20/02/2005 12:07 GMT+7

Hệ thống giao thông ĐBSCL: Diện mạo nào trong tương lai?

PHƯƠNG NGUYÊN
PHƯƠNG NGUYÊN

TTCN - Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện tại được ví như một cô gái xuân thì nhưng diện mạo hơi bị “nhà quê”. Làm sao cho diện mạo ấy đổi thay, bật lên giá trị của mình?

* Chính phủ rót 500 tỉ đồng nâng cấp sân bay Cần Thơ* Xem xét liên doanh với nước ngoài đầu tư sân bay quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc

Czr9zWZ0.jpgPhóng to
Tuyến quốc lộ đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được nâng cấp, mở rộng chưa lâu thì nay lại phải tiếp tục mở rộng lần nữa vì lượng xe lưu thông ngày càng tăng cao

Trong hai ngày 15 và 16-2 tại Cần Thơ, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương trong khu vực đã tìm cách “mô xẻ” để đưa ra những phác thảo

Mô xẻ” đường bộ

Giao thông vận tải (GTVT) khu vực ĐBSCL được xem có tiềm năng rất lớn. Đường bộ có 40.932km, trong đó có 1.799km quốc lộ, 3.385km tỉnh lộ, 35.748km hương lộ. Nếu hình thành được một hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn và kết hợp được các hình thức vận tải sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển. Nhưng rõ ràng kết cấu hạ tầng GTVT khu vực ĐBSCL hiện vẫn còn trong tình trạng kém. Chính vì thế, việc đầu tư cho ĐBSCL để đến năm 2020 có được một hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT tương đối hoàn chỉnh để đáp ứng được yêu cầu phát triển và tạo một bước chuyển biến đột phá... là đòi hỏi rất cấp bách.

Một quan chức của Bộ GTVT cho biết ngành đã đầu tư lên kế hoạch cụ thể phát triển kết cấu hạ tầng GTVT khu vực ĐBSCL đến năm 2010.

Nói chung, đến năm 2010 sẽ hoàn thành bôn trục dọc chính nối ĐBSCL với Đông Nam bộ, gồm: quôc lộ 1A, tuyến N2, N1 và tuyến ven biển; xây dựng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Cần Thơ; các trục dọc tiểu vùng và cải tạo, làm mới hệ thống đường trên đảo Phú Quốc.

Toàn bộ hệ thống quốc lộ đạt qui mô hai làn xe trở lên, mặt đường láng nhựa kiên cố phù hợp qui cách chống lũ. Đến 2020 sẽ tiếp tục xây dựng thêm các tuyến đường cao tốc như Đức Hòa, Rạch Giá và hoàn thành tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ.

Hiện tại, tuyến đường quan trọng, “lối ra” chủ yếu của ĐBSCL là đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ cũng đã được khởi công từ tháng 12-2004 (đoạn TP.HCM - Trung Lương) và dự kiến hoàn thành vào năm 2007.

60.782 tỷ đồng

Để đạt mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL giai đoạn đến 2010 cần vốn đầu tư khoảng 60.782 tỉ đồng.

Trong đó, đường bộ là 53.527 tỉ đồng, đường sông 2.132 tỉ đồng, đường biển 2.414 tỉ đồng và đường hàng không 2.709 tỉ đồng.

Hiện tại, Nhà nước có khả năng cân đối được khoảng 40.740 tỉ đồng từ các nguồn vốn ODA, trái phiếu chính phủ, tạm ứng đầu tư thu phí… Số vốn còn thiếu chưa cân đối được trên 20.000 tỉ đồng.

Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cải tạo nâng cấp, xây mới các cảng biển đến 2010:

+ Cụm cảng khu vực Cần Thơ: 705 tỉ đồng. Trong đó cảng Hoàng Diệu 60 tỉ đồng, cảng Cái Cui 525 tỉ đồng, khu cảng Trà Nóc 120 tỉ đồng.

+ Cụm cảng thuộc các địa phương khác: 1.726 tỉ đồng. Trong đó các cảng khu vực ven sông Hậu 441 tỉ đồng, các cảng khu vực ven sông Tiền 1.040 tỉ đồng, các cảng khu vực ven biển Tây và bán đảo Cà Mau 245 tỉ đồng.

+ Cảng nổi trung chuyển: 1.200 tỉ đồng.

+ Cải tạo luồng, cửa Định An: 2.300 tỉ đồng.

Không chỉ có những trục dọc, những trục ngang cũng được “mổ xẻ” cho hàng hóa lưu thông đi khắp vùng. Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo không nhất thiết làm suốt tuyến đường dọc mà trước mắt tập trung làm trước một đoạn, ngay sau đó xẻ những đường ngang. Có như vậy mới tránh được đầu tư dàn trải lại khai thác hiệu quả các dự án đầu tư.

Hàng loạt tuyến ngang như quốc lộ 30, 53, 54, 57, 60, 61, 63, 80… cũng đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng ra hai hoặc bốn làn xe. Còn các tuyến như nam sông Hậu từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Vị Thanh - Cần Thơ (dọc kênh xáng Xà No)… với qui mô hai đến bốn làn xe cũng dự kiến khởi công vào quí 1-2005 và hoàn thành vào năm 2008.

Thủ tướng mong muốn: “Tôi vẫn muốn làm sao tuyến đường từ TP.HCM đi Cần Thơ được mở rộng như đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đi ngã tư Hàng Xanh. Mỗi bên có ba làn xe và bên trong có đường dành riêng cho xe gắn máy”.

“Tân trang” đường sông

ĐBSCL có bờ biển dài hơn 700km, có hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài hơn 28.000km, trong đó có 13.000km có khả năng khai thác vận tải, chiếm đến 70% chiều dài đường sông của cả nước. Tuy nhiên, lợi thế này vẫn chưa được khai thác đúng mức, nhiều tuyến bị bồi lắng, chưa được cải tạo nạo luồng lạch…

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt rất “thấm” với bài học vận tải đường sông. Ông nói: “Theo tôi, các bộ ngành trung ương cũng như các địa phương cần chú ý đến lợi thế lớn nhất là có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Trong đầu tư phát triển GTVT, đầu tư cho vận tải thủy luôn là đầu tư rẻ nhất nhưng lại có hiệu quả nhất. Tuy nhiên nhiều năm qua vấn đề này chưa được chú ý”.

Ông nhấn mạnh: “Tới đây không có đường nào thay thế cho đường nào, vì mỗi đường có một lợi thế riêng. Càng hiện đại hóa càng phải quan tâm phát triển vận tải đường thủy. Ở vùng này, dù cho đường bộ, đường sắt, đường hàng không có phát triển bao nhiêu thì vẫn không thể thay thế được đường thủy. Nhưng cần phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa qui hoạch giao thông, thủy lợi với xây dựng các cụm tuyến dân cư, có như thế mới tránh lãng phí vốn và phát huy hiệu quả cao”.

Hiện nay, để khai thác triệt để việc vận tải, hành khách và hàng hóa trong khu vực và với TP.HCM, Bộ GTVT đang triển khai dự án nâng cấp hai tuyến TP.HCM - Kiên Lương, TP.HCM - Cà Mau và cảng Cần Thơ, dự kiến hoàn thành vào năm 2005. Bên cạnh đó, sử dụng vốn dư sau đấu thầu để đầu tư xây dựng hai tuyến vận tải thủy Cà Mau - Năm Căn, Kiên Lương - Hà Tiên và sáu bến xếp dỡ, hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2005.

Và hiện tại dự án nâng cấp tuyến TP.HCM đi Kiên Lương qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên cũng đang được triển khai song song với tuyến TP.HCM - Trà Vinh - Bạc Liêu - Cà Mau - Rạch Giá, tuyến tránh kênh Chợ Gạo và tuyến vận tải sông Hàm Luông. Các dự án này sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, dự kiến khởi công vào năm 2006 và hoàn thành năm 2009.

Đến 2010, nâng cấp hoàn thành bôn tuyến đường thủy chủ yếu trong khu vực: TP.HCM - Hà Tiên, TP.HCM - Năm Căn, TP.HCM - Hà Tiên qua Đồng Tháp Mười và tuyến ven biển. Hiện đại hóa hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu đường sông. Nâng cấp các cảng sông hiện có (Bến Lức, Tân Xuân, Cai Thìa, Bến Tre, Chợ Lách, Bình Minh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tắc Cậu…). Xây dựng mới một số cảng sông cấp tỉnh với các vị trí hợp lý và từng bước hiện đại hóa hệ thống cảng sông. Đến giai đoạn 2020: cải tạo nâng cấp các cửa sông lớn ra biển.

“Trang điểm” bằng cảng biển, hàng không

Bt9PuXPp.jpgPhóng to
Cảng Mỹ Thới (An Giang), một trong 14 cảng biển ở khu vực ĐBSCL được đầu tư mở rộng từ nay đến năm 2010
Đường thủy, đường bộ đã được “định dạng”, coi như đã trả về cho “cô gái quê” nét tự nhiên. Nhưng để tạo thêm nét thu hút phải trang điểm nhẹ nhàng phấn, son và các qui hoạch tập trung về cảng biển, cảng sông, kể cả cảng hàng không như là một phần mỹ phẩm.

Theo qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 được Chính phủ phê duyệt, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực ĐBSCL đạt từ 9-11,5 triệu tấn/năm. Hiện nay, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển theo yêu cầu của khu vực cũng khoảng 9-10,5 triệu tấn/năm, mà trong đó trực tiếp thông qua các cảng biển ở khu vực khoảng 5 triệu tấn, còn lại là tại các cảng của TP.HCM.

Theo Cục Hàng hải, hệ thống các cảng biển khu vực ĐBSCL bao gồm các cảng chính đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy hoạt động kinh tế trung tâm tại trung tâm khu vực, và các cảng này sẽ là đầu mối thương mại hàng hải. Đến năm 2010, các cảng biển thuộc nhóm 5 (TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ được di dời và cải tạo để đón tàu đến 8 vạn tấn, do đó một phần hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL yêu cầu phải vận tải bằng tàu lớn mới hiệu quả nên nhất thiết phải hình thành các cảng nước sâu để vận chuyển hàng bằng container. Theo Bộ GTVT, các cảng được tập trung đầu tư làm cảng chính đến 2010 là các khu cảng Hoàng Diệu, Trà Nóc, Cái Cui (Cần Thơ).

Dự kiến công suất toàn cụm cảng đầu mối trung tâm ở Cần Thơ đến 2020 sẽ vào khoảng 8-9 triệu tấn/năm và qui mô xây dựng cảng Cái Cui đáp ứng cho tàu 20.000 DWT. Bên cạnh đó sẽ nâng cấp, xây dựng các cảng tổng hợp, chuyên dùng hiện có tại các địa phương, dự kiến tổng công suất tại các cảng này đạt khoảng 15 triệu tấn/năm vào năm 2020.

Cụ thể trên hệ thống sông Hậu có các cảng: Mỹ Thới (An Giang), Đại Ngãi (Sóc Trăng), Trà Cú (Trà Vinh), Bình Minh (Vĩnh Long)…; sông Tiền: cảng Cao Lãnh - Sa Đéc (Đông Tháp), Mỹ Tho (Tiên Giang), Vĩnh Thái (Vĩnh Long), Hàm Luông (Bên Tre); cảng tổng hợp chuyên dùng trên sông Cửa Lớn (Cà Mau) và trên bờ biển Tây cho tàu từ 5.000-10.000 DWT. Đến năm 2020, sẽ hình thành cảng tàu biển lớn ở khu vực ngoài cửa sông Hậu, thuộc tỉnh Trà Vinh. Cảng này có thể tiếp nhận tàu 60.000 DWT.

Riêng cảng hàng không, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã thống nhất từ nay đến 2010 sẽ cải tạo, nâng cấp các cảng hàng không theo hướng thương mại hóa, khai thác thường xuyên. Trong bốn sân bay Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và Phú Quốc thì phải tập trung đầu tư, nghiên cứu, mở rộng theo hướng đưa hai sân bay Cần Thơ và Phú Quốc là cảng hàng không quốc tế để có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển 10 triệu lượt khách/năm. Đồng thời có thể xem xét liên doanh với nước ngoài đầu tư hai sân bay này.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã đồng ý trước mắt cho tiến hành đầu tư 500 tỉ đồng nâng cấp sân bay Cần Thơ giai đoạn 1. Tuy nhiên, Thủ tướng đề nghị: “Sân bay này phải được qui hoạch lại với qui mô, diện tích lớn hơn để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL trong 10-15 năm tới”. Theo Bộ GTVT, các cảng hàng không trong khu vực có thể tiếp nhận được các loại máy bay tầm ngắn và các loại tầm trung như A320, B777.

PHƯƠNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên