Joan Gaspart - một trong những chủ tịch kém cỏi nhất lịch sử Barca mới đây lên tiếng chỉ trích Messi - Ảnh: AP
Emmanuel Petit, Marc Overmars và Gerard Lopez. Cả ba cái tên đó được liệt vào danh sách những bản hợp đồng tồi tệ nhất lịch sử đội bóng xứ Catalunya.
Cụ thể, Petit rời đi chỉ sau một mùa giải. Overmars chưa bao giờ lấy lại phong độ đỉnh cao như thời còn ở Ajax và Arsenal. Còn Gerard - một cầu thủ trưởng thành từ La Masia nhưng Barca để vuột vào tay Valencia rồi phải mua lại với giá cắt cổ, hoàn toàn không tương xứng với màn trình diễn của tiền vệ này những năm sau đó.
Messi luôn là bia đỡ đạn
Ba năm trị vì của Gaspart là ba năm tồi tệ nhất trong lịch sử Barca. Họ đánh mất những siêu sao như Figo và Rivaldo và tuột dốc từ vị trí một ứng cử viên vô địch Champions League đến việc bị văng khỏi top 4 La Liga.
Chỉ khi Joan Laporta lên nắm quyền và đưa Ronaldinho đến Camp Nou, Barca mới trở lại quỹ đạo thành công.
Joan Gaspart - tội đồ trong lịch sử Barca, mới đây đã lên tiếng dạy bảo Messi về lòng trung thành. Cựu chủ tịch 75 tuổi khuyên ban lãnh đạo đội bóng nên cư xử cứng rắn với siêu sao người Argentina, và bảo với Messi: "Có bao giờ cậu nghĩ rằng đội bóng đã giúp cậu trở nên thành công như thế nào?".
Gaspart còn lấy tình yêu của các CĐV ra để dày vò Messi, rằng việc anh rời đội bóng vào lúc này là một sự phản bội với tình yêu đó.
Động thái của Gaspart là một điều gì đó đã rất quen thuộc ở Barca suốt hai năm qua. Messi luôn trở thành tâm điểm của mọi chỉ trích dù những người ra quyết định là ban lãnh đạo Barca.
Khi họ mua về Philippe Coutinho, Ousmane Dembele rồi Antoine Griezmann, đều không phải là những cầu thủ "hợp cạ" Messi. Từ đó, dấy lên nhiều thông tin cho rằng ngôi sao người Argentina không chịu hợp tác với những tân binh
Khi cả làng bóng đá lao đao vì đại dịch và nhiều đội bóng phải đề nghị cầu thủ giảm lương. Lại dấy lên thông tin Messi cầm đầu nhóm cầu thủ chống đối điều đó (dù sau đó chính anh đã chủ động giảm 70% lương).
Khi cả đội chơi tệ, giám đốc thể thao Eric Abidal bóng gió chỉ trích một nhóm cầu thủ mà người ta tin rằng mũi dùi lại một lần nữa hướng về Messi.
Và sau tất cả, khi Barca quyết tâm mang HLV Ronald Koeman về để bắt đầu cuộc cách mạng, họ đánh tiếng vẫn cần Messi, nhưng lại cư xử cạn tàu ráo máng với người bạn thân nhất của anh: Luis Suarez. Koeman đuổi Suarez đi chỉ bằng một cuộc điện thoại.
Messi - một cầu thủ sống giàu tình cảm với người vợ là cô bạn gái thanh mai trúc mã. Với người đại diện là cha và anh trai của mình (thay vì những siêu cò chuyên nghiệp). Với việc chọn quê hương Argentina làm đội tuyển quốc gia thay vì Tây Ban Nha - nơi cho anh tất cả đã giận dữ vì cách cư xử đó. Và ban lãnh đạo Barca tiếp tục cầu viện đến một cựu chủ tịch để gây sức ép lên anh.
Người hâm mộ Barca không khờ dại để hoàn toàn tin vào những tin đồn ác ý nhắm vào Messi suốt một năm qua. Đặc biệt là sau khi nhiều thành viên ban lãnh đạo chủ động từ chức vì làm phật lòng chủ tịch Josep Bartomeu, bằng cách tiết lộ thông tin vị chủ tịch Barca đã thuê công ty truyền thông thực hiện chiến dịch bôi nhọ cầu thủ số một của đội bóng.
Suốt hai năm qua, Messi đã trở thành cái "bia đỡ đạn" cho chủ tịch Bartomeu như thế.
Messi và Barca, ai cần ai?
Messi và Barca, ai mới thực sự cần đến ai? Nó cũng như câu hỏi, giữa nhân viên và công ty, ai là người được lợi nhiều hơn. Câu trả lời là... không ai cả.
Một hợp đồng chuyên nghiệp được ký kết, đặc biệt là ở đẳng cấp đỉnh cao như thế này, đảm bảo để không có bên nào lợi dụng được bên nào.
Bao năm qua Messi vẫn làm bia đỡ đạn cho Bartomeu - Ảnh: Noticias
Nhưng giới lãnh đạo Barca đang nói quá nhiều về chuyện ơn nghĩa, với đầy đủ các chiêu trò truyền thông để gây sức ép lên Messi, hòng có được lợi ích lớn nhất. Trong khi những bài học quá khứ của riêng Barca cho thấy họ mới là phía phải lo sợ nhiều hơn.
Gaspart là người hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Ông chấp nhận bán Figo với cái giá kỷ lục, dùng toàn bộ số tiền đó đầu tư vào 3 ngôi sao khác và thất bại thảm hại.
Lịch sử Barca cho thấy họ đối phó rất kém với những trường hợp đánh mất siêu sao như thế. Sau khi bán Neymar vào năm 2017, Barca cũng dùng toàn bộ số tiền thu được mua về hai cái tên Dembele và Coutinho. Kết quả chẳng khác gì phi vụ Figo - Overmars, Petit, Gerard năm xưa.
Lần hiếm hoi Barca không bị sụp đổ sau sự ra đi của một siêu sao là khi Ronaldinho rời đội vào năm 2008. Khi ấy, họ đã có Messi để lập tức thế vào vai trò của tiền đạo người Brazil.
Ở Barca lúc này, chúng ta không thấy một cầu thủ nào có thể đứng ra gánh vác trọng trách đó như Messi năm nào. Và ban lãnh đạo Barca với sự ngờ nghệch trên thị trường chuyển nhượng bao năm qua cũng không hề đảm bảo sẽ mua được người thay thế xứng đáng.
Riêng trường hợp này, cán cân giữa nhân viên và công ty đang lệch về anh chàng nhân viên hiền lành, tận tụy Messi. Và nếu còn muốn giữ siêu sao xuất sắc nhất lịch sử đội bóng lại với đầy đủ tinh thần cống hiến nơi anh, hãy thôi cách cư xử tiểu nhân đi Barca!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận