02/04/2009 10:11 GMT+7

Hết Rào Trổ đến Rào Gang

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Rào Gang và sông Cả chảy qua các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An) đã đưa đến một địa chỉ đen: nhà máy chế biến tinh bột sắn.

t8Puc4XE.jpgPhóng to

Nước thải đục ngầu chảy thẳng vào hồ số 8 - Ảnh: Vũ Toàn

Vụ việc tôm cá chết dạt vào bờ xảy ra đêm 30 và sáng 31-3 khiến dư luận thêm bức bối vì vụ đầu độc sông Rào Trổ (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chỉ mới được khơi ra vài ngày trước.

Chờ đêm mưa xả trộm

Người dân xóm 9 Ngọc Mỹ, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương cho hay đêm 30-3 lợi dụng trời mưa to, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Intimex Nghệ An (cách thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương 2km) đã dùng máy xúc khai bờ đất ở hồ số 8 (còn gọi là hồ làm thêm) để xả nước từ hồ này ra sông Rào Gang.

* Nhà máy chế biến tinh bột sắn Intimex hoạt động đầu năm 2004, công suất 300 tấn sắn tươi/ngày, cho 60 tấn sản phẩm/ngày. Sản phẩm xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines.

* Tổng lượng nước trong tám hồ là 120.000m3. Hiện nước thải từ khu vực sản xuất chỉ chảy qua một hồ lắng 720m3 rồi chảy thẳng ra các hồ. Hầu hết các hồ đều bị nước thấm ra sông Rào Gang.

Sở dĩ người dân biết chuyện là do nước chảy rào rào từ trên hồ xuống. Cùng lúc, mùi hôi thối xộc vào nhà. Cứ chờ đêm mưa là nhà máy tranh thủ xả trộm như thế nên người dân sống xung quanh phải đóng kín cửa nẻo, thậm chí phải dùng giẻ nhét kín các ô thông gió xung quanh nhà. Một người dân mô tả: “Mỗi lần xả nước cuộn lên, sáng ra bọt nổi trắng như bọt xà phòng. Xả nước đợt nào cá chết đợt đó”.

Một người dân bức xúc: “Khi chưa có nhà máy, tầm 15g là bà con làng Ngọc Mỹ ra sông cào hến, bây giờ muốn kiếm chút hến con cũng không có. Trong vườn có cái ao con, tối thả cá thì sáng mai đã thấy cá nằm phơi bụng. Lúc đó mới biết nước trong ao cũng bị ô nhiễm”.

Nước giếng của người dân không nằm ngoài ảnh hưởng. Giếng nước nhà ông Trịnh Văn Tính bị ô nhiễm ba năm nay. Ông cụ 70 tuổi lom khom múc lên gàu nước phân trần: “Nhà tôi đi xin nước đã ba năm nay vì nước thải nhà máy ngấm vô ao rồi ngấm xuống giếng, ác thật. Nước giếng này nấu cơm thì hạt cơm chua, nấu nước chè xanh thì nước có mùi hôi khói, không ăn, không uống nổi. Thế nhưng nước giếng này còn có thể tắm rửa, giếng của bà Ngân, bà Thủy, ông Thơi thì chịu chết, nước đen như mật”.

“Tôi biết sai rồi”

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Intimex Nghệ An cũng có chuỗi hồ xử lý nước thải kiểu lắng lọc vi sinh. Nhưng tận mắt chứng kiến hồ số 8 - hồ lọc nước thải cuối cùng để thải ra sông (nước tiêu chuẩn loại A, sạch như nước tự nhiên) - thì khó tin vào mắt vì nước trắng đục màu sữa ở giữa hồ, còn nước ven bờ đen thui. Cây quanh hồ rụng lá, thân cây toàn màu đen.

Ông Trần Quốc Hoàn - giám đốc nhà máy - gần như thừa nhận: “Tôi biết tôi sai rồi nhưng hãy cho tôi giải thích. Đêm 30-3 do trời mưa to, hồ số 8 sắp tràn, sợ vỡ hồ nên nhà máy đã tháo cho nước chảy trực tiếp xuống sông Rào Gang khoảng 30.000m3 nước”. Đáng ngạc nhiên là dù nhà máy đã hoạt động được năm năm nhưng bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống xử lý nước thải nơi này vừa mới khởi công. Về chuyện này ông Hoàn lại thừa nhận: “Tôi biết tôi sai rồi”.

Hỏi đến cống thải nước sạch ra sông, ông Phùng Xuân Vị, cán bộ kỹ thuật nhà máy, thú thật: “Hiện không còn cống nào cả. Trước đây có một cống nhưng bị sập mất rồi”.

Giám đốc Sở TN-MT Nghệ An Đinh Viết Hồng:

“Đúng là hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu”

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, giám đốc Sở TN-MT Nghệ An Đinh Viết Hồng đã khẳng định như vậy. Ông Hồng cho biết tỉnh cũng vừa có đoàn đi kiểm tra tại nhà máy này sáng 1-4. “Việc cá chết hàng loạt trên sông Rào Gang và sông Cả là do tác hại của nước thải từ Nhà máy chế biến tinh bột sắn Intimex Nghệ An. Dư luận người dân phản ảnh nhà máy thường xuyên tháo trộm nước thải ra sông Rào Gang là có thật. Hiện chúng tôi đã lấy mẫu nước sông Rào Gang phân tích mức độ ô nhiễm, lập hồ sơ để xử phạt. Năm 2007, nhà máy này đã bị Sở TN-MT phạt 22 triệu đồng. Nếu thấy tình hình ô nhiễm nghiêm trọng thì chúng tôi sẽ đình chỉ hoạt động của nhà máy để khắc phục các sự cố”.

Kiểm tra môi trường hơn 200 doanh nghiệp

* Bình Thuận: đình chỉ nhà máy mì (sắn) gây ô nhiễm môi trường

(TP.HCM, Bình Thuận) - Chiều 1-4, ông Nguyễn Văn Phước - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho biết thanh tra sở đã bắt đầu kế hoạch kiểm tra về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trên địa bàn TP, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải, khí thải… Quy mô đợt kiểm tra này được tiến hành ở hơn 200 doanh nghiệp có khối lượng xả thải lớn, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm cao như dệt nhuộm, hóa chất, xi mạ… Đợt kiểm tra này kéo dài đến tháng 6-2009.

Ngoài nội dung kiểm tra nói trên, Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường cũng tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định về sử dụng tài nguyên nước, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp…

Từ đầu năm đến nay Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường đã quyết định xử phạt hơn 100 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.

* Tin từ UBND huyện Tánh Linh, Bình Thuận ngày 1-4 cho biết chủ tịch UBND huyện đã quyết định đình chỉ hoạt động Nhà máy chế biến tinh bột mì Ngọc Thạch tại xã Gia Huynh do không thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, xả thải vượt tiêu chuẩn từ mười lần trở lên. Trước đó, các cơ quan chức năng của Bình Thuận đã nhiều lần kiểm tra xử lý hành chính, buộc chủ doanh nghiệp khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm không được khắc phục.

Nhà máy chế biến tinh bột mì Ngọc Thạch có công suất 60-70 tấn mì củ/ngày.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên