20/02/2006 10:47 GMT+7

Hết chuyện Nhà nước tự mua phim của mình

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Theo kế hoạch, việc thực hiện “đặt hàng” sản xuất phim sẽ được tiến hành từ quý 2 năm 2006. Khi cho rằng đây là những phương thức làm phim có hiệu quả, ông Nguyễn Phúc Thảnh, Cục trưởng Cục Điện ảnh VN, cũng khẳng định: với phương thức đầu tư này sẽ chấm dứt cảnh tiền Nhà nước chạy vòng vèo…

mFLmBuZC.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Gió thiên đường
Theo kế hoạch, việc thực hiện “đặt hàng” sản xuất phim sẽ được tiến hành từ quý 2 năm 2006. Khi cho rằng đây là những phương thức làm phim có hiệu quả, ông Nguyễn Phúc Thảnh, Cục trưởng Cục Điện ảnh VN, cũng khẳng định: với phương thức đầu tư này sẽ chấm dứt cảnh tiền Nhà nước chạy vòng vèo…

Thế nào là …vòng vèo?

Trả lời câu hỏi này, ông Thảnh nói: “Nhà nước đầu tư tiền để sản xuất phim, nhưng các hãng lại giữ bản quyền như sản phẩm của riêng mình, sau đó bán phim cho Fafilm. Fafilm lại dùng tiền Nhà nước đầu tư mua một phần bản quyền các phim VN để phát hành”. Nghĩa là Nhà nước phải mua những phim do chính mình bỏ tiền ra làm! Đó là một nghịch lý vẫn tồn tại trong nền điện ảnh VN suốt nhiều năm qua.

Một dạng vòng vèo khác là các hãng phim chỉ góp vốn …trên giấy một quan chức khác của Cục bức xúc: “Khi duyệt tổng dự toán, các khoản chi được tính toán rất cụ thể. Thí dụ hãng sản xuất phải bù thêm 30% kinh phí sản xuất (Nhà nước chỉ trợ giá 70% tổng dự toán được duyệt), đồng thời quy định mức quản lý phí là 156 triệu VNĐ/phim. Nhưng không một hãng nào bù thêm 30% kinh phí bắt buộc này, hơn thế các khoản chi cũng “tam sao thất bổn”, không được thực hiện theo đúng tổng dự toán đã duyệt”.

Than thở “chẳng hiểu sao vẫn làm được phim”, đạo diễn Phạm Lộc kể về số phận bộ phim mới của mình: “Thiên thần bé nhỏ được duyệt tổng dự toán là 1,9 tỷ. Nhưng thật ra người làm phim chỉ nhận được 1,3 tỷ (khoản Nhà nước trợ giá 70%), đồng nghĩa với việc kinh phí làm phim mất đứt khoảng 600 triệu so với con số trên giấy. Trừ quản lý phí, thuê máy móc, lương cho các thành phần tham gia phim… đoàn chỉ cầm 450 triệu ra trường quay “tác chiến”. Đụng đâu cũng thiếu tiền. Giật chỗ nọ vá chỗ kia…nghĩ mà kinh.

Nếu Nhà nước đặt hàng, các khoản chi được quy định hợp lý, đoàn làm phim được cầm khoảng 1 tỷ ra trường quay chắc chắn chất lượng phim sẽ được nâng lên. Điều này đúng với tâm sự của đạo diễn Hồ Quang Minh khi nói về phim Việt: “Chỉ cần 1,5 tỷ là đã có phim ra tấm, ra món”.

Theo ông Thảnh, kinh phí làm phim sẽ được duyệt trên cơ sở quy mô từng kịch bản, có thể là 3 tỷ, 2 tỷ, nhưng đôi khi cũng chỉ cần khoảng 1 tỷ. Fafilm VN không phải bỏ tiền mua phim (khoảng 150 triêu/phim) như trước đây, mà dành khoảng tiền này (khoảng 300-400 triệu/năm) vào việc in nhân bản, gửi phim về địa phương, tuyên truyền quảng cáo…Tiền Nhà nước đầu tư đúng mục đích sẽ đạt được hiệu quả cao không chỉ ở việc nâng cao chất lượng phim mà cả việc đưa phim đến với khán giả, đặc biệt là khán giả ở các địa phương, vùng sâu, vùng xa…

Chỉ đặt hàng phim truyền thống?

Đưa Gió thiên đường vào rạp “đua” cùng phim của tư nhân dịp Valentine này, đạo diễn Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng phim Giải phóng, hồ hởi: “Để có khán giả, nên đầu tư và huy động thêm tiền làm những phim như Gió thiên đường. Còn những phim truyền thống chỉ nên làm bằng chất liệu video để phát sóng trên truyền hình cho đông đảo khán giả cùng xem (?)”.

Ý kiến này bị các nhà quản lý bác bỏ ngay. Lý do, Nhà nước chỉ đặt hàng (đấu thầu) sản xuất các phim truyền thống phục vụ mục đích tuyên truyền; muốn làm phim giải trí kinh doanh các hãng phải tự huy động vốn. Trước đây, phim đề tài truyền thống chất lượng không cao là do việc quản lý sản xuất chưa chặt chẽ, tiền đầu tư chưa được sử dụng đúng mục đích. Sự thay đổi phương thức đầu tư sẽ nâng cao chất lượng phim và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng phim.

Mặt khác, trong công tác lưu trữ phim, chất liệu bền vững nhất vẫn là phim nhựa. Với phương thức đặt hàng, cơ quan quản lý không bị áp lực về việc “giải ngân” tiền tài trợ năm như trước đây. Nên sẽ không còn chuyện phải duyệt những kịch bản không đáng làm phim nhựa vào những tháng cuối năm. Không tìm được kịch bản đáng “tiêu tiền” thì tiền đầu tư sẽ vẫn nằm trong “két” của kho bạc Nhà nước và nghệ sĩ chỉ biết tự trách mình không đủ tài.

Quay trở lại với ý tưởng Nhà nước sẽ giữ bản quyền những phim đặt hàng sản xuất phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị, ông Nguyễn Văn Họa, Trưởng phòng Tuyên truyền - Quảng cáo (Fafilm VN), nói: “Nếu không phải mua bản quyền, kế hoạch phát hành được biết trước ngay từ khi phim khởi quay; việc tuyên truyền cho phim cũng sẽ được thực hiện ngay từ thời điểm đó. Số tiền 300-400 triệu đồng sử dụng mua bản quyền phim trước đây sẽ tập trung cho việc tuyên truyền, gửi phim, in nhân bản…nên chắc chắn việc phát hành phim tại thành phố cũng như ở các địa phương sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên