18/09/2012 09:27 GMT+7

Hẹn trả nợ vào ngày... 30-2

CHI MAI - TÂM LỤA
CHI MAI - TÂM LỤA

TT - Giấy nhận nợ ghi ngày trả nợ và lãi là 30-2-2012. Người viết nói do bị ép buộc, đe dọa nên mới bấn loạn tinh thần mà nhận nợ. Chủ nợ thì nói có cho vay. Giấy nhận nợ hẹn trả vào một ngày không có trong thực tế như vậy thì có giá trị pháp lý hay không?

KMpMlHEg.jpgPhóng to

Ngày 21-8-2011, ông V. (xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) viết một giấy nhận nợ với nội dung: có mượn của ông D. (ngụ đường Lê Văn Thọ, P.9, Q.Gò Vấp, TP.HCM) 100 triệu đồng để góp vốn làm ăn từ năm 2000, sau sáu tháng, ngày 30-2-2012, sẽ trả đủ số tiền vốn và lãi theo lãi suất ngân hàng. Tháng 3-2012, ông D. khởi kiện ông V. ra TAND huyện Châu Thành.

Tòa án công nhận giấy nợ

Tháng 7-2012, TAND huyện Châu Thành xử sơ thẩm vụ kiện. Tại tòa, ông V. trình bày ông không vay tiền của ông D., do bị ông D. kêu “xã hội đen” đến ép buộc, khống chế nên ông phải viết giấy nợ trên. Cũng theo ông V., do sau khi viết xong giấy nợ, ông D. đã cất giữ giấy nợ đó nên ông không có cơ sở để tố cáo với cơ quan chức năng. Ông V. không đồng ý trả tiền cho ông D.. Tuy nhiên, lời trình bày của ông V. không được tòa chấp nhận. Tại phiên tòa, người ký tên làm chứng trong giấy nhận nợ khẳng định ông V. viết giấy nhận nợ là đúng sự thật, không có ai ép buộc. Bản án sơ thẩm tuyên buộc ông V. phải trả cho ông D. cả tiền nợ gốc và tiền lãi tổng cộng hơn 198 triệu đồng.

Ông V. đã kháng cáo bản án sơ thẩm trên. Ông nói: “Khi bị ép viết giấy nhận nợ, tôi đang trong trạng thái bị hoảng loạn nên mới viết đại ngày trả nợ là 30-2-2012, thực tế ngày 30-2 không có trong lịch dương. Tình tiết này không được đưa ra xem xét trong phiên tòa, gây bất lợi cho tôi”.

Ông Phạm Văn Thái - phó chánh án TAND huyện Châu Thành, chủ tọa phiên tòa nói trên - cho biết: “Khi nghị án, chúng tôi có cân nhắc tình tiết ngày 30-2 không có trong lịch dương nhưng tại phiên tòa đương sự không trình bày hay thắc mắc gì về vấn đề này nên chúng tôi không giải quyết. Mấu chốt của vấn đề là ông V. trình bày bị xã hội đen ép viết giấy vay nợ nhưng không trình được chứng cứ nên không có cơ sở để xem xét”.

Giao dịch có bị vô hiệu?

Theo một số ý kiến của các chuyên gia pháp lý, ngày hẹn trả nợ của hai bên là 30-2, một ngày không có trên thực tế nên theo quy định của Bộ luật dân sự thì đây có thể xem là việc các đương sự có nhầm lẫn, dẫn đến giao dịch bị vô hiệu. Hậu quả của giao dịch vô hiệu là các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Cho nên, nếu thật sự ông V. có vay của ông D. 100 triệu đồng thì cũng chỉ phải trả lại 100 triệu đồng tiền gốc mà không phải trả lãi.

Tuy nhiên, theo luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM), nếu thật sự giữa ông V. và ông D. có chuyện vay nợ, mà các bên có sự nhầm lẫn về ngày tháng thì giao dịch trên vẫn không bị xem là vô hiệu. Vấn đề là khi xét xử vụ việc, tòa án cần phải làm rõ việc vay mượn tiền có thật hay không.

Còn theo luật sư Trịnh Thanh, nếu quả thật giấy vay nợ mà ông V. đã viết là bị ép buộc thì ông V. phải có nghĩa vụ chứng minh với tòa. Ông V. phải có thêm chứng cứ khác chứng minh mình phải viết giấy trong hoàn cảnh bị ép buộc nhận nợ, bị “xã hội đen” hù dọa ra sao, có người nào khác làm chứng không... Nếu không đưa ra được bằng chứng nào khác thì phán quyết của tòa án công nhận giấy vay nợ, buộc ông V. phải trả nợ là đúng.

Tuy nhiên, luật sư Trịnh Thanh cũng cho rằng trong vụ án đương sự khai bị ép buộc phải viết giấy nợ thì tòa án cũng cần phải làm rõ thêm một số tình tiết khác về việc cho vay, như ông D. cũng phải có nghĩa vụ chứng minh việc mình đưa tiền cho ông V. vay vào thời điểm nào, mục đích gì, có người nào khác chứng kiến hay không.

Tên trong giấy nhận nợ không đúng, vẫn phải trả tiền

Ngày 11-9, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà Trần M.N. và bà Lý Thị Xuân Hạnh. Tòa đã tuyên y án sơ thẩm, buộc bà N. phải trả cho bà Hạnh số tiền nợ 220 triệu đồng.

Bà Hạnh trình bày bà cho bà N. vay 220 triệu đồng theo giấy vay nhận nợ ngày 10-2-2010, hai bên thỏa thuận lãi suất là 3% mỗi tháng. Tuy nhiên, bà N. không trả lãi cho bà nên bà khởi kiện buộc bà N. phải trả nợ gốc trước hạn. Bà N. cho rằng bà bị bà Hạnh ép viết giấy vay nhận nợ, trong giấy vay nhận nợ ghi người vay tên Nguyễn T.D., trong khi bà tên là Trần M.N., sai cả họ và tên nên bà không đồng ý trả số tiền trên.

Hội đồng xét xử cho rằng bà N. trình bày mâu thuẫn về việc vay nợ, khi thì bà khai bị ép viết giấy vay nhận nợ, lúc lại cho rằng chữ viết và chữ ký trên giấy vay nợ không phải do bà viết. Trong khi đó, giám định của Phân viện khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tại TP.HCM kết luận chữ viết mang tên Nguyễn T.D. trên giấy vay nhận nợ ngày 10-2-2010 là chữ viết của bà N..

HĐXX còn căn cứ vào một chứng cứ khác, đó là một giấy vay nợ khác mà bà N. nộp cho tòa. Theo bà N., bà chỉ vay bà Hạnh 19 triệu đồng theo giấy vay nợ ngày 21-4-2006, đã trả đủ cả vốn và lãi. Đây là giấy bà N. thừa nhận mình tự viết nhưng vẫn viết tên là Nguyễn T.D.. Từ đó, HĐXX cho rằng bà N. đã có những dấu hiệu gian dối, cố tình viết sai họ tên để trốn tránh trách nhiệm trả nợ cho bà Hạnh. Bà N. nói bị ép buộc viết giấy nhận nợ nhưng không có chứng cứ chứng minh nên tòa không có căn cứ xem xét kháng cáo.

CHI MAI - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên