![]() |
Các tân sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM chờ làm thủ tục nhập học sáng 13-9-2006. Với mức học phí 6,8 triệu đồng/năm học (hệ ngoài ngân sách), không phải SV nào cũng có điều kiện theo học - Ảnh: Như Hùng |
Nhưng thí sinh trúng tuyển theo “chỉ tiêu bổ sung” sẽ được đào tạo như thế nào, mức học phí đối với hệ này được qui định ra sao? Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Hà - vụ trưởng Vụ ĐH & sau ĐH - cho biết:
- Các trường được bổ sung chỉ tiêu (CT) theo nguyên tắc chung: CT bổ sung không được vượt quá 10% tổng CT hệ chính qui năm 2006 đã được Nhà nước giao cho trường. Từng trường sẽ xác định số lượng CT, mức điểm tuyển bổ sung trên cơ sở điều kiện, khả năng đào tạo cụ thể của nhà trường, các điều kiện bảo đảm chất lượng, sự tự nguyện và cam kết của thí sinh (TS)... Nhìn chung khi xem xét, chủ trương của chúng tôi là ưu tiên xem xét đối với những trường, ngành khó tuyển, một số trường ngành đặc thù, ví dụ như kiến trúc chẳng hạn do yêu cầu về sơ tuyển và môn năng khiếu nên TS không có NV2.
* Thưa bà, CT bổ sung có phải là CT đào tạo ĐH chính qui không?
- CT bổ sung cũng là CT ĐH chính qui. Hằng năm, tương ứng với số CT được giao, các cơ sở đào tạo được Nhà nước cấp ngân sách theo định mức tính trên mỗi SV. Còn số CT được cấp bổ sung này tạm gọi là CT ngoài ngân sách vì đây là CT không được Nhà nước cấp ngân sách cho các cơ sở đào tạo. Được xét tuyển vào đào tạo theo CT ngoài ngân sách, người học vẫn là SV hệ chính qui, được đào tạo theo chương trình và cấp bằng ĐH chính qui. Chỉ có một điểm khác biệt là mức học phí do không được ngân sách bao cấp nên sẽ phải đóng cao hơn.
Các trường ĐH được tuyển bổ sung chỉ tiêu ĐH chính qui năm 2006 gồm: ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội (tức ĐH Ngoại ngữ Hà Nội), ĐH Kiến trúc TP.HCM, Học viện Tài chính, Học viện Bưu chính viễn thông, Học viện Ngân hàng, ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Y dược Cần Thơ. |
- Bộ GD-ĐT không ấn định mức thu học phí diện này đối với các cơ sở đào tạo. Nhưng có thể tính toán được mức học phí tối đa các trường được phép thu. Hiện nay theo qui định, kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho mỗi SV là 6 triệu đồng/năm học, mức học phí ĐH đại trà của các trường nằm trong khoảng 1,2-1,8 triệu/năm học. Như vậy tổng chi phí đào tạo bình quân của mỗi SV khoảng 7,2 -7,8 triệu đồng/năm học.
Mức học phí đối với số CT tuyển bổ sung ngoài ngân sách cụ thể là bao nhiêu sẽ do từng trường qui định, nhưng phải trên cơ sở tính toán hợp lý chi phí đào tạo theo qui định hiện hành và phải thông báo công khai với người học và xã hội. Vì vậy mức học phí của các trường/ngành có nhu cầu kinh phí đào tạo khác nhau sẽ khác nhau, ví dụ như các ngành y, công nghệ... phải cao hơn kinh tế, ngoại ngữ...
* Thưa bà, có ý kiến cho rằng cũng trúng tuyển vào ĐH hệ chính qui, chương trình đào tạo như nhau mà phải nộp học phí cao hơn nhiều là không công bằng cho SV? Mặt khác, những SV có điểm thi cao nhưng không có khả năng kinh tế sẽ không có cơ hội được xét tuyển bổ sung?
- Những trường được xét tuyển bổ sung CT ngoài ngân sách là những trường có điểm chuẩn rất cao và TS đã dự thi vào trường có kết quả thi cao so với mặt bằng chung mà chưa trúng tuyển. Chủ trương này nhằm tạo cơ hội cho các TS có thể được học ở trường ĐH mà các em mong muốn nhất. TS trong diện được xét tuyển nếu có nhu cầu, nguyện vọng mới tham gia xét tuyển hoặc nhập học nếu trúng tuyển.
Như tôi đã nhiều lần giải thích, ngoài điều kiện về điểm thi (có kết quả thi cao, tối thiểu phải đạt 20 điểm/ba môn và xấp xỉ điểm chuẩn của trường đã dự thi) như một điều kiện cần, điều kiện đủ là sự tự nguyện và khả năng đóng góp kinh phí đào tạo của TS. Nếu trong diện được xét tuyển nhưng TS không có nhu cầu thì hoàn toàn có thể không tham gia xét bổ sung mà đăng ký xét tuyển NV2, NV3 theo qui định...
Nói cách khác, nếu TS không muốn mình tự lực gánh vác chi phí đào tạo, muốn được hưởng sự đầu tư ngân sách của Nhà nước, TS có nhiều sự lựa chọn khác: xét tuyển vào trường ĐH khác còn chỉ tiêu NV2, NV3, thi lại năm sau, lựa chọn trường phù hợp với năng lực để có cơ hội trúng tuyển... Đối với việc được hưởng đầu tư từ ngân sách nhà nước, cơ hội của tất cả các TS là hoàn toàn như nhau.
* Liệu có chính sách hỗ trợ nào đối với những SV trong diện được tuyển bổ sung ngoài ngân sách nhưng không đủ khả năng kinh tế để đóng học phí ở mức này không, thưa bà?
- Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào chính sách của các trường. Có chủ trương và chính sách hỗ trợ hay không, nếu có thì hỗ trợ, ví dụ như xét giảm học phí như thế nào phải do các trường quyết định. Nếu TS gặp khó khăn nhưng có nguyện vọng muốn học thì có thể làm đơn đề nghị nhà trường xem xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận