![]() |
Thùy phuy chất đống như núi tại một cơ sở trên bờ kênh Hiệp Tân, quận Tân Phú -Ảnh: N.Triều |
Trong vai một anh nông dân từ miền Tây đi tìm mua thùng phuy về làm phao nổi đóng bè nuôi cá, tôi ghé vào một con hẻm trên đường Đất Mới, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Con hẻm cụt rộng chừng 8m và sâu vài chục mét, hai bên là nhà xưởng với la liệt thùng phuy chất từ ngoài cổng, tràn trên sân và đầy kín trong nhà. Trưa nắng, hơi chứa bên trong những thùng phuy bằng sắt móp méo bị đốt nóng trương lên phát ra những tiếng “ping poong” kèm theo một thứ mùi ngai ngái, nghẹt thở.
Muốn gì, có đó!
Sau mấy giây ngắm nghía từ đầu đến chân và nghe tôi ngỏ ý muốn mua thùng phuy làm bè cá, một thanh niên tên T. xưng là chủ cơ sở mua bán thùng phuy bắt đầu xởi lởi: “Anh muốn mua bao nhiêu, phuy sắt hay phuy nhựa?”. Tôi thú thật mới vô nghề nên đang tìm hiểu, xem cái nào rẻ và bền rồi mới quyết định. “Phuy nhựa hai trăm hai mươi nghìn một cái, còn phuy sắt thì em để rẻ cho anh một trăm hai mươi nghìn thôi. Nhưng theo em, anh nên xài phuy nhựa vì vĩnh viễn không hư, chứ phuy sắt chỉ hai ba năm là mục, phải thay cái khác mệt lắm”, T. tư vấn.
Tôi chê giá cao và vờ bỏ đi thì T. kéo lại giải thích thùng phuy có nhiều loại và nhiều giá, tiền nào của đó. Muốn mua phuy sắt giá rẻ hơn cũng có nhưng là loại mỏng và bên trong bị gỉ mục hoặc bề ngoài móp méo, mà các cơ sở này mua về sơn lại bán giá rẻ chưa tới 100.000 đồng/chiếc hay cắt ra bán sắt mảnh cho những người mua về rèn cuốc xẻng.
Xử phạt năm cơ sở súc rửa thùng phuy gây ô nhiễm UBND quận Bình Tân vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với năm cơ sở súc rửa thùng phuy trái phép, vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải nguy hại. Ngoài mức xử phạt 7,5 triệu đồng/cơ sở, UBND quận Bình Tân còn buộc các cơ sở này phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để xử lý, súc rửa thùng phuy theo quy định. |
Dạo qua một số cơ sở khác ở khu vực quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, chúng tôi đều được tiếp đón niềm nở và bảo đảm “anh tìm không ra nơi nào bán rẻ hơn ở đây đâu”. Một chủ cơ sở, cũng trên đường Đất Mới, khoe mỗi tháng bán được vài trăm thùng phuy là chuyện bình thường.
Tuy nhiên khi hỏi sâu một chút về nguồn gốc và những loại hóa chất chứa bên trong thùng phuy này thì các chủ cơ sở đều lảng sang chuyện khác hoặc chỉ trả lời chung chung là đựng hóa chất công nghiệp, thuốc trừ sâu.
Nguy cơ nhiễm độc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là những thùng phuy chứa sơn, dầu, dung môi công nghiệp, hóa chất do các cơ sở sản xuất công nghiệp thải ra và bán cho các đầu nậu thu gom với giá phế liệu. Đặc biệt, một lượng không ít thùng phuy có nguồn gốc từ các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc sát trùng, thuốc trừ sâu, diệt cỏ được các cơ sở này mua về súc rửa qua loa rồi bán lại.
Đầu ra của các loại thùng phuy này cũng rất đa dạng: bán lại cho các tiệm kinh doanh dầu nhớt lẻ hoặc các đầu mối phân phối đưa về nông thôn làm dụng cụ chứa nước, làm phao nổi bè cá… Thậm chí nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thủy sản mua thùng phuy từ các cơ sở này về cắt nắp rồi dùng làm dụng cụ lưu chứa, ướp lạnh.
Tất cả thùng phuy chứa dung môi công nghiệp, hóa chất, thuốc trừ sâu đều được liệt vào danh mục chất thải nguy hại đòi hỏi quy trình quản lý, xử lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất không ý thức được điều này hoặc vì né chi phí xử lý (20.000- 40.000 đồng/ chiếc) nên tuồn thùng phuy đã qua sử dụng cho các cơ sở mua bán thùng phuy, các cơ sở kinh doanh phế liệu, vừa không mất tiền vừa có thêm tiền.
Nguy hiểm hơn, những thùng phuy này được các cơ sở mua bán thùng phuy súc rửa không đúng quy trình kỹ thuật theo quy định trước khi bán cho người tiêu dùng sử dụng vào mục đích khác.
Hồi giữa tháng 1, lực lượng của Cục Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Tài nguyên - môi trường quận Bình Tân đã kiểm tra đột xuất sáu cơ sở kinh doanh thùng phuy và gia công chặt thùng phuy tại quận này. Tại đây, lực lượng kiểm tra phát hiện các cơ sở này tổ chức súc rửa trái phép các loại thùng phuy chứa dầu nhớt, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường.
Một cán bộ cảnh sát môi trường cho biết các cơ sở đã kiểm tra đều không được cấp phép súc rửa thùng phuy và việc súc rửa chỉ thực hiện thủ công bằng cách xịt nước. “Thùng phuy mua từ các cơ sở này nếu dùng đựng thực phẩm, nước uống thì nguy cơ bị nhiễm hóa chất độc hại là khó tránh khỏi”, cán bộ này cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận