16/07/2005 10:56 GMT+7

Hãy sống vì người mình yêu

LƯU TUẤN KIỆT
LƯU TUẤN KIỆT

TTO - Chuyện thường có, khi yêu, người ta nói với nhau rất nhiều điều và dĩ nhiên - nhiều cả những lời xin lỗi và cảm ơn.

0jlZU5Zr.jpgPhóng to

Ảnh minh họa: THANH TÂN

Nhưng sau một thời gian chung sống, họ cảm thấy lời lẽ như thừa thải, bởi vì… họ “đã hiểu nhau lắm rồi” còn gì (!)

Người vợ: “Tôi cảm thấy cô đơn, ngay chính trong ngôi nhà của mình”

Cuộc sống chung, công việc để mưu sinh, chuyện học hành tiến thân của bản thân mỗi người, rồi gia đình họ hàng hai bên, rồi con cái, bạn bè chung… cuốn họ đi. Trong cái cuộc sống công nghiệp vội vã này, thử hỏi, mỗi ngày mỗi gia đình có được bao nhiêu thời gian rảnh để sum họp, để gặp mặt? Ấy thế mà họ - những cặp vợ chồng thời nay - lại vẫn cứ ít lời với nhau.

“Tôi cảm thấy cô đơn, ngay chính trong ngôi nhà của mình. Không phải vì chồng tôi không yêu tôi hay bỏ bê gia đình. Cũng không phải vì các con của tôi không ngoan. Người ngoài nhìn vào, cho rằng gia đình tôi là “kiểu mẫu” của một tổ ấm hạnh phúc. Tôi cũng không có gì lớn lao phải phàn nàn về chồng, con, công việc hay gia đình hai bên nội - ngoại. Nhưng tôi vẫn cảm thấy cô đơn. Nhiều khi nhớ lại thời gian yêu nhau, tôi thèm có những lúc được trò chuyện với anh ấy - những chuyện về bạn bè, về đồng nghiệp, có khi cả những chuyện đâu đâu ở ngoài đường, vô thưởng vô phạt. Nhưng chồng tôi không có thời gian. Ngoài thời gian cho công việc, cho những buổi tiếp khách, tiếp bạn, thời gian ở nhà của chồng tôi là để đọc sách, báo, và… ngủ. Còn các con của tôi, chúng còn quá nhỏ để hiểu và cũng không phải là đối tượng nghe của những điều tôi muốn nói…”.

Có lẽ đã không ít người có cùng tâm sự như của một phụ nữ công chức vừa nêu trên. Phái mày râu, phải chăng đã quên rằng: Phụ nữ là phái yếu. “Yếu” không phải ở thể lực hay năng lực làm việc, mà “yếu” chính ở chỗ: người phụ nữ luôn có nhu cầu được chăm sóc, được quan tâm, và nhất là… được giãi bày tâm sự.

Người chồng: “Tôi sợ… về nhà sớm”

Một cảnh ngộ khác: “Nhiều hôm, sau giờ làm việc, tôi có cảm giác ngại về nhà. Cũng chẳng phải về nhà để làm lụng gì vất vả, bởi vợ tôi - một người phụ nữ có thể nói là đảm đang, cô ấy chẳng để tôi phải động tay vào việc nội trợ. Nhưng cô ấy lại có “cái tật” là… hay cằn nhằn. Bố con tôi, quả thật đôi khi cũng hơi bê bối trong sinh hoạt, nhưng thiết nghĩ cũng nên thông cảm, đàn ông mà. Gia đình đâu phải là văn phòng làm việc, cũng cần được thoải mái một chút và nhất là cần có thời gian để thư giãn chứ. Những lời cằn nhằn của vợ tôi, đôi khi như chút muối, chút tiêu bị bỏ quá tay vào một món ăn ngon. Thành thử, tôi sợ… về nhà sớm là vậy”.

Chị em phụ nữ, xin đừng tự ái và vội vàng trách móc người chồng “tội nghiệp” vừa nêu trên. Anh ấy nào đâu phải vì một thú vui cá nhân mà bỏ bê gia đình. Anh ấy chỉ muốn được về nhà và sống trong một không khí “thanh bình” mà thôi.

Vợ - chồng: Hãy… biết nói những lời dễ nghe và biết nghe những điều khó nói

Lời nói tuy “không mất tiền mua” nhưng cổ nhân đã từng dạy: phải biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Biết nói để người nghe vừa lòng và biết nghe để người nói có thể nói những lời chân thành, có thể ghi nhận là một trong những bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong thực tế, cuộc sống và hạnh phúc của không ít gia đình đã bị rạn nứt hay thậm chí bị đổ vỡ, chỉ vì người ta muốn đi tìm người… biết nói những lời dễ nghe và biết nghe những điều khó nói.

Sự cảm thông lẫn nhau, biết chọn thời điểm thích hợp để giãi bày, giải quyết những khúc mắc trong lòng mỗi người là một trong những cách để ngày càng gần nhau hơn trong cuộc sống lứa đôi. Hai người, trước khi trở thành bạn đời của nhau, chẳng phải đã từng… muốn sống cho người mình yêu đó sao.

LƯU TUẤN KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên