03/10/2012 08:04 GMT+7

Hệ lụy năm rồng

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Bậc làm cha mẹ ai cũng có khát khao con mình luôn được sung sướng. Mong muốn này là lẽ thường tình, chính đáng - nhất là với những cha mẹ đang và đã có cuộc sống khó khăn, gian khổ.

Quá tải “rồng con”

Có cha mẹ nào nhìn thấy con người khác mặc một chiếc áo đẹp, ăn một miếng ngon, sống trong nhà cao cửa rộng... mà không thầm ao ước con mình sau này cũng được như vậy.

Làm gì cho con được sung sướng, chưa biết, nhưng nhiều người tin rằng sinh con vào “năm tốt” để sau này con được sung sướng, an nhàn. Nhâm Thìn năm nay được nhiều người cho là tốt nhất trong tất cả “thập can, thập nhị chi” theo quan niệm xưa. Vì quan niệm này mà nhiều bệnh viện sản đang tràn ngập thai phụ. Các bác sĩ chuyên khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản đã chỉ ra rằng trẻ sướng khổ thế nào chưa thấy, đã thấy kéo theo nhiều hệ lụy mà suy cho cùng ai cũng khổ.

Thống kê của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình cho thấy chỉ trong năm tháng đầu năm 2012 cả nước có 516.169 trẻ sơ sinh chào đời. So với cùng kỳ năm 2011 có 454.626 trẻ chào đời thì đã tăng 61.543 bé (tăng 13,5%). Riêng TP.HCM đã tăng 11.000 bé chỉ trong sáu tháng đầu năm 2012. Cùng thời gian, cả nước đã xảy ra 88 ca tử vong mẹ hoặc tử vong con trong quá trình sinh nở. Trong đó có 60 ca tử vong do tai biến sản khoa và hơn một nửa số ca tử vong này xảy ra tại các cơ sở y tế.

Đó là hệ lụy tức thời cho những bà mẹ và trẻ sơ sinh kém may mắn trong cơn “vượt cạn” nguy hiểm. Hệ lụy còn là sản phụ trong cơn đau đẻ nhưng không có chỗ nằm nghỉ, dù sắp chuyển dạ nhưng chưa được vào phòng chờ sinh. Theo giáo trình sản khoa, bà mẹ trước khi “vượt cạn” sẽ được nhân viên y tế chăm sóc không chỉ về sức khỏe mà cả về tinh thần. Họ phải được tư vấn khi chuyển dạ để biết được mình sẽ sinh thường hay sinh mổ, bao lâu nữa sẽ sinh và từ lúc đó đến khi sinh sẽ như thế nào để dễ dàng đương đầu với cuộc “vượt cạn”. Thế nhưng có bao nhiêu thai phụ được chăm sóc tinh thần trước khi “lâm bồn” khi mà các y bác sĩ không thể nói ra hơi, phải khóc òa ngay tại bệnh viện vì không chịu nổi áp lực quá căng thẳng do số ca sinh tăng cao trong năm rồng.

Hệ lụy cho trẻ là những bé sơ sinh đỏ hỏn vừa mở mắt chào đời đã phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” ngoài hành lang bệnh viện. Với những bé bị bệnh lý sau sinh phải chuyển đến các bệnh viện nhi cũng phải chen chúc 3-4 bé một giường bệnh. Số trẻ sinh tăng cao kéo theo số trẻ mắc bệnh dịch cũng tăng theo. Tất nhiên, cả gia đình và bé phải khốn khổ chầu chực khi đi khám bệnh. Mệt mỏi, căng thẳng khi nằm viện nhưng không được yên tĩnh, thoải mái nghỉ ngơi. Về mặt chăm sóc sức khỏe, các cháu đã bị thiệt thòi như vậy. Về mặt giáo dục, vui chơi, học hành... những bé được sinh vào “năm tốt” còn gặp không ít khó khăn kéo dài nhiều năm sau đó và chịu nhiều thiệt thòi hơn những bé sinh vào “năm xấu”. Trong khi trường lớp chỉ có vậy, thầy cô chỉ có vậy hoặc tăng không đáng kể thì các “bé rồng” phải chen nhau tìm một chỗ học. Nhiều bé sẽ phải ngồi ở những lớp mà sĩ số học sinh có thể lên tới 55-60 học sinh. Từ mẫu giáo đến khi vào lớp 1 và những năm học đầu cấp tiếp theo, các bé này sẽ luôn vất vả để kiếm một chỗ học.

Mẹ khổ, con khổ nhưng các thầy thuốc còn khổ hơn. Trong khi nguồn lực, từ máy móc, trang thiết bị, con người, bàn mổ của bệnh viện có giới hạn nhưng các thầy thuốc phải căng sức làm việc, cố gắng vùng vẫy vì không thể “đóng cửa” với bà bầu. Thai phụ có khi bị “bỏ rơi” cũng không biết. Trẻ bị tai biến tử vong cũng không hay.

Các bác sĩ sản khoa bảo những hệ lụy này là “cái giá” xã hội phải trả cho việc nhiều gia đình đua nhau sinh con năm rồng.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên