải làm như thế nào và gọi đến cơ quan nào để thực hiện nhu cầu của mình. Hơn nữa, với phong tục “chết phải toàn thây” thì khả năng hiến tạng là rất khó. Có khi người mẹ đồng ý nhưng các con không đồng ý.
* Ngoài yếu tố tâm linh “chết phải toàn thây” thì còn yếu tố nào khác khiến các trường hợp hiến tạng chưa nhiều?
- Có thể nói luật đã tạo ra khung pháp lý tốt, nhưng quá trình triển khai còn có những vấn đề này khác cũng là điều dễ hiểu, vì từ trước đến nay chúng ta chưa thực hiện nhiều những vấn đề liên quan. Đơn cử việc thành lập trung tâm điều phối về hiến, ghép mô tạng để có một hệ thống vận hành trơn tru hiện chưa được thuận lợi lắm. Những khó khăn như vậy ảnh hưởng đến quá trình triển khai luật.
* Năm ngoái, Viện Quân y 103 (Hà Nội) thực hiện ca ghép tim đầu tiên (có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài) trên người tại Việt Nam. Bệnh viện này đặt mục tiêu thực hiện thêm một ca ghép tim vào năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa có ai tình nguyện?
- Tôi nghĩ ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, việc ghép tạng nói chung phải làm ở bệnh viện lớn, có trình độ chuyên môn và điều kiện kỹ thuật hiện đại. Thứ hai, việc tìm người hiến tim cũng không dễ. Còn những trường hợp khác, ví dụ như ghép thận, nếu thực hiện vận động mạnh sẽ thuận lợi hơn nhiều.
* Thưa ông, cần phải sửa đổi, bổ sung quy định nào trong luật để mọi việc trở nên thuận lợi hơn?
- Hiện chưa có sơ kết, đánh giá, nhưng qua giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì nội dung luật chưa có vướng mắc gì, nhìn chung là thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân. Chỉ có vấn đề là khi người dân có nhu cầu hiến tạng vẫn còn chuyện gọi chỗ này lại được chỉ chỗ kia. Không nên để xảy ra tình trạng như vậy, người dân cần có số điện thoại để gọi khi có nhu cầu hiến tạng và qua đó được tư vấn kỹ càng, tránh làm giảm nhiệt tình của người muốn hiến tạng.
* Cần làm gì để luật phát huy hiệu quả hơn nữa?
- Điều quan trọng nhất là phải có một chiến dịch tuyên truyền lâu dài và đủ mạnh để tác động vào nhận thức của người dân. Tất nhiên việc này cần có thời gian nhưng không thể chờ đợi một cách chung chung, phải triển khai các giải pháp đồng bộ và rất cụ thể. Đơn cử, trên các phương tiện thông tin đại chúng cần có chuyên mục về vận động người dân tham gia hiến tạng. Các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng thúc đẩy việc xây dựng, củng cố trung tâm điều phối hiến, ghép mô tạng, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và cán bộ giỏi.
* PGS.TS Hoàng Mạnh An (giám đốc Viện Quân y 103): Nguồn tạng khan hiếm Dù luật về hiến ghép mô, tạng được Quốc hội nước ta ban hành và được bạn bè quốc tế đánh giá là hiện đại, văn minh nhưng thực tế việc đưa luật vào cuộc sống vẫn khá gian nan. Mấu chốt quyết định cuối cùng vẫn là nhận thức của người dân. Thực tế cho thấy nguồn hiến tạng không thay đổi gì giữa thời điểm trước và sau khi luật được ban hành. Tháng 6-2010, Viện Quân y 103 thực hiện ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam và đó vẫn là trường hợp người chết não hiến tạng duy nhất tại bệnh viện. Không nói đâu xa, ngay việc hiến tặng thận hay một phần gan từ những người ruột thịt cho nhau cũng gặp đủ rào cản. Mới đây, một người trẻ suy thận mãn giai đoạn cuối được anh trai đồng ý hiến thận, bệnh viện và bệnh nhân đã sẵn sàng cho cuộc ghép, rốt cuộc lại phải hủy vì chị dâu không đồng ý. Người cần ghép tạng hiện gặp rất nhiều khó khăn để tìm nguồn hiến. Trước đây, người Việt Nam hay sang Trung Quốc để ghép tạng vì người ta cho phép lấy tạng từ tử tù, nhưng nay Trung Quốc cũng không cho phép lấy nguồn tạng từ tử tù nữa. Muốn ghép tạng ở nước ngoài, bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu và số tiền phải chi trả trong thời gian chờ đợi ấy nhiều khi tốn kém hơn cả cuộc mổ. Trong nước, nhiều người cũng có nhu cầu hiến tạng. Riêng trong tháng 3, có ba người trực tiếp đến viện xin hiến tạng (cho một quả thận) nhưng họ cũng yêu cầu “giúp đỡ” một khoản tiền nào đó do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Chúng tôi rất khó xử, vì đúng là nguồn tạng đang rất hiếm, rất cần nhưng không thể tiếp nhận những trường hợp hiến tặng “có điều kiện” như vậy được. Theo tôi, cần sớm đưa trung tâm điều phối mô, tạng đi vào hoạt động để cầm trịch việc nhận tạng từ người cho, phân phối đến đúng địa chỉ người cần nhận. Nhà nước nên trích một phần ngân sách để hỗ trợ lại gia đình người cho, chứ không nên để người nhận vốn đã kiệt quệ vì bệnh tật phải chi trả thêm những chi phí dạng này. * Ông Nguyễn Hữu Hoàng (phó giám đốc ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt trung ương): Ngân hàng mắt... quá nghèo Ngay từ trước khi có luật, ngân hàng mắt đã tiến hành thu nhận giác mạc từ người chết để ghép cho những bệnh nhân có nguy cơ mù do các bệnh lý giác mạc gây ra. “Đi trước, đón đầu” nhưng đến nay ngân hàng cũng mới chỉ tiếp nhận được giác mạc từ 107 người hiến. Gọi là “ngân hàng” mà nguồn dự trữ quá nghèo, có bao nhiêu “tiêu” hết bấy nhiêu. Năm 2010 có 28 người hiến, từ đầu năm 2011 đến nay có thêm chín người. Thao tác lấy giác mạc từ người chết rất đơn giản, chỉ mất 15-20 phút, lớp giác mạc mỏng phía trước mắt được lấy đi, phần nhãn cầu còn nguyên vẹn không ảnh hưởng gì đến hình ảnh người đã qua đời, không ảnh hưởng đến quá trình làm tang lễ, nhưng tư tưởng “chết phải toàn thây” quá nặng nề và trì níu ước nguyện được hiến tặng mô, tạng ở nhiều người. Hiện Bệnh viện Mắt trung ương có khoảng 1.000 người chờ được ghép giác mạc mới tránh được nguy cơ mù vĩnh viễn, nhưng ngân hàng mắt không không thể chủ động đặt ra chỉ tiêu giải quyết do phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức và ý nguyện của người cho. * GS.TS Bùi Đức Phú (giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế): Không thể thực hiện ghép tạng kiểu đại trà Có được ca ghép tim đầu tiên hoàn toàn do các bác sĩ Việt Nam thực hiện tại bệnh viện, trước hết chúng tôi phải cảm ơn người chết não đã hiến tạng. Cũng phải nói đó là “cơ duyên” vì sau 5-10 lần thuyết phục, bệnh viện mới nhận được cái gật đầu đồng ý của toàn thể gia đình. Muốn nguồn hiến dồi dào hơn thì nhận thức về vấn đề hiến tạng phải nhẹ nhàng hơn trong tâm thức của cộng đồng, giống như tình nguyện hiến máu chẳng hạn. Nhu cầu được ghép tạng rất lớn, năng lực, trình độ, kỹ thuật của bác sĩ Việt Nam hoàn toàn làm được, tại sao bệnh nhân phải ra nước ngoài điều trị? Tất nhiên, ghép tạng không thể triển khai đại trà. Ngay cả các bệnh viện có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng thì vẫn chưa đủ để tiếp nhận bệnh nhân ghép tạng. Bởi lẽ sau ghép tạng còn cần một quá trình theo dõi, điều trị lâu dài và chặt chẽ. Không thận trọng, người bệnh có thể chết sau 1-2 năm ghép, như vậy nguồn tạng rất hiếm, rất quý lại bị dùng phí phạm. Theo tôi, để có sự đột phá trong mảng hiến, ghép tạng chắc chắn cần một trung tâm điều phối. NGỌC HÀ ghi |
______________________
Ông Nguyễn Tuấn Hưng (phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế):
Sẽ thành lập trung tâm điều phối hiến, ghép tạng
Dự kiến một tháng nữa dự án thành lập trung tâm điều phối hiến, ghép mô tạng quốc gia sẽ được trình Chính phủ. Trước đây, Bộ Y tế dự định thành lập trước một trung tâm điều phối hiến, ghép mô tạng trực thuộc một bệnh viện, chờ mô hình hoàn thiện sẽ tách ra để trung tâm trực thuộc bộ.
Nhưng đến nay kỹ thuật ghép tạng trong nước đã phát triển, Bộ Y tế thực hiện theo đúng Luật hiến, lấy, ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người và nghị định hướng dẫn thành lập trung tâm điều phối hiến, ghép mô tạng quốc gia trực thuộc Bộ Y tế.
Trung tâm sẽ điều phối để người hiến và người chờ được ghép tạng gặp nhau. Chúng tôi đang rất quyết tâm để sớm hoàn thành dự án này, vì số người chờ được ghép rất lớn. Theo chỗ tôi biết, ở Bệnh viện T.Ư Huế đang có 5-7 bệnh nhân chờ được ghép tim, chờ ghép thận có hàng ngàn người, chờ ghép giác mạc thì nhiều vô kể.
Trung tâm này sẽ giống như một cổng thông tin, trong đó có thông tin về người chờ được ghép, người tình nguyện hiến tặng và kết nối giữa họ.
L.ANH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận